09/07/2014
Nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Phú Thọ vẫn có thói quen sử dụng bếp kiềng truyền thống có hiệu suất thu nhiệt thấp, tốn củi, tốn nhiều thời gian đun nấu, gây nhiều khói bụi, ảnh hưởng môi trường sống.
Trước thực trạng trên, ông Lê Hồng ở khu 11, thị trấn Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đã tìm tòi, nghiên cứu loại bếp TK90 tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường thay thế bếp kiềng truyền thống.
Ông Hồng cho biết bếp được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết nhiệt của động cơ đốt trong, kết cấu gọn, độ bền cao; sử dụng được tất cả các loại chất đốt có nguồn gốc thực vật, phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây khô, bào gỗ, mùn cưa, trấu, củi. Hiệu quả sử dụng cao, cùng lúc có thể đun được từ 2-3 thiết bị; hiệu suất nhiệt có ích từ 34-36% (bếp kiềng truyền thống chỉ đạt từ 11 - 13%).
Bếp được thiết kế phù hợp với tất cả các gia đình vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc (bếp đun hộ gia đình, bếp phục vụ chăn nuôi, bếp tập thể, cơ quan, trường học, nhà hàng).
Bếp TK90 có nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng có tác dụng lớn trong việc tiết kiệm chất đốt, đồng thời giảm tối đa lượng khí thải độc hại, khói, bụi ra môi trường; tiết kiệm từ 50 - 70% chất đốt so với bếp thường.
"Mỗi chiếc bếp có giá thành từ 150.000 - 250.000 đồng, có độ bền 3 - 5 năm. Với giá thành hợp lý như vậy, mỗi gia đình đều có thể mua một chiếc bếp phục vụ sinh hoạt," ông Hồng cho biết.
Đặc điểm nổi bật nhất của phương pháp sản xuất bếp TK90 là thân thiện với môi trường vì không qua nung. Sản phẩm bền chắc do có sự liên kết giữa phụ gia và đất sét trong quá trình sử dụng tiếp tục được sành hóa.
Một trong những cấu tạo quan trọng nhất của bếp TK90 chính là buồng đốt. Buồng đốt được chế tạo bằng vật liệu chịu nhiệt có cấu tạo đặc biệt; trên đó có gia công cửa tiếp nhiên liệu và cửa tận dụng nhiệt. Phần bao quanh buồng đốt được xây bằng gạch, ximăng, cát tạo ra một số bộ phận như cửa gió, buồng cháy phụ, buồng chứa tro, giá đỡ củi, máng tận dụng nhiệt, ống khói.
Sản phẩm bếp TK90 đã đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 1990, giải nhì Cuộc thi "Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường năm 2006," Bằng độc quyền giải pháp hữu ích do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trao tặng và là sản phẩm điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2010.
Ông Lê Hồng cho biết từ trước đến nay, cơ sở sản xuất bếp TK90 của gia đình ông đều làm thủ công nên quy mô sản xuất nhỏ. Trong thời gian tới, gia đình chủ động phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ thực hiện một dự án khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, phát triển bếp đun cải tiến TK90 nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân vùng trung du, miền núi nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Gia đình ông cũng đang đầu tư mở rộng xưởng sản xuất và tuyển thêm một số lao động tại địa phương.
Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình ông tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo Monre