Banner trang chủ

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông: Phát huy giá trị của di sản địa chất, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái

10/08/2020

    Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học (ĐDSH), cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Mới đây, CVĐC Đắk Nông đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là CVĐC toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

   Năm 2014, sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện và công bố, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng CVĐC Đắk Nông theo mô hình, định hướng phát triển tham gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Dựa trên các cứ liệu khoa học, tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thành lập CVĐC Đắk Nông với diện tích hơn 4.700 km2 (chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh), ranh giới bao gồm 6 huyện, thành phố: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa. Theo đó, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý CVĐC tỉnh Đắk Nông được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông” và “Điều tra khảo sát bổ sung" làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện hồ sơ CVĐC Đắk Nông để đăng ký gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO. Tỉnh Đắk Nông cũng đã cử nhiều đoàn công tác tham dự Hội nghị về mạng lưới CVĐC châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản; Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về CVĐC toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh... với mục đích giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về CVĐC và kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO.

 

Hang động  C7 thuộc CVĐC toàn cầu Đắk Nông

 

    Tháng 7/2018, tỉnh đã mời các chuyên gia thẩm định đánh giá sơ bộ tiềm năng của CVĐC Đắk Nông. Theo đó, các chuyên gia đã xác định CVĐC Đắk Nông có tiềm năng trở thành CVĐC toàn cầu, với chủ đề chính là “Xứ sở của những âm điệu”. Tháng 11/2018, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) và UBND tỉnh Đắk Nông chính thức đệ trình hồ sơ lên UNESCO xin đăng ký gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu. Cùng với việc đệ trình lên UNESCO hồ sơ CVĐC một cách đầy đủ, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch gồm 44 điểm. Tuyến 1: “Trường ca của nước và lửa” bắt đầu từ TP. Gia Nghĩa - Quảng Sơn - Krông Nô gồm 14 điểm du lịch. Tuyến 2: “Bản giao hưởng của sự đổi thay” bắt đầu từ cầu Sêrêpốk của huyện Cư Jút đến TP. Gia Nghĩa gồm 16 điểm du lịch. Tuyến 3: “Âm vang từ Trái đất” bắt đầu từ TP. Gia Nghĩa đi Tà Đùng (Đắk Glong) gồm 14 điểm du lịch.

    Ngoài sự đa dạng về di sản địa chất, địa mạo, CVĐC Đắk Nông còn được biết đến là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, là nơi lưu trữ nhiều giá trị đặc trưng về ĐDSH, có những nét độc đáo về văn hóa, tự nhiên và đặc biệt là dấu tích hoạt động của người tiền sử... Từ lâu, hoạt động du lịch được phát triển tại đây thu hút du khách bởi khung cảnh tự nhiên, hùng vĩ và hoành tráng. Điểm nổi bật nhất trong CVĐC này là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007, hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. Hệ thống này có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật bản đánh giá, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Giá trị lớn nhất của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là có nhiều di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 - 3.000 năm trước Công nguyên).

    Điều làm tăng giá trị cho CVĐC Đắk Nông là nó nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N'drong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn quốc gia (VQG) Tà Đùng, Rừng đặc dụng, cụm thác Đ’ray Sáp,Trinh Nữ, Gia Long và VQG Yok Đôn (Đắk Lắk). Nếu những ngọn núi lửa hùng vĩ và những thác nước tuyệt đẹp, hệ thống hang động núi lửa bazan vô vùng độc đáo, dài nhất khu vực Đông Nam Á làm nên tuyến du lịch hấp dẫn ở CVĐC Đắk Nông thì những giá trị khác cũng khiến cho CVĐC Đắk Nông là địa danh đáng khám phá. Tại đây, du khách có thể có hành trình về nguồn, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc M’nông, Êđê như: Sử thi, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan truyền thống, hoặc mang đến những trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên như hồ Tà Đùng, thác nước granit, điểm gỗ hóa thạch và thưởng thức nhạc cụ truyền thống dân tộc tại nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa, cồng chiêng người Mạ, nhà triển lãm âm thanh...

    Với hơn một nửa diện tích là đá núi lửa basalt, CVĐC Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới cùng hàng chục loài cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao, sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới; với khoáng sản bauxite chiếm tới 62% trữ lượng của Việt Nam và 20% của toàn thế giới. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, VQG Tà Đùng, Rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía Nam của VQG Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) là những nơi lưu giữa các giá trị đặc trưng về ĐDSH của khu vực CVĐC Đắk Nông. Hệ thống động thực vật trong CVĐC phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (voọc đen má trắng, chà vá chân đen, bò sát, chim Hồng Hoàng, gà tiền mặt đỏ); sồi ba cạnh, đỉnh tùng, sao, trắc, giáng hương, căm xe... Đây là tiềm năng lớn để CVĐC phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về ĐDSH, thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

    Với các giá trị tiêu biểu trên, có thể nhận thấy rằng, CVĐC Đắk Nông là tải sản vô vùng quý giá, không chỉ của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và nhân loại. Việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu Đắk Nông là một hướng đi đúng đắn của địa phương để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Điều này không chỉ tạo lợi thế để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và CVĐC toàn cầu Đắk Nông nói riêng ra quốc tế, lưu giữ được những giá trị về địa chất, ĐDSH và nền văn hóa đa dạng của 40 dân tộc trên địa bàn tỉnh, mà còn tạo đòn bẩy lớn cho ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông phát triển.

    Để bảo tồn và phát triển di sản địa chất, trong thời gian tới, cần thực hiện một số công việc như: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành tại địa phương có danh hiệu về tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của CVĐC toàn cầu, đặc biệt là các quy định của UNESCO đối với loại hình danh hiệu di sản này. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, di sản tự nhiên, địa chất, địa mạo, tài nguyên, môi trường sinh thái thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng; đề cao vai trò văn hóa bản địa, có chính sách góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC toàn cầu, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch là đặc thù của địa phương để nâng cao tính cạnh tranh, tạo dấu ấn riêng mang tầm vóc quốc gia; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, từng bước hình thành thương hiệu du lịch CVÐC, gắn với các sản phẩm đặc thù của địa phương.

    Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, xác định thêm các giá trị địa chất mang tầm cỡ quốc tế để bổ sung hồ sơ, phục vụ công tác tái thẩm định CVĐC sau 4 năm được công nhận; xây dựng, phát triển, khai thác tiềm năng của các tuyến du lịch trong vùng CVÐC, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá định kỳ, kiểm tra các điểm di sản, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ các điểm di sản trong vùng CVÐC. Đặc biệt, cần xây dựng một Ban Quản lý CVĐC với bộ máy phù hợp, đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐC toàn cầu.

 

Phạm Duyên Minh

UBND tỉnh Đắk Nông

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

Ý kiến của bạn