19/02/2020
Từ một khu vực nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường, nhóm nghệ sỹ đã biến những thứ bỏ đi trở thành nghệ thuật, lôi kéo người dân khu vực trở thành chủ thể để giữ gìn và bảo quản chung.
Dự án nghệ thuật công cộng phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được lấy cảm hứng từ chính địa thế đặc trưng của khu vực: Một bãi rác tự phát, nằm ngay bên bờ sông Hồng, từng là nơi trú ngụ cho những người nghèo khó... Đồng thời, công trình này nằm trong Dự án cải tạo bức tường hành lang bảo vệ sông Hồng, được các nghệ sĩ triển khai từ đầu tháng 1/2020.
Tác phẩm "Voi" lấy hình ảnh từ văn hóa Việt Nam của nghệ sĩ Goerge Burchett
Dựa theo bức tường cũ dài 500m được dựng từ 20 năm trước với mục đích “chống lấn đất”, các tác phẩm nghệ thuật của Dự án được làm từ chính nguyên vật liệu tái chế và rác thải. Không chỉ có các nghệ sĩ tham gia mà công trình này còn có sự góp sức của người dân, là những người thợ nề, thợ phụ. Từ khi các tác phẩm này xuất hiện, người dân nơi đây đã trân trọng nơi mình sống hơn, cùng tham gia quét dọn, vệ sinh con đường.
Không chỉ mang thông điệp về BVMT, 16 tác phẩm nghệ thuật của 16 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế còn gợi lại ký ức hào hùng về Hà Nội. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế chia sẻ, anh đem đến dự án này bộ tác phẩm mang tên "Bức tường danh vọng" được lấy cảm hứng từ những song xưa phố cũ của Hà Nội. Các họa tiết của những cánh cổng, ban công đặc trưng của Hà Nội đã được đưa vào tác phẩm để kể về lịch sử của một thành phố mang trong mình biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Đó là một thành phố đáng sống và tự hào.
Là 1 trong 2 nghệ sĩ nước ngoài góp mặt trong dự án, họa sĩ người Australia, Goerge Burchett đã mang đến một tác phẩm có tạo hình ngộ nghĩnh thu hút trẻ em. Đó là tác phẩm "Voi" và "Sống xanh". Anh đã sử dụng hình ảnh con voi trong lịch sử văn hoá Việt Nam, con voi của bà Trưng, bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, con voi cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên.
Những người thực hiện Dự án hy vọng, cùng với quy hoạch của thành phố, bãi rác Phúc Tân sẽ trở thành một điểm đến của Thủ đô, nơi du khách có thể cùng ngồi uống trà, ngắm cầu Long Biên, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật và nhờ đó, người dân địa phương sẽ có thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ.
An Vi