Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Phòng ngừa, ứng phó các xung đột môi trường biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng

28/10/2024

Tóm tắt:

    Thế giới đang đứng trước nhiều vấn đề về an ninh môi trường (ANMT) mang tính quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, ANMT, trong đó có ANMT biển đang đứng trước những thách thức như xung đột môi trường (XĐMT), ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp; suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học; vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai, bệnh dịch ngày càng nghiêm trọng; tình hình vi phạm và tội phạm về môi trường diễn ra phổ biến, hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nước ta. Riêng tại TP. Hải Phòng, một thành phố biển lớn của cả nước, các XĐMT biển - một thành tố quan trọng của ANMT biển đã và đang có chiều hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực, với tính chất ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của thành phố. Nhằm đánh giá hoạt động phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển  trên địa bàn TP. Hải Phòng, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra - khảo sát; sử dụng mô hình SWOT, phương trình quản trị an ninh phi truyền thống. Kết quả cho thấy, TP. Hải Phòng đã và đang phải đối diện với các nguy cơ đe dọa về XĐMT biển như sự cố môi trường biển; xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại biển không đúng quy trình kỹ thuật; ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng liên quan đến rác thải biển; bảo tồn đa dạng sinh học... Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn XĐMT biển trên địa bàn thành phố.

Từ khóa: Xung đột xã hội, xung đột môi trường biển, phòng ngừa, ứng phó.

Ngày nhận bài: 10/8/2024; Ngày sửa chữa: 12/9/2024; Ngày duyệt đăng: 21/10/2024.

Preventing and responding to marine environmental conflicts in Hai Phong City

Abstract:

    The world is facing many environmental security (ES) issues of global scale. In Vietnam, ES, including marine ES, is facing challenges such as environmental conflicts, air pollution in large cities; soil and water pollution in industrial production areas; degradation of resources and biodiversity; increasingly serious climate change (CC) and natural disasters and epidemics; environmental violations and crimes are widespread and extremely complicated, directly threatening the sustainable development of our country. Particularly in Hai Phong City, a large coastal city in the country, marine environmental conflicts (ES) - an important component of marine ES have been increasing in many areas, with increasingly complex nature, affecting national security and the sustainable development of the city. In order to assess the prevention and response activities to marine ES in the city. Hai Phong, the study used the investigation - survey method; used the SWOT model, non-traditional security management equation. The results showed that Hai Phong City has been facing threats to marine environmental degradation such as marine environmental incidents; improper treatment of solid waste, marine hazardous waste; serious marine environmental pollution related to marine waste; biodiversity conservation... On that basis, the authors proposed a number of solutions to prevent and stop marine environmental degradation in Hai Phong City.

Keywords: Social conflict, marine environmental conflict, prevention, response.

JEL Classifications: K32, 044, Q56, Q58.

1. Đặt vấn đề

    Từ những thập niên 1950 - 1960, vấn đề ANMT đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm do tác động, ảnh hưởng giữa vấn đề môi trường và phát triển kinh tế.

    Ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm ANMT nhằm phát triển bền vững về kinh tế đã sớm được Đảng, Nhà nước quan tâm, cụ thể hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập toàn diện và cụ thể hơn, chi tiết hơn về vấn đề BVMT, theo đó “lấy BVMT sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái”.

    Từ những quan điểm, nhận định của Đảng về BVMT và ANMT, Nhà nước ta đã cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về môi trường. Thuật ngữ “ANMT” được sử dụng trong Luật BVMT năm 2014. Điều 3 của Luật quy định: “ANMT là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia” (Quốc hội, 2014). Sau này, Luật BVMT năm 2020 cũng quy định “Hoạt động BVMT bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với BVMT khu vực và toàn cầu” (Khoản 28 Điều 3). Thuật ngữ “ANMT” cũng được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018, theo đó, lực lượng Công an nhân dân có nhiệm vụ “Làm nòng cốt xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh mạng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh xã hội, ANMT” (Mục 12 Điều 16) (Quốc hội, 2018). Nhiệm vụ bảo vệ ANMT cũng được quy định trong Luật An ninh quốc gia năm 2004: “Bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia” (Mục 3 Điều 14) (Quốc hội, 2004).

