09/10/2019
Chùa Pháp Vân là một ngôi cổ tự, nằm ở phía Nam, thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Đây là ngôi chùa được nhiều người biết đến với các hoạt động cộng đồng tích cực như: Chăm sóc bệnh nhân chất độc màu da cam, người nhiễm HIV, người vô gia cư; Phát cháo từ thiện tại các bệnh viện; Ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ vùng sâu, vùng xa. Chùa Pháp Vân còn là nơi quy hướng cho tín đồ phật tử, thanh thiếu niên, sinh viên đến tham gia khóa tu “Ngày an lạc”, hướng dẫn nhân dân - phật tử tu tập, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội.
Nhận thức được BVMT và ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng, những năm qua, chùa Pháp Vân luôn xác định, để giải quyết được bài toán này, cần xử lý từ gốc là vấn đề ý thức con người và phải có sự đồng lòng, chung sức của chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo, đoàn thể các cấp cho đến mỗi người dân. Thượng tọa Thích Thanh Huân - Trụ trì chùa Pháp Vân chia sẻ: Đạo Phật có truyền thống “Hộ quốc an dân”, luôn đồng hành với dân tộc góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Trong các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH, các tổ chức tôn giáo có nhiều cơ hội gặp nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm và những việc làm của mình. Thầy rất tâm đắc khi nhận thấy rằng, mỗi tôn giáo, mặc dù có sự khác nhau về đức tin và giáo lý, giáo luật, phương thức tu tập, nhưng đều có một điểm chung là giáo dục con người hướng thiện, làm lành tránh dữ, tôn trọng bảo vệ sự sống, BVMT, môi sinh để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp. Đây là điểm tương đồng giữa giáo lý, giáo luật các tôn giáo với chủ trương, chính sách về BVMT, ứng phó với BĐKH của Đảng và Nhà nước.
Tại Lễ ký kết Chương trình phối hợp Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ TN&MT và các tôn giáo giai đoạn 2015 - 2020, chùa Pháp Vân đã vinh dự được chọn là một trong 3 mô hình điểm của Phật giáo tham gia công tác BVMT. Sau 4 năm, chùa đã triển khai được nhiều hoạt động với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng và có ý nghĩa trên cả 3 phương diện: góp phần BVMT tự nhiên; Cải thiện chất lượng môi trường xã hội thông qua các hoạt động mang tính chất giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và cứu trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng trụ trì, tăng ni, phật tử chùa Pháp Vân dọn vệ sinh quanh hồ Linh Đàm tại chuỗi sự kiện “Nhảy! Vì sự tử tế”
Trên phương diện góp phần BVMT tự nhiên, chùa Pháp Vân đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Thành lập Ban Điều hành Pháp Vân Xanh với 20 thành viên nòng cốt và 4 thành viên cố vấn là các Giáo sư, chuyên gia hoạt động vì cộng đồng; Thành lập Câu lạc bộ Môi trường xanh với sự tham gia của đoàn viên thanh niên, sinh viên đến đến từ các trường Đại học trên địa bàn TP. Hà Nội; Phát động Chương trình “Triệu chữ ký, triệu hành động vì môi trường”; Tổ chức Tọa đàm “Tôn giáo với cuộc sống an lành và môi trường tươi đẹp”... Đối với chính quyền địa phương và khu dân cư lân cận, hàng năm, chùa đều phối hợp ký cam kết tham gia BVMT dựa trên sự kết nối giữa tam giác giữa 3 bên, thống nhất kế hoạch chiến dịch ra quân BVMT trên địa bàn, đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển các mô hình điểm về BVMT, ứng phó với BĐKH tại cơ sở. Điển hình như tổ chức các cuộc ra quân BVMT tại khu dân cư phường Hoàng Liệt với tiêu chí: Xanh - Sạch - Đẹp từ nhà ra phố, góp phần nâng cao chất lượng sống người dân. Đặc biệt, tháng 11/2016, chùa Pháp Vân tổ chức Lễ phát động “Chung tay BVMT, ứng phó với BĐKH”, chủ đề “Tử tế với môi trường” thông qua hoạt động vệ sinh môi trường khu vực hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là hoạt động thuộc Chiến dịch Sạch - Xanh thứ 2 trong Kế hoạch chùa Pháp Vân xây dựng mô hình điểm Phật giáo phía Bắc về BVMT và ứng phó với BĐKH. Đồng thời, hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Nhảy! Vì sự tử tế”, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và 500 bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội cùng tham gia dọn vệ sinh, san lấp hàng trăm m3 đất, thu dọn cành cây, rác thải để trồng hoa, cây xanh ven mặt phía Đông hồ Linh Đàm.
