11/06/2014
Một số đặc điểm nổi bật của Vườn quốc gia Núi Chúa
Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận thuộc 2 huyện Thuận Bắc và Ninh Hải, được thành lập năm 2003, có tổng diện tích 29.865 ha (trong đó, diện tích rừng là 22.513 ha, diện tích biển là 7.352 ha) với 4 thành phần dân tộc chính sinh sống bao gồm Kinh, Raglay, Chăm và người Hoa.
VQG Núi Chúa nằm sát bờ biển, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài kiểu hệ sinh thái bán khô hạn, VQG Núi Chúa còn có các kiểu hệ sinh thái khác như hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái trảng cỏ… với hệ thực vật và thành phần loài đa dạng. Ở đây có tới 6 kiểu rừng khác nhau, phân bố theo độ cao từ dưới tiếp giáp với bờ biển đến độ cao nhất VQG 1.039 m.
Theo các kết quả nghiên cứu mới nhất, khu hệ thực vật của VQG Núi Chúa đã ghi nhận 1.504 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 5 ngành thực vật khác nhau. Ngành có số loài nhiều nhất là ngành ngọc lan 1.237 loài, chiếm 96,64% tổng số loài ghi nhận được, tiếp đến là ngành dương xỉ với 25 loài, ngành thông với 12 loài, còn lại lần lượt là các ngành thông đất và khuyết lá thông nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới. Ngoài ra, hệ thực vật có tới 340 loài cây cho gỗ, 520 loài thực vật làm thuốc và 127 loài cây làm cảnh hoặc cho bóng mát. Về động vật, theo thống kê có 345 loài động vật có xương sống trên cạn, thuộc 82 họ, 27 bộ, gồm 83 loài thú, 181 loài chim và 81 loài bò sát - lưỡng cư. Trong đó này có 29 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Thế giới, 39 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 28 loài nghiêm cấm hoặc hạn chế khai thác sử dụng theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Hệ động vật bao gồm hai loài đặc hữu Đông Dương là Chà vá chân đen, một trong những loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ đang được bảo tồn và phát triển, gà tiền mặt đỏ, và một loài đặc hữu Việt Nam là ếch cây Trung bộ.
Trong khu hệ động vật Núi Chúa có một số loài quan trọng cần được ưu tiên bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, chà vá chân đen, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng và nhiều loài khác. Đáng chú ý nhất là loài chà vá chân đen bởi ở Núi Chúa, loài này có một trong những quần thể lớn nhất với ước tính vào năm 2009 lên đến 1.000 cá thể.
Không chỉ có rừng, ở đây còn rất giàu có về động vật biển khi sở hữu tới 40 km đường biển bao quan khu vực. Theo TS. Lyon De Vantier, chuyên gia về hải dương học của Ôxtrâylia các vùng rạn san hô thuộc vùng biển huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có khoảng 330 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo thành một vùng rạn nhiều màu sắc phong phú, độc đáo. Riêng vùng rạn san hô Hòn Đỏ thuộc xã Thanh Hải (Ninh Hải) dù chỉ rộng hơn 15 ha đã có 42 giống san hô thuộc 17 họ, tạo thành một môi trường cư trú cho 92 loài thủy sản quý hiếm.
Vùng biển của Núi Chúa còn được biết đến như là một trong vài địa điểm sinh sản của các loài rùa biển quý hiếm ở Việt Nam. Thống kê của Quỹ Bảo tồn Quốc tế (WWF), tại VQG Núi Chúa hiện có 5 trong số 7 loại rùa biển trên thế giới, gồm (rùa xanh, vích, đồi mồi, rùa đầu to, rùa da. Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 9, rùa biển thường về các bãi biển để đẻ trứng. VQG Núi Chúa đang có chương trình thu gom bảo vệ trứng rùa, ấp nhân tạo và sau đó thả về biển. Mỗi năm, vườn đang thả về biển khoảng 1.000 con rùa xanh non.
VQG Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận được xem là nơi duy nhất trên dải đất liền Việt Nam có rùa biển lên đẻ trứng. Tại VQG Núi Chúa hiện có 3 loài là: Đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa.
Trước đây, rùa biển được xem là loại thực phẩm dễ dàng kiếm ra nhất và nhiều nhất cho người dân các thôn giáp với vùng VQG Núi Chúa. Có bãi biển được đặt tên là “Bãi Thịt” vì nơi này là địa điểm rùa biển lên đẻ trứng chính, người dân chỉ cần ra đây là có thể lấy được thịt rùa về dùng. Tình trạng đánh bắt rùa biển khá phổ biến và nghiêm trọng đã làm cho số lượng và số đợt rùa biển lên đẻ trứng suy giảm nghiêm trọng.
