10/10/2019
Được thành lập tại New York, Mỹ từ năm 1895, tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) có nhiệm vụ bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới thông qua nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục và khơi dậy giá trị của thiên nhiên đối với con người. Trong thời gian qua, WCS đã có những đóng góp tích cực, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Hương - Quản lý Dự án của WCS tại Việt Nam.
Bà Trần Thị Thanh Hương - Quản lý Dự án WC
Xin bà giới thiệu đôi nét về WCS và những mục tiêu mà WCS hướng tới?
Bà Trần Thị Thanh Hương: Hiện WCS có văn phòng đại diện tại gần 60 nước trên thế giới và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006. Mục tiêu chính của WCS tại Việt Nam là phối hợp với các đối tác Chính phủ, tổ chức xã hội, cơ quan quốc tế, truyền thông và cộng đồng nhằm tăng cường thực hiện cam kết và hợp tác liên ngành, liên quốc gia giữa các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý trong đấu tranh chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Một trong những ưu tiên hàng đầu của WCS tại Việt Nam là hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ, truy tố và xét xử thành công tội phạm liên quan đến ĐVHD.
Bà có thể chia sẻ những hoạt động mà WCS đã triển khai trong công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm liên quan đến bảo tồn ĐVHD?
Bà Trần Thị Thanh Hương: Theo kinh nghiệm WCS, để đấu tranh phòng chống các vi phạm liên quan đến các quy định về bảo vệ ĐVHD, rất cần sự hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, cộng đồng địa phương để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tăng cường hiệu quả thực thi luật trong thực tế. Chương trình WCS tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc rà soát, góp ý sửa đổi hơn 10 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau liên quan đến vấn đề này. Qua đó, hệ thống pháp luật về quản lý và bảo vệ ĐVHD đã được hoàn thiện với sự ra đời của Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng điều 234 và 244 của Bộ luật Hình sự; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 35/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
WCS tại Việt Nam hợp tác với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Cục Kiểm lâm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ thông tin, tập huấn nâng cao năng lực, thu thập thông tin vi phạm cho các cơ quan trong nước và đối tác ở một số quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Inđônêxia (châu Á) và Mozambique, Nam Phi, Kenya, Tanzania (châu Phi). Chỉ tính trong giai đoạn 2010 - 2019 đã có 32 chương trình tập huấn và đào tạo tại chỗ, với sự tham gia của gần 1.837 lượt học viên.
Bên cạnh đó, các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan Chính phủ cũng được WCS hỗ trợ đẩy mạnh, bao gồm tổ chức các chuyến thăm và làm việc, kí kết biên bản thỏa thuận hợp tác. Điển hình là ngày 3/12/2018, dưới sự hỗ trợ của WCS, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Mozambique giữa Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp, các vấn đề Hiến pháp và Tôn giáo Mozambique đã chính thức được kí kết tại thành phố Maputo, Mozambique, góp phần tăng cường hợp tác song phương về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm buôn bán ĐVHD giữa hai nước.
Từ năm 2010, WCS tại Việt Nam và một số quốc gia khác đã bắt tay vào nỗ lực tìm kiếm và phát hiện vi rút có nguy cơ dẫn đến các đại dịch, đặc biệt là những vi rút có thể lây truyền giữa động vật và con người. Dự án sức khỏe ĐVHD của WCS đã thực hiện hoạt động tại 5 tỉnh/thành phố, bao gồm: Hà Nội, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bắc Giang và Quảng Ninh. Trong giai đoạn từ năm 2014-2019, tổng cộng có 15.767 mẫu từ 4.712 cá thể đã được thu thập. Gần 35.000 xét nghiệm đã được thực hiện để chẩn đoán vi rút thuộc các họ vi rút được biết là có khả năng gây bệnh nghiêm trọng ở người và động vật. Nghiên cứu định lượng và định tính thông qua 40 bài phỏng vấn sâu và 4 cuộc thảo luận nhóm đã được tiến hành để tìm ra các nguy cơ làm lây lan vi rút và hiểu rõ về hành vi, nhận thức của con người để hỗ trợ xây dựng các can thiệp hiệu quả trong cộng đồng sau này.
