28/05/2020
Mới đây, Chương trình Hạnh Phúc Xanh (trực thuộc Quỹ Sống Foundation) đã phối hợp với UBND, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng kêu gọi cộng đồng cùng tham gia Dự án Forest Symphony chung tay trồng rừng trên 50 ha đất bãi bồi tại xã Lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Với mục đích gia tăng diện tích rừng; tạo hành lang chắn sóng để bảo vệ đê, giảm sạt lở; góp phần ngăn chặn xâm nhập mặn và tạo điều kiện phát triển sinh kế dưới tán rừng cho người dân địa phương.
Nước mắt đồng bằng
Gần 6 năm nay, người dân đồng bằng sông Cửu Long mòn mỏi chờ mùa lũ từ thượng nguồn nhưng lũ không về, phù sa cũng không về nữa. Thay vào đó, mực nước biển dâng kèm sóng lớn gây sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trầm trọng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, toàn vùng đồng bằng có đến 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 450 km. Đặc biệt, tình trạng hạn mặn còn khốc liệt hơn cả việc sạt lở. Kênh rạch cạn trơ đáy, đồng ruộng khô cằn, từng can nước ngọt được chắt chiu chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Người dân chỉ biết mong mưa, mong thiên nhiên sẽ thôi đừng khắc nghiệt.
Sự trù phú của miền Tây giờ đây chỉ còn trong câu hát, điệu hò. Sẽ chẳng còn phù sa, nguồn tài nguyên trù phú, chỉ còn hạn - mặn, sạt lở nghiêm trọng kéo dài. Thứ duy nhất còn đeo đẳng người miền Tây là những món nợ ngân hàng ngày một nặng trĩu. Người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng không ngoại lệ, họ đang phải đối mặt với những bất lợi kép từ thiên tai. Sự ảnh hưởng và tàn phá của hạn mặn với việc sản xuất của nông dân Sóc Trăng chưa thể thống kê đầy đủ. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, hạn mặn đã làm hơn 12 nghìnn ha lúa của người dân Sóc Trăng bị ảnh hưởng, trong đó có gần 2.000 ha lúa trổ đòng bị chết vì khô hạn và nước mặn xâm nhập.
Ngoài thiệt hại về lúa do khô hạn, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có bờ biển dài trên 40 km, hàng năm, tuyến đê biển của thị xã luôn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, những con sóng dữ cũng liên tục tàn phá các tuyến đê bao, trước sự gia cố và khắc phục nhỏ bé của sức người, thiên tai đang làm cho cuộc sống của người dân đứng trước muôn vàn khó khăn. Đây cũng là địa bàn xung yếu của tỉnh Sóc Trăng trong công tác phòng chống lụt bão, cần được chú trọng bảo vệ.
Trồng rừng ngập mặn, tạo vành đai xanh phòng hộ ven bờ biển
Rừng ngập mặn có tác dụng giúp bảo vệ bờ biển, phòng chống sạt lở nhờ các hệ thống rễ khổng lồ có hiệu quả trong việc tiêu tán năng lượng sóng và tăng diện tích đất bằng cách bồi đắp các bãi bồi do sông mang vào để bảo vệ các khu vực ven biển khỏi xói mòn, nước dâng do bão (đặc biệt là trong cơn bão). Rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển tốt hơn 5 lần so với các công trình bê tông đê điều. Rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ CO2 cao gấp 3 - 5 lần so với rừng nhiệt đới, tạo đệm sinh thái phòng ngừa xâm nhập mặn, giảm tác động biến đổi khí hậu. 2 - 5 ha rừng ngập mặn có khả năng xử lý nước thải của 1 hecta nuôi trồng thủy sản. Rừng ngập mặn còn cung cấp thức ăn và môi trường sống cho các loài động vật. Hơn 3.000 loài cá được tìm thấy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Từ đó, còn tạo thêm nguồn lợi thuỷ sản và việc làm cho người dân trong khu vực.
Cần lắm sự chung tay của cộng đồng
Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, Chương trình Hạnh Phúc Xanh đã được phép triển khai trồng rừng ngập mặn tại vùng bãi bồi ven biển xã Lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Dự án Forest Symphony - Hợp phần Trồng rừng Ngập mặn sẽ thực hiện trồng 50 ha rừng trong vòng 5 năm tới đây. Năm đầu tiên, Dự án sẽ trồng 30.800 cây mắm trên 7 ha đất bãi bồi. Với mục tiêu này, Dự án Forest Symphony đang cần thêm rất nhiều sự đóng góp và chung tay của cộng đồng. Hạnh Phúc Xanh đang thực hiện chiến dịch gây quỹ kêu gọi cộng đồng cùng tham gia góp cây cho khu rừng ngập mặn dự kiến trồng vào ngày 15/6 sắp tới đây. Không cần đi đâu xa, không cần quá to tát, chỉ với 90.000 đồng chúng ta đóng góp sẽ có thêm một cây mắm được trồng, góp phần tạo nên vành đai xanh bảo vệ đồng bằng thương yêu.
Đức Anh