Cần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao về tái chế và quản lý tái chế chất thải
15/09/2015
Ngày 17/6/2014, tại Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tổ chức Hội thảo khởi động “Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam”. Để hiểu rõ hơn về Dự án này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với PSG.TS. Huỳnh Trung Hải - Viện trưởng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) về mục tiêu của Dự án nhằm góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam.
PSG.TS. Huỳnh Trung Hải - Viện trưởng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường
(Đại học Bách Khoa Hà Nội)
PV: Xin ông cho biết đôi nét về “Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam”?
PSG.TS. Huỳnh Trung Hải: Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam đã được Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường chuẩn bị từ năm 2009. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và các nguyên nhân khác nên đến năm 2013, Dự án mới được chấp nhận. Ý tưởng của Dự án ra đời trong hoàn cảnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 mới được ban hành, và Quyết định số 50/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ còn đang trong quá trình soạn thảo.
Mục tiêu của Dự án góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường phục vụ cho phát triển bền vững ở Việt Nam, thông qua việc tái chế chất thải cũng như giảm thiểu và ngăn ngừa phát sinh ô nhiễm trong các quá trình tái chế chất thải, đồng thời tăng cường năng lực nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường trong lĩnh vực phát triển công nghệ tái chế chất thải và đánh giá chính sách. Dự án có 3 nội dung chính: Nghiên cứu xu thế toàn cầu trong quản lý và tái chế chất thải điện tử; Phát triển công nghệ tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam; Các nghiên cứu sâu về thu hồi kim loại từ bảng mạch điện tử thải. Ngoài ra, Dự án còn cung cấp các khóa học ngắn hạn (10 ngày) và trung hạn (6 tháng) nhằm nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ tham gia nghiên cứu, cũng như cho một số cán bộ từ các Bộ/ngành có liên quan. Bên cạnh đó, một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh tập trung nghiên cứu về các công nghệ tái chế cũng được đầu tư không hoàn lại cho Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, sẽ là một cơ sở rất hữu ích cho việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tái chế ở Việt Nam bởi chính những nhà khoa học Việt Nam.
Việt Nam cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ tái chế đạt chuẩn để đảm bảo chất lượng môi trường
PV: Thưa ông, hiện nay việc thu hồi chất thải điện tử được tiến hành như thế nào? Những khó khăn, thách thức khi triển khai hoạt động này tại Việt Nam?
PSG.TS. Huỳnh Trung Hải: Ở Việt Nam hiện nay, việc thu hồi chất thải điện tử chủ yếu được thực hiện bởi hệ thống tư nhân, bao gồm những người thu gom cá nhân, các cửa hàng, trung tâm tháo dỡ chất thải điện tử, một số cơ sở tái chế kim loại và cá nhân xuất khẩu. Tại Quyết định số 50/QĐ-TTg, Chính phủ đã cố gắng kiểm soát vấn đề thu hồi chất thải điện tử thông qua hệ thống thu hồi của các nhà sản xuất và hệ thống thu gom công ích. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần phải khắc phục các khó khăn, vướng mắc hiện nay, đó là coi chất thải điện tử là một nguồn lợi kinh tế nên có sự cạnh tranh của hệ thống thu gom tư nhân do các lợi ích đem lại mà không phải đóng thuế, chi phí môi trường... Đặc biệt, Việt Nam cũng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc hỗ trợ các hoạt động thu gom và tái chế một cách bài bản.
PV: Việc khởi động Dự án hôm nay có ý nghĩa như thế nào đối với quản lý chất thải tại Việt Nam nói chung và rác thải điện tử nói riêng, thưa ông?
PSG.TS. Huỳnh Trung Hải: Chúng tôi kỳ vọng Dự án này khi đưa vào triển khai sẽ nâng cao nhận thức và kiến thức chuyên môn trong xây dựng, đánh giá chính sách có liên quan đến chất thải điện tử nói riêng và chất thải nói chung, cũng như trong nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ tái chế chất thải. Từ đó, sẽ góp phần vào quá trình khuyến nghị xây dựng các văn bản luật và hướng dẫn kỹ thuật nhằm quản lý hiệu quả công tác thu gom và tái chế chất thải điện tử trong thời gian tới.
PV: Ông cho biết khả năng nhân rộng của Dự án sau khi được triển khai tại Việt Nam?
PSG.TS. Huỳnh Trung Hải: Chúng tôi tin tưởng rằng, Dự án sẽ đạt được các mục tiêu đề ra cả về nâng cao năng lực, khuyến nghị xây dựng chính sách về nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ có liên quan không chỉ cho Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường mà còn cho các đơn vị khác. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ chuyển giao được ít nhất một công nghệ tái chế phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Ngoài ra, trên cơ sở phòng thí nghiệm được đầu tư, sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu tái chế chất thải đầu tiên ở Việt Nam vào cuối giai đoạn thực hiện Dự án. Trung tâm này cũng được kỳ vọng sẽ là đầu mối tại khu vực Đông Nam Á nhằm kết nối một mạng lưới nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải điện tử ở khu vực và toàn bộ vùng Đông Bắc Á.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phạm Đình (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014