Chùa Pháp vân cùng chức sắc, tín đồ các tôn giáo và công an TP. Hà Nội tham dự Tọa đàm Tôn giáo với cuộc sống ăn lành và môi trường tươi đẹp
Trên phương diện góp phần cải thiện môi trường xã hội thông qua các hoạt động mang tính giáo dục nâng cao đạo đức cho cộng đồng: Những năm qua, chùa Pháp Vân luôn nhận thức được rằng, mỗi người dân là một nguồn xả thải, muốn giảm ô nhiễm môi trường phải hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết và hành động vì môi trường. Bởi chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng thì mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Do vậy, hàng tháng, chùa đều tổ chức các khóa tu, mỗi khóa có từ 300 tới hàng nghìn Phật tử, sinh viên các trường đại học tham gia. Thông qua các khóa tu, nhà chùa đã kết hợp lồng ghép tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT nhằm giữ gìn sự cân bằng hệ môi trường sinh thái; Không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi; Không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, thay thế bằng các loại túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày; Không đốt vàng mã tại các nơi thờ tự, gia đình; Nên hoả thiêu khi gia đình có người thân qua đời thay vì cách mai táng truyền thống là địa táng; Hạn chế đi xe máy khi không cần thiết; Không bẻ cành, ngắt hoa, thường xuyên trồng và chăm sóc cây xanh ở nhà cũng như cơ quan…
Ngoài ra, thường kỳ, chùa còn tổ chức “Ngày ăn chay an lạc” và lồng ghép vào các khóa tu với thông điệp “Ăn chay hướng tới thế giới an lạc”. Ăn chay mang ý nghĩ nhân văn, nhân bản, thuận tự nhiên. Mọi người đến với “Ngày ăn chay an lạc” để giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhân rộng những điều có ý nghĩa tốt đẹp trong cuốc sống, góp phần xây dựng một xã hội thuần thiện, đưa con người và thế giới tới hòa bình, hạnh phúc. Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng BVMT trên khắp thế giới cũng đang kêu gọi mọi người hướng đến ăn chay như một biện pháp thiết thực và hữu hiệu để BVMT.
Trên phương diện cứu trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai, những hoạt động thiện nguyện, gây quỹ giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ của chùa đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, tổ chức doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên tích cực tham gia. Điển hình như ủng hộ đồng bào gặp thiên tai tại huyện Hương Kê, Hà Tĩnh; huyện Gio Linh, Quảng Trị; Bản Ta Đo, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An; Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; Huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai… Hỗ trợ xây dựng trường học và trao quà cho học sinh Trường Tiểu học Y Tý số 2 (huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai); Trường Tiểu học và Mầm non (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)... cũng được chùa quan tâm thực hiện.
Nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao cũng như mục tiêu đề ra, chùa Pháp Vân mong muốn tăng cường sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng tổ chức các hoạt động liên quan đến BVMT. Trong thời gian tới, chùa hy vọng sẽ tạo được sự gắn kết giữa các tôn giáo, tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn. Cùng với đó, tập trung duy trì, phát triển nguồn nhân lực thông qua các Ban Điều hành, Tiểu ban, Tổ và Câu lạc bộ hoạt động chuyên trong từng lĩnh vực,với phương châm “Xanh từ tâm đến môi trường xã hội”. Đó cũng chính là thực hành lời Phật dạy và phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hương Lan
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)