Banner trang chủ

Chia sẻ kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng

09/06/2015

     Trong 3 ngày từ 8 - 10/6/2015, tại Bình Thuận, Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 2 (Chương trình hợp tác Liên hợp quốc về Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ( REDD+) ở các nước đang phát triển) đã tổ chức Hội thảo Rà soát, chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng Chương trình cấp cơ sở (SiRAP) cho đội ngũ cán bộ, ban điều phối Chương trình tại 6 tỉnh Lào Cai, Bắc Cạn, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Cà Mau và Bình Thuận.

 

Ảnh minh hoạ

 

     Các đại biểu tham dự được nghe báo cáo về tiến độ Chương trình SiRAP; Tiêu chí để lựa chọn các xã tham gia vào dự án; Nguyên nhân và các can thiệp đảm bảo tính bền vững trong dài hạn của SiRAP; Những tồn tại và khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch tại địa phương… 

     Hội thảo tập trung thảo luận về Dự thảo lồng ghép các biện pháp đảm bảo an toàn về xã hội tại các khu vực thực hiện Chương trình; Đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách có liên quan đến rừng và đất rừng của Đảng, Nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và giới nữ; Xây dựng các mô hình sinh kế Nông - Lâm - Ngư nghiệp kết hợp hỗ trợ các gói tín dụng nhỏ để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tạo việc làm cho những hộ dân không có cơ sở sản xuất, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng; Xây dựng các mô hình bảo vệ rừng hiện có trong các hộ dân, đặc biệt là các hộ trồng rừng, nhằm tăng tỷ lệ rừng so với quy định. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo vệ, chống phá rừng và lấn chiếm đất rừng...

 

     Chương trình UN-REDD được xây dựng trên cơ sở sức mạnh và kiến thức chuyên môn tổng hợp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Chương trình UN-REDD do Ban chính sách gồm đại diện của các quốc gia thành viên trên toàn cầu, những nhà tài trợ thuộc quỹ tín thác đa biên, các tổ chức xã hội, người dân địa phương, FAO, UNDP và UNEP cùng quản lý. Tính đến hết tháng 6/2014, tổng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình cho các nước đối tác lên tới hơn 195 triệu đô la Mỹ.
     Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II được thực hiện từ năm 2013 - 2015, trên địa bàn 6 tỉnh thí điểm, gồm Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mau.
     Để thu hút sự tham gia và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan tại địa phương như ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, người dân…Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc cho Chương trình hành động REDD cấp quốc gia và kế hoạch hành động cấp tỉnh, SiRAP đã được xây dựng bao gồm Kế hoạch cấp thôn, bản, xã; Kế hoạch của các ban quản lý và công ty lâm nghiệp. Đến nay, Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tại 6 tỉnh đã xây dựng và thực hiện được 30 SiRAP, trong đó có 2 kế hoạch thôn, 4 kế hoạch cấp xã, 10 kế hoạch của ban quản lý rừng và 7 kế hoạch của công ty lâm nghiệp. 

 

 Đỗ Hoàng

 

Ý kiến của bạn