15/10/2019
Nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, Hidden Gem Coffee tạo ấn tượng với khách ghé thăm bởi không gian đẹp mắt và rất đặc biệt: 100% đồ dùng trong quán là vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, từ chiếc lốp xe, vỏ chai, bộ sofa cũ, thùng đựng sơn, đến những bộ phận của chiếc máy cày… Người sáng lập nên quán cà phê độc đáo này là anh Nguyễn Văn Thơ, sinh năm 1983, quê ở Bắc Ninh. Để hiểu thêm về mục đích cũng như ý nghĩa của việc thành lập Hidden Gem Coffee, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Thơ.
Anh Nguyễn Văn Thơ - Chủ quán cà phê Hidden Gem Coffee
PV: Anh có thể tiết lộ về ý tưởng xây dựng Hidden Gem Coffee - Quán cà phê sử dụng 100% vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường?
Anh Nguyễn Văn Thơ: Nhiều năm trước đây, nước sông ở các làng quê Việt Nam còn có thể uống trực tiếp, trẻ con được thoải mái tắm, bơi lội trên đó, còn bây giờ, dòng nước ở các con sông quê đa phần không thể sử dụng, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước ở mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cụ thể, ở tỉnh Bắc Ninh, nơi tôi sinh ra, do có nhiều làng nghề nhưng chưa có quy trình xử lý và thu gom rác thải hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều người, trong đó có cả người thân của tôi, đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Hơn nữa, tôi từng có khoảng 13 năm làm hướng dẫn viên du lịch, trong thời gian đó, tôi được đi qua nhiều vùng miền, thấy đất nước mình có nhiều bãi biển đẹp, nhất là vùng duyên hải miền Trung. Thế nhưng, khoảng hơn chục năm trở lại đây, ô nhiễm rác thải đã trở thành mối lo ngại, nhiều loại rác thải không được thu gom mà đổ trực tiếp ra biển... Tuy nhiên, nếu giải quyết bài toán rác thải chỉ bằng cách thu gom rồi tập kết một chỗ thì cũng chỉ là chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, rác vẫn không được xử lý triệt để. Lúc đó, câu hỏi phải làm gì để biến rác thành một thứ hữu ích luôn thôi thúc tôi.
Tôi nghĩ đến việc mở một quán cà phê tái chế, tận dụng mọi vật dụng bỏ đi. Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, quán sẽ góp một phần nhỏ trong việc nâng cao ý thức BVMT, truyền đi thông điệp giữ gìn môi trường sống tới cộng đồng. Tôi quyết định từ bỏ công việc hướng dẫn viên cho một công ty của Mỹ để theo đuổi niềm đam mê “nhặt rác”. Nhằm thực hiện ý tưởng này, tôi đã rong ruổi khắp nơi tìm kiếm nguyên liệu, từ những phế liệu thu lượm về như xe máy, xe đạp, mặt tủ, chai nhựa, bánh xe, chai rượu, bình nước, máy tuốt lúa... Tôi cùng với một số người bạn đã lên kế hoạch xây dựng Hidden Gem Coffee và tự chế tác ra những đồ dùng cho quán từ chính vật liệu tái chế. Theo đó, phế liệu sau khi thu gom về, được rửa sạch rồi gia công, lắp ráp lại thành nhiều vật dụng khác nhau. Trong quá trình xử lý, chúng tôi luôn tuân thủ quy tắc không đốt phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Để có được 100 chiếc cốc độc đáo, chúng tôi đã phải cắt hơn 400 chai rượu và gia công kỹ lưỡng. Ngoài ra, chúng tôi còn sắp xếp 1.000 chai nhựa và trang trí bằng bột màu pha lẫn nước để tô điểm cho quán. Mọi ngóc ngách trong quán đều mang thông điệp: Sống xanh - Suy nghĩ xanh - Hành động xanh. Hiện nay, 100% các đồ dùng trong Hidden Gem Coffee (bàn ghế, ống hút, cốc chén...) đều là đồ tái chế, hoàn toàn thân thiện với môi trường. Từ cái bàn uống nước bằng lốp xe hay cánh cửa, chai nhựa đổ màu vào cũng trở thành bông hoa trang trí hoặc những chú chuồn chuồn đẹp mắt…
Toàn bộ đồ dùng trong quán đều được làm từ đồ tái chế và vật liệu thân thiện với môi trường
PV: Cái tên Hidden Gem Coffee có ý nghĩa như thế nào với anh? Trong thời gian hiện thực hóa ý tưởng của mình, anh gặp thuận lợi cũng như khó khăn gì?
Anh Nguyễn Văn Thơ: Hidden Gem Coffee mang một ý nghĩa là tìm thấy những viên ngọc trong rác. Từ đó, tôi mong muốn chuyển tải thông điệp cùng chung tay nâng cao ý thức BVMT.