    Trên cơ sở đó, có thể hiểu ANMT là trạng thái một hệ thống môi trường lành mạnh, có khả năng bảo đảm điều kiện sống an toàn cho con người không bị đe dọa, không bị uy hiếp, không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia (Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Sinh, 2012). Còn ANMT biển là trạng thái một hệ thống môi trường biển lành mạnh, có khả năng bảo đảm điều kiện sống an toàn cho con người không bị đe dọa, không bị uy hiếp, không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia (Tô Lâm và cộng sự, 2017). Trong đó, XĐXH về môi trường hay thường gọi là xung đột môi trường (XĐMT) là một trong những nguy cơ đe doạ ANMT.

    Hiện nay, có 2 quan niệm khác nhau khi bàn về XĐMT. Quan niệm thứ nhất của nhóm ENCOP (The Environment and Conflicts Project) dẫn đầu bởi Gunther Baechler, Libiszewski (1992) đưa ra quan điểm: XĐMT là xung đột chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo lãnh thổ, tộc người hoặc là xung đột đối với các nguồn tài nguyên hay là các lợi ích quốc gia, hoặc là bất cứ loại xung đột nào. Đó là những xung đột mang tính truyền thống gây ra bởi sự suy thoái môi trường. Nhóm nghiên cứu thứ hai là Toronto, do Thomas Homer-Dixon dẫn đầu đưa ra quan điểm: XĐMT là những xung đột dữ dội do sự khan hiếm môi trường gây ra trong sự tương tác với nhiều yếu tố, xuất hiện qua ba hình thức: Khan hiếm do nhu cầu (nghĩa là sự khan hiếm nảy sinh do nhu cầu gia tăng, chẳng hạn do gia tăng dân số), khan hiếm do nguồn cung (nghĩa là sự khan hiếm gây ra do sự sụt giảm tổng thể những nguồn tài nguyên cụ thể, có sẵn do suy thoái hoặc cạn kiệt) và khan hiếm cấu trúc (nghĩa là sự khan hiếm nảy sinh từ việc phân bố không đồng đều các nguồn tài nguyên hoặc là từ việc tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên).

    Ở Việt Nam, cũng có một số công trình nghiên cứu về XĐMT như Vũ Cao Đàm cho rằng, XĐMT là một dạng XĐXH, là quá trình hình thành và phát triển mâu thuẫn giữa các nhóm xã hội trong sự liên quan đến các vấn đề môi trường” (Vũ Cao Đàm, 2002). Theo Trần Phúc Thăng, Lê Thị Thanh Hà thì “XĐMT là xung đột về lợi ích giữa các nhóm trong xã hội trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường” (Trần Phúc Thăng, Lê Thị Thanh Hà, 2014).

    Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về XĐMT biển trên phạm vi quốc gia và địa phương, trong đó có TP. Hải Phòng. Thực hiện nghiên cứu này sẽ góp phần hoàn thiện khung lý luận về XĐXH, ANMT. Về thực tiễn việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển sẽ góp phần đảm bảo ANMT biển, bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển bền vững TP. Hải Phòng.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp điều tra - khảo sát: Trong năm 2023 và 2024, nhóm nghiên cứu đã tổ chức khảo sát và thu thập các phiếu điều tra (720 phiếu) bao gồm 600 phiếu người dân tại các quận, huyện liên quan đến biển và hải đảo, cảng biển; 60 phiếu các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất; 30 phiếu chuyên gia, nhà quản lý; 30 phiếu các Sở, ngành có liên quan đến ANMT. Địa bàn điều tra: Cơ quan trực thuộc TP. Hải Phòng (Các Sở TN&MT, NN&PTNT; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Công an thành phố - Phòng Cảnh sát môi trường (nay là Phòng Cảnh sát Kinh tế); Hải quan; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển đóng tại Hải Phòng; Các quận, huyện: Đồ Sơn, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Tiên Lãng…

    Mô hình SWOT: Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp mà Thành ủy, UBND thành phố, Công an TP. Hải Phòng và các Sở, ngành, huyện, quận, thị xã thuộc Hải Phòng đã tiến hành để phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển xảy ra trên địa bàn thành phố.

