Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Nỗi ám ảnh của “đảo tôm hùm”

15/09/2015

     Nghề nuôi tôm phát triển, mật độ dân số tăng cao, khách du lịch tăng đột biến nhưng rác thải không được xử lý đúng quy trình đã gây áp lực lên dân và nghề nuôi tôm hùm ở xã đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP.Cam Ranh, Nha Trang)…      Du lịch chịu nhiều áp lực      Nằm ở phía Nam vịnh Cam Ranh và cách biệt với đất liền, những năm gần đây, việc phát triển ngành du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đã mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho xã đảo Cam Bình. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Cam Bình là niềm mơ ước của nhiều địa phương.      Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn vì tình trạng xả rác thải vô tội vạ. Theo UBND xã Cam Bình, Bình Ba hiện có 700 hộ dân sinh sống trên diện tích 300ha, trong đó hầu như toàn bộ số hộ có tham gia nuôi hơn 4.000 lồng tôm hùm. Chỉ riêng rác thải của nghề nuôi tôm hùm hàng ngày đã thải hơn 1 tấn rác thải từ vỏ sò, ốc, xác thải thức ăn nuôi tôm hùm.   Ô nhiễm môi trường đang gây bệnh trên tôm hùm nuôi ở Bình Ba        Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa, mỗi tháng hòn đảo Bình Ba thu hút khoảng 1.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, dân số của xã đảo này ngày một tăng đã gây áp lực rất lớn về môi trường. Lượng rác từ sinh hoạt của hàng ngàn dân, từ nghề nuôi tôm, từ du khách để lại lên đến hàng tấn mỗi ngày. Lượng rác lớn này khiến bãi chôn lấp, xử lý của xã Cam Bình luôn quá tải.      Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch xã Cam Bình cho biết: “Theo phản ảnh của người dân, rác được đốt, chôn lấp rất thủ công mà không được xử lý hóa chất đúng quy trình xử lý rác thải nên bốc mùi khó chịu. Toàn bộ dân xã đảo lại chỉ sử dụng nước giếng nên rất lo ngại nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe người dân. Nếu không có phương án BVMT, trong tương lai không xa, đảo du lịch này sẽ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng”.      Thủy sản lao đao      Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Bình Ba bắt đầu từ những năm 80 sau khi nguồn tôm thiên nhiên ở đây cạn kiệt. Nguồn nước sạch lại trù phú của vùng vịnh Cam Ranh đã mang đến thắng lợi cho nghề nuôi tôm hùm, tạo nên một xã đảo giàu đẹp nhất trong tất cả các đảo có dân sống ở vịnh Cam Ranh.      Ông Trần Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, 50% dân Bình Ba có thu nhập 200 - 300 trăm triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu cả tỷ đồng nhờ vào nghề nuôi tôm hùm. “Thu nhập bình quân ở Bình Ba khoảng 30 triệu đồng/người/năm dẫn đầu toàn tỉnh Khánh Hòa về thu nhập trung bình ở nông thôn” - ông Hóa nói.      Vậy nhưng, mấy năm gần đây, nghề nuôi tôm đang lao đao bởi dịch bệnh. Tôm chết nhiều bởi nhiều loại bệnh tai ác như bệnh sữa, nhiễm vi khuẩn và bệnh “lạ”. Vụ nuôi năm 2012 - 2013, bệnh lạ đã xuất hiện gây chết tôm hàng loạt với số lồng nuôi có hiện tượng tôm bị bệnh chiếm gần 90%, xảy ra ở giai đoạn tôm có kích cỡ 200 - 300 gram/con, mật độ nuôi 100 con/lồng.      Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, từ năm 2012, xã đã lập ra 16 đội tự quản nuôi tôm, thu gom rác thải từ các lồng bè trên biển đưa vào đảo để xử lý. Xã cũng đã xây dựng hầm rút để xử lý nước thải từ việc chế biến, phân loại thức ăn là mồi cho nghề nuôi tôm cá.      Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân khi thủy triều lên, nước từ những hầm rút này lại tràn ra biển. Ngoài ra, lượng nước thải sinh hoạt, chất thải từ các hàng quán phục vụ du khách trên đảo, nước thải của hàng trăm hộ dân sống tập trung ở mặt trước cầu cảng cũng chảy ra vùng nước nuôi tôm tập trung ở ngay mặt trước đảo Bình Ba làm ô nhiễm, gây bệnh cho tôm nuôi.   “Rác thải tăng đột biến từ việc du khách nấu nướng, ăn nhậu, tiểu tiện, xả thải thẳng xuống biển từ những lồng bè kết hợp làm nhà hàng nổi góp phần không nhỏ đến ô nhiễm vùng nuôi tôm.” - Ông Nguyễn Văn Luân - người nuôi tôm ở Bình Ba.     Theo danviet.vn
Ý kiến của bạn