Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Ô nhiễm môi trường và hệ lụy từ sự cố hóa chất

15/09/2015

     Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, địa phương có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn hóa chất cao nhất là TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2010 - 2014, trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 8 người và bị thương 7 người, thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Riêng năm 2014, xảy ra 4 vụ, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại trên 30 tỷ đồng.      Cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, ứng phó với sự cố      Ở Việt Nam hiện nay, các loại hóa chất độc hại, nguy hiểm rất dễ mua được tại các chợ lớn. Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư đang âm thầm điều chế những “quả bom” có sức công phá lớn và có thể nổ bất cứ lúc nào. Thậm chí, một đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên cũng có thể dễ dàng mua hóa chất để chế thuốc nổ. Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng đang ngày ngày đe dọa mạng sống và môi trường của cộng đồng. Có thể khẳng định một điều, các vụ nổ hóa chất nghiêm trọng xảy ra gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với công tác quản lý việc mua bán hóa chất quá lỏng lẻo ở Việt Nam. Nếu không có giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với các sự cố rò rỉ, cáy nổ hóa chất thì hệ lụy kèm theo là vô cùng lớn.      Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, để kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển, buôn bán chất thải và hóa chất, các Bộ, ban ngành phải nắm rõ và thực thi hiệu quả các Công ước quốc tế cũng như các quy định quốc gia về môi trường. Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm BVMT và sức khỏe người dân.   Công tác ứng phó và khắc phục ô nhiễm do hóa chất hiện vẫn chưa được chú trọng        Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Đoàn Xuân Hòa cho rằng, tất cả các nhà máy hóa chất cần đưa thêm tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường trong quy hoạch, nhất là hệ thống tuần hoàn nước thải, đặc biệt là dự án mở rộng dây chuyền tuyển quặng apatit. Ngoài ra, cần đầu tư về trình độ và công nghệ cũng như có quy định rõ ràng cho phép công nghệ nào thì được đầu tư, các tiêu chuẩn về khí thải, nước thải…      Theo Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất (Cục Hóa chất, Bộ Công Thương), để khắc phục sự cố hóa chất, đơn vị sẽ phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra công tác an toàn, ứng phó sự cố hóa chất đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hoá chất, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất.  Đồng thời, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng  trong việc phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất… hướng đến phát triển bền vững gắn với BVMT.   Gia Linh                                                                                         
Ý kiến của bạn