    Phương trình quản trị an ninh phi truyền thống: Các tác giả đã sử dụng để đánh giá hiệu quả đảm bảo ANMT và XĐMT biển trên địa bàn TP. Hải Phòng.  Quản trị ANMT của 1 chủ thể = (1. an toàn + 2. ổn định + 3. phát triển bền vững) - (1. chi phí và hoạt động quản trị rủi ro + 2. chí phí và hoạt động quản trị khủng hoảng + 3. chi phí và hoạt động quản trị khắc phục hậu quả sau khủng hoảng).

    Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn sử dụng các số liệu thống kê, các kết quả thực hiện trong phòng ngừa, ứng phó  các XĐMT biển xảy ra trên địa bàn thành phố trong các báo cáo, thống kê chính thức của UBND TP. Hải Phòng, Công an TP. Hải Phòng, Sở TN&MT, NN&PTNT, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng...  

3. Kết quả và thảo luận

    Kết quả nghiên cứu của Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Công an TP. Hải Phòng cho thấy, ANMT biển trên địa bàn TP. Hải Phòng đang bị đe dọa bởi 8 nhóm nguy cơ: Các nguy cơ đe doạ ANMT biển liên quan đến XĐMT biển, hải đảo và cảng biển như kiến nghị, phản đối của nhân dân, gây rối trật tự công cộng...; Các nguy cơ đe dọa ANMT biển liên quan đến các sự cố môi trường biển vượt tầm kiểm soát như các sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và tai nạn hàng hải trên biển; Các nguy cơ đe dọa ANMT biển liên quan đến xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại biển không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật BVMT trong nạo vét, duy tu luồng và công trình hàng hải;  Các nguy cơ đe doạ ANMT biển liên quan đến ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng như rác thải biển (liên quan đến các khu công nghiệp ven biển, các khu dân cư ven biển, khai thác, nuôi trồng thủy/hải sản và du lịch biển) và rác thải nhập lậu ở cảng biển; Các nguy cơ đe dọa ANMT biển liên quan đến ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng trong bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học; Các nguy cơ đe dọa ANMT biển liên quan đến BĐKH và các thảm họa thiên tai biển; Các nguy cơ đe dọa ANMT biển liên quan đến vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường biển. Các XĐMT biển trên địa bàn TP. Hải Phòng xảy ra gắn liền với các nguy cơ đe dọa ANMT biển này.

    Từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 127 vụ XĐMT biển; trên khu vực biển đã có 75 vụ việc về an ninh trật tự liên quan đến nuôi ngao, trong đó có 12 vụ xô xát, cố ý gây thương tích giữa những người nuôi ngao với nhau và với ngư dân khai thác thủy sản truyền thống; 6 vụ cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản liên quan đến nuôi ngao, cùng nhiều vụ ngăn cản, chống người thi hành công vụ. Các trường hợp nuôi ngao trái phép bị chính quyền xử lý đã cố tình tổ chức thành các đoàn đi khiếu kiện đông người ở nhiều nơi, gây phức tạp về trật tự an ninh.

