Căng mình sống chung với thuốc độc
15/09/2015
Ô nhiễm từ những kho thuốc bảo vệ thực vật cũ trong các khu dân cư, trường học đang đe dọa sức khỏe của nhiều người dân và học sinh.
Sở TN&MT tỉnh Phú Yên vừa tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước quanh các kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũ bỏ hoang để kiểm nghiệm nhằm xác định mức độ ô nhiễm, sau đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra biện pháp xử lý. Hiện tỉnh Phú Yên còn 3 kho thuốc BVTV cũ đang gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.
Hít thuốc độc mỗi ngày
Kho thuốc BVTV của Hợp tác xã 3, thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có từ 30 năm trước và đã bị bỏ hoang 20 năm nay. Theo ông Nguyễn Kim Dung (ngụ thôn Ngọc Phong, trước đây chuyên phun thuốc trừ sâu bệnh cho Hợp tác xã 3), khi còn hoạt động, kho thuốc này thường nhập về các loại độc hại như Wofatox, Bassa, Phalizan, DDT…
Vào thời điểm đó, các loại thuốc này được đựng trong những phuy lớn khi nhập về. “Mỗi khi chiết từ phuy qua các can nhựa để phát về các đội sản xuất, thuốc đều bị đổ ra ngoài. Các phuy, can nhựa để lâu cũng bị gỉ sét, hư hại khiến thuốc rò rỉ, thấm xuống đất gây ô nhiễm” - ông Dũng lo ngại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong bán kính 200 m tính từ kho thuốc cũ, có gần 50 hộ dân với trên 200 người hằng ngày phải sống chung với mùi hôi nồng nặc của thuốc độc.
Kho thuốc độc bỏ hoang đang gây ô nhiễm nặng ở thôn Ngọc Phong
Do bị bỏ hoang hơn 20 năm nên phần mái kho thuốc đã bị đổ. Mỗi khi trời mưa, nước thấm vào kho thuốc tràn ra ngoài nên chẳng ai dám qua lại. “Trời đang nắng mà đổ mưa thì cả xóm phải tìm chỗ trốn bởi mùi thuốc bốc lên rất khó chịu, gây đau đầu kinh khủng” - bà Đỗ Thị Hương, một người dân sống gần đó, cho hay.
Trong đợt lấy mẫu đất, mẫu nước mới đây của Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, ông Huỳnh Gai được thuê để đào hố. “Họ trả công mỗi hố đến 400.000 đồng. Khi đào xuống, tôi phải ói vì mùi thuốc trong đất bốc lên. Thấy vậy, họ cho thêm 200.000 đồng nữa nên tôi mới gắng đào cho xong” - ông Gai cho biết.
Nguy hiểm hơn, cách kho thuốc chưa đến 15 m, có 3 giếng nước mà người dân đang sử dụng. Trong đó, giếng nước nhà ông Gai chỉ cách kho thuốc chưa đến 10 m. “Không biết tìm nước ở đâu nữa nên chúng tôi mới uống nước giếng này, vừa xài vừa lo vì không biết sẽ phát bệnh lúc nào” - ông lo lắng.
Theo ông Huỳnh Công Sanh, Trưởng thôn Ngọc Phong, không chỉ gây tác hại đến sức khoẻ của người lớn, kho thuốc độc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100 học sinh phân Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi - chỉ cách đó hơn 10 m.
Ngoài kho thuốc này, xã Hòa Kiến còn một kho thuốc cũ ở thôn Tường Quang cũng khiến người dân điêu đứng không kém.
Bịt mũi đi học
Trong khuôn viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm (thôn Chánh Nam, xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) có kho thuốc BVTV bị bỏ hoang từ năm 2001. Lúc đó, trong kho còn tồn đọng 1 thùng phuy có chứa 73,3 kg thuốc Vofatoc. Do để lâu năm, phuy bị mục đáy, một lượng lớn thuốc Vofatoc chảy ra ngoài thấm vào lòng đất dưới nền kho.
Thầy Lê Minh Phú, Hiệu phó Trường THCS Đoàn Thị Điểm, nhớ lại: “Lúc trước thiếu phòng sinh hoạt nên trường tận dụng 3 phòng bên cạnh kho thuốc làm nơi nghỉ giải lao cho giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên phản ứng rất dữ dội vì không chịu nổi mùi hôi nồng nặc của kho thuốc”.
Em Phan Thị Lệ Quyền, học sinh lớp 6 của trường, cho biết mỗi khi đi học qua đây, các em phải bịt mũi, chạy nhanh để không hít phải mùi thuốc độc khó chịu.
Nhà em Phan Thị Thúy Quyên, học sinh lớp 8A, ở gần kho thuốc này nên rất khổ sở. “Em thường xuyên bị đau đầu vì mùi thuốc độc. Vào mùa mưa, nước thấm thuốc độc dưới đất xì lên, vàng ố cả nền xi măng sân trường, hôi chịu không thấu. Nhà em ở gần đó nên có muốn tránh cũng không được” - Quyên lo ngại.
Chỉ cách kho thuốc chưa đầy 6 m là căn nhà của bà Phan Thị Nga, nhân viên tạp vụ ở trường. Bà Nga cho biết khi xây nhà, bà không biết có kho thuốc ở đây nên giờ gia đình đành căng mình chịu trận. “Mỗi khi có gió thì cả nhà không tài nào ngủ được. Chúng tôi có bịt kín hết cửa thì mùi thuốc nồng nặc vẫn xông vào nhà” - bà Nga vừa nói vừa chỉ tay lên các cửa thông gió bịt kín mít.
Theo bà Nga, hiện Trường Đoàn Thị Điểm đã sử dụng nước máy. Trước đây, bà phải múc nước giếng cách kho thuốc không xa để nấu cho giáo viên dùng. “Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở kho thuốc này để học sinh, giáo viên và người dân không phải hít thuốc độc hằng ngày” - thầy Phú mong mỏi.
Theo bà Trần Huệ Hoa Hiền, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Phú Yên, trước đây, đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã đưa ra biện pháp giải quyết bằng cách hốt hết đất bị nhiễm thuốc độc rồi chuyển đến Công ty Môi Trường Xanh để xử lý, kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh không đủ tiền nên phải tìm biện pháp khác.
Mới đây, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã đi thị sát các kho thuốc BVTV ô nhiễm này. “Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu cách xử lý. Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chỉ cần xây hộc, đóng kín kho thuốc này là được” - ông Cự nói.
Nhiều người chết vì bệnh nan y
Theo ông Huỳnh Công Sanh, có ý kiến nghi ngờ độc chất của kho thuốc khiến nhiều người trong thôn chết vì ung thư và các bệnh nan y khác. “Vài năm trở lại đây đã có đến 6 người chết, như ông Huỳnh Văn Thiên, ông Huỳnh Nạy, các bà Dương Mỹ Học, Dương Mỹ Hảo, Huỳnh Thị Ngọc Mai, Huỳnh Thị Kim Loan. Dân ở đây sợ kho thuốc này lắm!” - ông Sanh băn khoăn.
Theo nld.com.vn