04/05/2015
Khu bảo tồn biển (KBTB) đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) được thành lập năm 2009, có tổng diện tích 4.532 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha; phân khu phát triển 2.376 ha. Với vai trò, vị trí quan trong chiến lược phát triển kinh tế biển, KBTB Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng biển ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô phong phú và nhiều loài động thực vật quý hiếm. Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế biển đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn lợi biển quá mức đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và suy giảm nhiều loài sinh cảnh biển, gây tác động đến nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân.
Những giá trị đa dạng sinh học biển
Theo báo cáo của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, hiện đã thống kê được 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm động vật phù du trong vùng biển đảo. Tổng trữ lượng nguồn hải sản vùng biển đảo Cồn Cỏ ước tính đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Rùa biển, tôm hùm bông, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cá chim trắng, cá hải quỳ, cá bướm, cá mao tiên, cua biển, mực, trai tai tượng, trai ngọc nữ, bào ngư, ốc đụn, ốc gai, ốc vú nàng, hải sâm, sao biển, cầu gai… Đặc biệt, có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước hiện được đưa vào danh sách động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang trên bờ tuyệt chủng. Đảo Cồn Cỏ cũng nổi tiếng về loại cây phong ba, cây bàng vuông và một số loài thực vật đặc hữu khác…
Cần ngăn chặn những hình thức khai thác hai sản gây ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái biển
Bên cạnh đó, rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá tốt về độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn. Do dựa trên nền đáy là đá bazan nên rạn san hô nơi đây phát triển vững chắc và rất cứng. Theo thống kê khảo sát, hiện san hô có tới 113 loài, 42 giống, 15 họ, trong đó, có có nhiều loài san hô quý, hiếm như san hô đen, san hô đỏ, san hô sừng, san hô cành, san hô tấm… Riêng loài san hô đỏ ở Cồn Cỏ là loài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. San hô đỏ cũng là loài gắn liền với những truyền thuyết nổi tiếng ở Cồn Cỏ, trở thành “báu vật” linh thiêng, cũng là sản vật quý hiếm để du khách lặn biển chiêm ngưỡng.Rạn san hô có tầm quan trọng đối với nguồn tài nguyên thủy sản, cũng như ảnh hưởng đến mức độ đa dạng sinh học của KBTB. Vì vậy, việc bảo vệ các rạn san hô có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững.Hiện nay, do khai thác thủy sản quá mức, cộng với ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng xấu đến rạn san hô. Tình trạng mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa tàu, thuyền và các công trình hạ tầng hay việc xả rác thải bữa bãi cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến các vùng rạn san hô.
Các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên KBTB, trong thời gian qua, UBDN tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban quản lý KBTB thực hiện giải pháp bảo vệ tài nguyên biển như:Tiến hành lắp đặt hệ thống phao đánh dấu phân vùng, bảo vệ các rạn san hô; Phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Đồn Biên phòng trên đảo tổ chức tuần tra, giám sát bảo vệ hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đánh bắt thủy sản; Thành lập nhóm tình nguyện viên là những người dân sống trên đảo vừa làm công tác tuyên truyền, vừa tham gia tuần tra, giám sát và phát hiện kịp thời những hành vi gây tác động xấu đến biển đảo Cồn Cỏ; Ngăn chặn những hình thức sản xuất, khai thác gây ảnh hưởng đến tính bền vững và toàn vẹn của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học KBTB.
Đồng thời, tổ chức hoạt động điều tra, nghiên cứu, giám sát đánh giá các hệ sinh thái, tài nguyên biển; Triển khai các đề tài khoa học thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển;Thiết lập chương trình quan trắc tài nguyên và môi trường, định kỳ giám sát rạn san hô và các loài rong biển để theo dõi các biến động hàng năm; Xúc tiến xây dựng Trung tâm cứu hộ rùa biển tại KBTB….
Kết hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái phối hợp với các điểm du lịch trong tỉnh. Vận động người dân áp dụng các mô hình sinh kế thân thiện với môi trường như: Mô hình dán nhãn sinh thái cua đá, nói không với túi ni lông, phân loại rác tại nguồn, lưu trú nhà dân…
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong công tác BVMT, bảo tồn và phát triển tài nguyên biển; Tổ chức các lớp tập huấn, in ấn phẩm, áp phích, tờ rơi và phát động các phong trào làm sạch bờ biển, cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học biển; Lồng ghép vào chương trình giáo dục về hành vi và cách ứng xử đúng đối với môi trường và hệ sinh thái biển.
Chú trọng công tác ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó cần lập kế hoạch và triển khai các chương trình ứng phó với BĐKH, đưa ra các dự báo ảnh hưởng của tác động BĐKH đến đa dạng sinh học biển đảo Cồn Cỏ.
Cao Văn Khiên
Ban quản lý Dự án Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015