Bảng 1. Các dạng XĐMT biển trên địa bàn TP. Hải Phòng (2015 - 2023) (Nguồn: Nhóm tác giả)

STT

Các dạng XĐMT biển

Tỷ lệ (vụ /%)

1

Xung đột giữa người dân với các doanh nghiệp, chủ sản xuất dẫn tới người dân tụ tập đông người kiến nghị, khiếu kiện, tố cáo lên chính quyền về ANMT biển do các sự cố môi trường biển vượt tầm kiểm soát liên quan đến các sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và tai nạn hàng hải trên biển

9/127 (7%)

2

Xung đột giữa người dân với các doanh nghiệp, chủ sản xuất dẫn tới người dân tụ tập đông người kiến nghị, khiếu kiện, tố cáo lên chính quyền về ANMT biển liên quan đến xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại biển không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật BVMT liên quan đến nạo vét, duy tu luồng và công trình hàng hải

10/127 (7,8%)

3

Xung đột giữa người dân với các doanh nghiệp, chủ sản xuất dẫn tới người dân tụ tập đông người kiến nghị, khiếu kiện, tố cáo lên chính quyền về ANMT biển do ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng liên quan đến rác thải biển (liên quan đến các khu công nghiệp ven biển, các khu dân cư ven biển, khai thác, nuôi trồng thủy/hải sản, du lịch biển) và rác thải nhập lậu ở cảng biển

75/127 (59%)

4

Xung đột giữa người dân với các doanh nghiệp, chủ sản xuất dẫn tới người dân tụ tập đông người kiến nghị, khiếu kiện, tố cáo lên chính quyền về ANMT biển liên quan đến ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng xâm hại bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học

7/127 (5,5%)

5

Xung đột giữa người dân với các doanh nghiệp, chủ sản xuất dẫn tới người dân tụ tập đông người kiến nghị, khiếu kiện, tố cáo lên chính quyền về  ANMT biển liên quan đến BĐKH, nước biển dâng và các thảm hoạ thiên tai biển

8/127 (6,2%)

6

Xung đột giữa người dân với các doanh nghiệp, chủ sản xuất dẫn tới người dân tụ tập đông người kiến nghị, khiếu kiện, tố cáo lên chính quyền về ANMT biển liên quan đến vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường biển.

18/127 (14,1%)

    Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đối với các chuyên gia, nhà quản lý cho thấy, XĐXH biển (khiếu kiện, tranh chấp, gây rối trật tự công cộng, biểu tình, chống người thi hành công vụ, phá hủy tài sản, cản trở và gây mất an toàn giao thông...) có tỷ lệ bình chọn rất nghiêm trọng chiếm cao nhất là 74,5%, xếp vị trí thứ hai với tỷ lệ bình chọn ở mức nghiêm trọng chiếm 25%, đối với mức bình chọn không nghiêm trọng chỉ chiếm rất nhỏ 0,5%.

Bảng 2. Các hình thức XĐMT biển trên địa bàn thành phố

STT

Các hình thức XĐMT biển

Tỷ lệ (vụ/%)

1

Tập trung đông người khiếu kiện lên chính quyền

32 vụ (25,2%)

2

Lập hội, nhóm đi khiếu kiện trong đó có khiếu kiện vượt cấp lên chính quyền các cấp

5 vụ (3,9%)

3

Tranh chấp ngư trường, hải trường

20 vụ (15,7%)

4

Đình công, lãn công tại doanh nghiệp

4 vụ (3,1%)

5

Không chấp hành quyết định của chính quyền

11 vụ (8,6%)

6

Gây rối trật tự công cộng

15 vụ (11,8%)

7

Cản trở và gây mất an toàn giao thông

15 vụ (11,8%)

8

Phá hủy tài sản

20 vụ ( 15,7%)

9

Biểu tình, chống người thi hành công vụ

5 vụ (3,9%)