VQG Núi Chúa rất phong phú và đa dạng cả về hệ động, thực vật trên cạn và dưới biển
Đứng trước tình trạng nguy cấp cần phải bảo vệ và bảo tồn 3 loại rùa biển tại VQG Núi Chúa, năm 2002, tổ chức WWF đã hỗ trợ cho VQG Núi Chúa bảo tồn rùa biển, góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng trong bảo tồn rùa biển, xây dựng được các đội tình nguyện viên từ cộng đồng dân cư vùng biển. Từ năm 2004 đã chấm dứt gần như hoàn toàn nạn đánh bắt rùa biển của người dân vùng biển VQG Núi Chúa. Hình tượng của một ngư dân chuyên nghiệp trong đánh bắt rùa biển trước đây đã tự nguyện tham gia vào đội tình nguyện viên bảo vệ rùa biển, đó là hình tượng ông “Ba Nuôi”. Đến nay, hình tượng rùa biển tại VQG Núi Chúa là niềm tự hào của người dân vùng biển vì họ biết rằng tại Việt Nam chỉ có duy nhất tại VQG Núi Chúa còn có rùa biển đẻ trứng.
Mô hình làng nghề thủ công mỹ nghệ
Những năm gần đây, VQG Núi Chúa đã có nhiều chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng hiệu quả, trong đó có các chương trình hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm, đặc biệt là cộng đồng người dân tộc Raglay. Dù chỉ đóng góp khoảng 25% trong tổng thu nhập của người dân nhưng các chương trình này đã giúp cho các hộ nghèo thoát cảnh thiếu đói trong những tháng giáp hạt và nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
Trong số đó, đáng chú ý là mô hình làng nghề thủ công mỹ nghệ dành cho đồng bào dân tộc Raglay tại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải. Mô hình này được VQG Núi Chúa xây dựng từ năm 2009 trên cơ sở tiếp nối từ các chương trình hỗ trợ sinh kế của các tổ chức quốc tế cũng như của chính quyền địa phương huyện Ninh Hải những năm trước đó.
Việc triển khai loại hình làng nghề này nhằm tận dụng các loại sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trong rừng như: hạt, hoa quả cây rừng để làm nên các loại sản phẩm mỹ nghệ cung cấp cho thị trường như: vòng đeo tay, đeo cổ, móc khóa, vật trang trí trong nhà…qua đó cũng giải quyết phần lớn công ăn việc làm cho phụ nữ tại thôn, góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng. VQG Núi Chúa đã vận động được nhiều nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm như: tại khu du lịch Vĩnh Hy, Khu du lịch suối Lồ Ồ, Resort Bàu Trúc, Tháp Chàm, Trung tâm môi trường và dịch vụ môi trường VQG Núi Chúa, tại các cuộc hội chợ triễn lảm sản phẩm, đăng tải lên website của Vườn…
Sau hơn 4 năm thực hiện, làng nghề thủ công mỹ nghệ thôn Cầu Gãy đã đi vào hoạt động ổn định, số lượng phụ nữ thôn tham gia vào làng nghề tăng từ 2 tổ lên 4 tổ (mỗi tổ 5 - 6 phụ nữ), sản phẩm của cộng đồng ngày càng được nhiều người biết đến với số lượng đồ mỹ nghệ bán ra hàng tháng ngày càng tăng, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho mỗi thành viên từ 200 - 300.000 đồng/tháng.
Việc thực hiện và triển khai làng nghề thủ công mỹ nghệ cho đồng bào dân tộc Raglay thôn Cầu Gãy đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, được chính quyền và cộng đồng đánh giá cao, sản phẩm được nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết và thu mua. VQG Núi Chúa và chính quyền xã Vĩnh Hải xác định đây là mô hình kinh tế có thể giúp cho bà con người đồng bào dân tộc Raglay tại thôn Cầu Gãy thoát nghèo. VQG Núi Chúa đang cùng chính quyền xã vận động nguồn kinh phí trong nước và quốc tế để nhân rộng mô hình cho các thôn người đồng bào dân tộc Raglay khác trên toàn xã.
Kết luận
VQG Núi Chúa là khu rừng đặc dụng hiếm có với sự phong phú và đa dạng cả về hệ động, thực vật trên cạn và dưới biển. Mặc dù đã có những thành công và kết quả nhất định trong việc bảo tồn và gìn giữ tài sản thiên nhiên quý báu nhưng VQG Núi Chúa vẫn cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng và biển cho cả vùng đệm và vùng lõi.
Việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm sẽ là biện pháp quản lý hữu hiệu trên cơ sở phát huy những kiến thức bản địa, kinh nghiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát triển rừng. Đồng thời, là căn cứ giúp cho việc quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng dành cho bảo tồn và vùng cho phép đầu tư phát triển ở các mức độ cho phép khác nhau.
Trần Văn Tiếp
Vườn quốc gia Núi Chúa
Đặng Thị Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014