17/02/2020
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” đã huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT. Đến nay, sau 1 năm triển khai thực hiện, phong trào đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội.
Một số kết quả nổi bật của phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Trong năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào Ngày Chủ nhật xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội với nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng như: Xây dựng 1.346 cụm pano, áp phích, 786.000 tờ infographic tuyên truyền trực quan; lập 52 chuyên trang, chuyên mục, gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện phong trào để tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình; thiết kế 250.000 logo, in ấn các ấn phẩm, tờ rơi... Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có các hình thức tuyên truyền thông qua các hội thi, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tổ chức đạp xe hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh... Kết quả đạt được là toàn tỉnh đã tổ chức hơn 297 buổi hội nghị, 136 hội thi, 241 lớp tập huấn về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông sử dụng một lần... Nét nổi bật của phong trào là UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và nhân dân trong và ngoài tỉnh về phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Qua đó, tạo sức lan tỏa, làm chuyển biến nhận thức và hành động của nhân dân, cộng đồng.
Để việc tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua hệ thống phản ánh hiện trường của các tầng lớp nhân dân gửi đến cơ quan liên quan về các vấn đề tồn tại, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã được đưa vào hoạt động. Trung tâm đã tiếp nhận 1.048 phản ánh hiện trường trên lĩnh vực quảng cáo, rao vặt, tín dụng đen và vệ sinh môi trường, trong đó đã xử lý là 1.019 phản ánh, đang xử lý 29 phản ánh với tổng số tiền xử phạt thu được là 110.850.000 đồng. Qua đó, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo các lĩnh vực đã được phân công.
Sau 1 năm triển khai, nhìn chung phong trào đã được các sở, ban, ngành đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp, các huyện, thị xã và TP. Huế tích cực chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện. Hàng tuần, khối cơ quan hành chính nhà nước, các trường học tổ chức huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các em học sinh, sinh viên tổ chức trồng cây xanh, xây dựng các bồn hoa, vườn hoa. Khối lực lượng vũ trang ra quân làm vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị, doanh trại; duy trì việc đảm nhận vệ sinh hai bên bờ sông Hương và trên sông Hương theo sự phân công. Khối huyện, thị xã và TP. Huế ra quân xử lý các điểm đen về ô nhiễm môi trường, dọn dẹp vệ sinh môi trường, vớt bèo khơi thông dòng chảy, diệt cây mai dương, phát quang bụi rậm, làm sạch biển... Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 50/50 đợt ra quân, 11.102 đợt của (152/152) xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân với sự tham gia của hơn 612.406 lượt người tham gia, qua đó đã tiến hành thu gom và xử lý hàng nghìn tấn rác thải các loại; bóc tách hàng trăm nghìn điểm quảng cáo, rao vặt không đúng quy định; tổ chức trồng và chăm sóc hàng trăm nghìn cây xanh tại các điểm công cộng; nhiều đường hoa, bồn hoa đẹp; công viên xanh, cơ quan, trường học, bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp - Sáng được hình thành... tạo thêm cảnh quan môi trường từ thành thị đến nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp.
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã được các cấp, các ngành và đoàn thể xã hội tích cực hưởng ứng
Đồng thời, công tác phân loại rác tại nguồn được các cơ quan, đơn vị, trường học và địa phương tích cực triển khai thực hiện. Nhiều địa phương, đơn vị đã phân loại rác hữu cơ và vô cơ; vận động nhân dân phân loại rác thải tại nhà, không vứt rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn, quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó có nhiều cách làm sáng tạo trong việc xây dựng các thùng rác tại cơ quan, đơn vị, trường học như: Mô hình “Thùng rác thân thiện”, câu lạc bộ phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình, mô hình biến rác thành tiền...
Phát huy, lan tỏa mạnh mẽ phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Qua 1 năm triển khai, phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực hưởng ứng. Các đợt ra quân được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, đó là công tác thông tin, tuyên truyền tuy được đẩy mạnh trên các mặt, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ. Công tác phân loại rác tại nguồn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi người dân chưa có thói quen phân loại, nhận diện các loại rác thải, chất thải. Tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Công tác xử lý, thu gom rác thải tại một số nơi vẫn còn tồn đọng và chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, các dụng cụ chuyên dụng để xử lý, thu gom tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với thực tế hiện nay.
Để phong trào "Ngày chủ nhật xanh" tiếp tục được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ, qua đó tạo không khí mới cho giai đoạn phát triển, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục chỉ đạo và duy trì đều đặn việc thực hiện phong trào vào sáng chủ nhật hàng tuần; tăng cường công tác vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện Chương trình “60 phút Sạch nhà - Đẹp ngõ”, lấy đội hình ra quân thường xuyên làm nòng cốt trong việc thúc đẩy, khơi dậy và vận động toàn dân tham gia hưởng ứng.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt thông tin, hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của phong trào nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc hưởng ứng phong trào, sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các phong trào như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần” bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng nhằm đưa phong trào ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, lực lượng vũ trang gương mẫu đi đầu trong việc nói không với túi ni lông sử dụng một lần, bình đựng nước bằng nhựa; khuyến khích, vận động các siêu thị, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại... ký cam kết sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Tăng cường công tác xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô thị, thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thi thông minh. Phát huy khai thác tối đa mạng lưới “Ngày Chủ nhật xanh” trên Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh để kịp thời phản ánh, chấn chỉnh các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, tái chế túi ni lông và các cơ sở sản xuất túi giấy, hoặc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
Phát triển và triển khai sử dụng mô hình 3R; phong trào sáng kiến vật liệu thay thế vật liệu nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt hàng ngày; tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại các trường học.
Phát động tổ chức các cuộc thi, hội thi về tuyên truyền thực hiện Ngày Chủ Nhật xanh, qua đó nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh về công tác BVMT.
Nguyên Hằng