Năm 2015, WCS Việt Nam bắt đầu tham gia vào hoạt động bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) đặc biệt nguy cấp. Đây là loài gắn liền với truyền thuyết lâu đời về hồ Hoàn Kiếm, và đến nay chỉ có 3 cá thể được biết còn tồn tại trên toàn thế giới. Trong nỗ lực tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm, WCS đã và đang tiến hành thăm dò tại nhiều hồ tự nhiên của Việt Nam và gần đây đã xây dựng thiết bị chẩn đoán gen của Rafetus swinhoei trong môi trường (phương pháp eDNA), mang lại hy vọng mới cho việc tìm kiếm cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên. WCS hiện đang phối hợp với Chi cục thủy sản Hà Nội và Chương trình bảo tồn rùa Châu Á triển khai kế hoạch bảo tồn rùa Hoàn Kiếm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND TP Hà Nội.
Hổ, voi châu Á, rùa nước ngọt và gỗ trắc là 4 loài mục tiêu mà Dự án hướng đến bảo tồn
Được biết, WCS đã chính thức khởi động Dự án Hợp tác phòng chống tội phạm liên quan đến ĐVHD do Liên minh châu Âu tài trợ, vậy mục tiêu và những nội dung được triển khai trong Dự án là gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Thanh Hương: Dự án Hợp tác phòng chống tội phạm liên quan đến ĐVHD được thực hiện tại 7 nước (Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Malaixia) với sự tài trợ của Liên minh châu Âu trong 4 năm (2019 - 2022). Dự án hướng tới mục tiêu tăng cường công tác bảo tồn tại vùng sinh sống của hổ, voi châu Á, rùa nước ngọt và gỗ trắc tại Malaixia, Myanmar, Thái Lan, Campuchia; Tăng cường hiệu quả công tác bắt giữ, truy tố và xét xử tội phạm về ĐVHD; Đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới nhằm ngăn chặn buôn bán trái pháp luật ĐVHD; Nâng cao năng lực áp dụng khoa học hành vi trong các hoạt động giảm cầu của Chính phủ và các tổ chức xã hội.
Tại Việt Nam, WCS đã và đang phối hợp với Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) triển khai một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, cũng như số lượng thông tin về hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Trong đó có việc xây dựng năng lực cho đội ngũ nhà báo, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam về việc thu thập và cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn bán các loài mục tiêu của Dự án, thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, phát triển mạng lưới báo chí vì môi trường và thiết lập mạng lưới nhà báo xuyên biên giới. Bên cạnh đó, WCS cũng thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan Chính phủ nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật chiến lược trong hoạt động thực thi pháp luật và tư pháp một cách kịp thời. Ngoài ra, WCS tổ chức các chương trình đối thoại cấp cao giữa Việt Nam và Lào để thảo luận về việc hợp tác, điều phối trong xây dựng, thực hiện chính sách, các hiệp định/biên bản ghi nhớ song phương nhằm thể hiện các cam kết cấp nhà nước, đồng thời là kim chỉ nam cho việc triển khai các hoạt động hợp tác ở cấp địa phương.
Xin bà cho biết những kết quả mong đợi từ Dự án và một số giải pháp mà Dự án sẽ thực hiện trong thời gian tới?
Bà Trần Thị Thanh Hương: Thông qua Dự án, WCS mong đợi sẽ thu thập được nhiều thông tin hữu ích, chia sẻ kịp thời cho cơ quan chức năng Việt Nam và các nước liên quan để xác minh, xử lý vụ việc kịp thời; triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và Lào. WCS và PanNature sẽ cộng tác chặt chẽ với mạng lưới nhà báo môi trường ở Việt Nam, cũng như khu vực nhằm thu thập, truyền tải chân thực đến đúng đối tượng cần quan tâm. Ở 6 quốc gia còn lại, WCS sẽ triển khai đồng thời nhiều hoạt động bảo tồn loài (hổ, voi châu Á, rùa nước ngọt và gỗ trắc) trong vùng sinh cảnh, hỗ trợ cơ quan Chính phủ trong hợp tác quốc tế, công tác bắt giữ, truy tố, xét xử tội phạm về ĐVHD và đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD.
Nguyên Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)