Quả thực, quyết định từ bỏ một công việc tốt chỉ bởi sự đau đáu với môi trường cùng niềm đam mê tái chế đã khiến tôi nhiều lúc cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Nhất là khi mới bắt tay vào công việc này, bản thân còn nhiều bỡ ngỡ, chưa biết bắt đầu từ đâu, nhưng tôi lại không nhận được sự ủng hộ của người thân, bạn bè, vì họ cho rằng “một cánh én nhỏ thì không mang nổi một mùa xuân”, việc làm của tôi quá nhỏ bé cho một vấn đề lớn. Nhưng, tôi vẫn kiên định với con đường mình đã chọn, vì tôi tin, trong thời đại công nghệ này, nếu việc mình làm có ý nghĩa thì dù “cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng nó sẽ có khả năng báo hiệu mùa xuân đến”, báo hiệu cho những thay đổi. Nếu mình thực sự cố gắng thì “cứ đi rồi sẽ đến”, vì vậy, hàng ngày tôi vẫn cần mẫn đi gom rác về tái chế, hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Hơn 1 năm chuẩn bị và mất 4 tháng tự chế ra các vật dụng, cuối cùng, Hidden Gem Coffee ra đời với những đồ dùng “độc nhất vô nhị”, là “quả ngọt” cho hành động “điên rồ” của chúng tôi. Với riêng tôi, Hidden Gem Coffee chính là “đứa con tinh thần”. Hiện quán đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút được lượng lớn khách ghé thăm, nhất là du khách nước ngoài, họ tỏ ra thích thú và ủng hộ ý tưởng của chúng tôi. Họ cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều bằng cách chia sẻ về Hidden Gem Coffee rộng rãi trên các trang mạng xã hội, nhờ vậy, lượng khách ngày càng đông hơn, trung bình mỗi ngày có từ 150 - 200 lượt khách đến thưởng thức cà phê và tham quan mô hình, trong đó 60% là khách nước ngoài.
Bên cạnh việc góp một phần nhỏ công sức vào BVMT, điều làm tôi vui và có thêm động lực cố gắng mỗi ngày đó là, nhân viên phục vụ trong Hidden Gem Coffee đều là những bạn trẻ khuyết tật. Những người làm việc và khách đến với quán, đa phần đều yêu môi trường, thích cà phê và khám phá giá trị từ rác. Đặc biệt, với những điểm nhấn độc đáo cũng như đóng góp tích cực cho việc lan tỏa, nâng cao ý thức BVMT, Hidden Gem Coffee đang trong giai đoạn được Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam thiết lập hồ sơ đề xuất kỷ lục: Quán cà phê làm bằng đồ tái chế nhiều nhất Việt Nam.
PV: Anh có thể chia sẻ thêm về kế hoạch thu gom, tái chế rác thải của mình trong tương lai?
Anh Nguyễn Văn Thơ: Hiện nay, tôi vẫn duy trì công việc này. Có khi tôi thuê xe tải đi đến các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... có lúc lại tự đi xe máy về những địa phương xung quanh TP. Hà Nội để thu gom rác. Dọc đường thấy rác thì nhặt hoặc vào các tiệm đồng nát vừa mua, vừa xin. Chi phí đi lại cũng nhiều, công sức bỏ ra không ít, chưa kể đến việc lúc nào cũng tiếp xúc với phế liệu, thế nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ dừng lại.
Tôi nghĩ, ý thức chính là cái gốc của vấn đề, vì vậy, tôi thường xuyên khuyến khích mọi người cùng tham gia tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu rác bằng cách đăng nội dung đang cần số lượng lớn vỏ chai nhựa 350 ml, 500 ml và 1.500 ml cũng như các vật liệu từ nhựa đã qua sử dụng cho một dự án tái chế trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, nhằm truyền tải thông điệp về BVMT. Nếu ai đó quan tâm đến dự án của tôi và có rác thải, họ có thể báo để chúng tôi đến tận nơi thu gom, hoặc trực tiếp mang đến Hidden Gem Coffee để nhận giảm giá 20% cho bất kỳ sản phẩm đồ uống nào (từ 5 chai trở lên, có cả nắp chai), hoặc gửi vỏ chai về địa chỉ của quán.
Theo tôi, vòng đời của những chiếc chai nhựa sẽ được tăng lên đáng kể, nếu chúng được thiết kế hợp lý để trang trí quán xá, trường học hoặc làm dụng cụ trực quan, giúp truyền cảm hứng BVMT cho các em học sinh... Vì vậy, song song với việc quản lý Hidden Gem Coffee, tôi đang thực hiện dự án giáo dục đối với một số trường mầm non, tiểu học bằng việc khuyến khích các bạn nhỏ thu gom chai nhựa và dạy cách tái chế thành những đồ dùng hữu ích. Hiện, đã có một số trường quốc tế liên hệ với chúng tôi để đưa học sinh tới tham quan, trải nghiệm cách tận dụng những đồ dùng tái chế từ nhựa. Ngoài ra, tôi cũng có tham vọng mở nhà hàng và khách sạn tái chế, tiếp tục nhân rộng mô hình và truyền cảm hứng BVMT từ việc tái chế rác thải.
Khi rác cũng là một nguồn tài nguyên, khi cái đẹp được sinh ra từ đống rác, lại mang ý nghĩa BVMT, bảo vệ hành tinh của chúng ta và các loài sinh vật khác trên Trái đất, thì nó đã trở nên hoàn hảo. Hy vọng, mô hình quán cà phê sử dụng đồ tái chế như Hidden Gem Coffee sẽ được nhân rộng tại nhiều nơi, để tôi có thêm những người bạn cùng đồng hành trên con thực hiện sứ mệnh BVMT. Hidden Gem Coffee cũng trở thành một điểm đến thú vị cho các bạn trẻ, đặc biệt là du khách nước ngoài mỗi khi đến với Hà Nội, từ đó thông điệp “sống xanh”, sống thân thiện với môi trường sẽ được lan tỏa đến cộng đồng.
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Bùi Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)