06/05/2019
Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người. Theo các chuyên gia về môi trường, chỉ mất 1 giây để vứt đi một túi ni lông nhưng phải mất từ 500 - 1.000 năm để phân hủy túi ni lông đó. Hậu quả của chất thải nhựa và túi ni lông rất nghiêm trọng. Mới đây, một con cá nhà táng khổng lồ bị chết trôi dạt vào bờ biển Italy mang trong bụng đứa con của nó và… 22 kg rác nhựa. Những hình ảnh rùa biển bị vướng vào mảnh nhựa, chim biển mắc kẹt vào mớ ni lông, hay cá voi chết vì nuốt quá nhiều nhựa đã không còn xa lạ. Song không chỉ có hàng trăm sinh vật biển, nhiều chủng loài khác ở trên cạn cũng đứng trước nguy cơ tuyệt diệt vì sự vô ý thức của con người.
Rác thải nhựa trên biển
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilong" và tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Tại nhiều diễn đàn quốc tế Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilong khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Từ tháng 6/2018, Bộ TN&MT chủ trương dùng bình nước kim loại thay thế chai nước nhựa dùng một lần trong các Hội nghị. Ở Cù Lao Chàm, Hội An từ cả chục năm nay đã từ chối sử dụng túi nilon…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có thư kêu gọi chung tay hành động vì một "Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra". Trong thư Thủ tướng nêu rõ hiện nay rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, qua đó Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương, doanh nghiệp đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả chưa được phát huy và lan tỏa sâu, rộng trong cả nước. Thủ tướng cho rằng, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội. Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng, nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị.
Thủ tướng kêu gọi: "Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa". Thủ tướng đề nghị, ngay bây giờ chúng ta hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Không có gì phải bàn cãi khi hiểm họa, thách thức từ rác thải nhựa, túi ni lông được so sánh với hiểm họa do biến đổi khí hậu. Chỉ khác rằng, con người vẫn có thể chế ngự, giảm thiểu hiểm họa, thách thức từ rác bằng thái độ, ý thức cao về môi trường.
Trần Tân