    Về kết quả khảo sát cho thấy, các cơ sở, doanh nghiệp có xảy ra các XĐMT biển (khiếu kiện, tranh chấp, gây rối, phá hủy tài sản, đình công, lãn công của công nhân) trên địa bàn thành phố chiếm 72,1%; cơ sở, doanh nghiệp không xảy ra các XĐMT biển chiếm 27,9%. Qua đây cho thấy, vấn đề doanh nghiệp có xảy ra các XĐMT biển đang chiếm tỉ trọng cao. Cơ sở/doanh nghiệp bị ảnh hưởng và ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các XĐMT biển chiếm 62,4%; không ảnh hưởng chiếm 37,6%. Trong những cơ sở/doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng chiếm 44,8%. Như vậy, mức độ doanh nghiệp bị ảnh hưởng và ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các XĐMT biển ở mức khá cao và khi ảnh hưởng thì mức độ nghiêm trọng với nhiều doanh nghiệp. Điều này cho thấy vấn đề mất ANMT biển đã đe dọa đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế TP. Hải Phòng. Điều đó đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý và chuyên gia, người dân trong việc chung tay bảo vệ ANMT biển. 

    Nguyên nhân của những XĐMT biển kể trên xuất phát từ các thiếu sót trong quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên, sử dụng đất và đất ngập nước. Hệ thống văn bản quy định về ANMT chưa được triển khai sâu rộng đến doanh nghiệp cảng biển. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển còn nhiều hạn chế...

    Về biện pháp giải quyết, trong thời gian qua, các cấp ủy và chính quyền TP. Hải Phòng đã có nhiều biện pháp trong phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển như tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia môi trường, pháp luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo...; nắm tình hình các “điểm nóng” về môi trường và nhận diện kịp thời các nguy cơ đe dọa ANMT; xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó với từng loại XĐMT biển; xử lý các đối tượng cầm đầu lợi dụng vấn đề môi trường, nguồn nước kích động, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, đối thoại luôn là giải pháp được chính quyền TP. Hải Phòng và các quận, huyện lựa chọn để giúp người dân hiểu rõ quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố. Từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 30 cuộc đối thoại giải quyết XĐMT biển của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo thành phố và các Sở, ngành, quận, huyện. Bên cạnh đó, Công an thành phố và các cơ quan chức năng của thành phố với chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp và các hoạt động bảo đảm ANMT nói chung, phòng ngừa, ứng phó với các XĐMT biển nói riêng theo quy định của pháp luật.

    Trong công tác tham mưu, Công an thành phố đã tham mưu với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo về bảo đảm ANMT biển, đồng thời hướng dẫn các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của thành phố; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp tại các khu kinh tế ven biển, các dự án trọng điểm trong lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế biển thực hiện tốt quy định pháp luật về BVMT; phối hợp giải quyết các vụ việc gây mất ANMT biển, ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường, nước biển dâng...

    Trong công tác quản lý nhà n­ước về bảo vệ ANMT biển phục vụ phát triển kinh tế biển, Công an thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định các công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia. Hiện thành phố có 13.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; có trên 4.600 cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT.

    Trong công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành, trong 10 năm qua (2013 - 2023), Công an thành phố đã phối hợp xác minh 200 trường hợp, trao đổi 2.000 tin liên quan đến các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong quá trình tham gia phát triển các ngành kinh tế. Phối hợp tổ chức trên 300 lượt tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với các tổ chức doanh nghiệp, cư dân thường xuyên có hoạt động kinh tế biển khu vực vùng biển duyên hải Bắc bộ. Phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố, cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành vận động quần chúng nhân dân và ngư dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về BVMT, về phát triển kinh tế biển và các quy định về bảo đảm ANMT biển; vận động quần chúng, ngư dân, nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, BVMT trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, đánh bắt hải sản. Phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật như Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập khẩu, hệ thống logistics, đưa chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam; thống nhất phương án xử lý khi phát hiện vi phạm pháp luật. Phối hợp với Cảnh sát biển tổ chức nắm tình hình, giám sát các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến BVMT biển, triển khai các hoạt động bảo đảm ANMT biển, nhất là các vi phạm pháp luật có yếu tố nước ngoài. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển nắm tình hình, trao đổi hơn 9.000 tin liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân diễn ra tại khu vực cảng biển. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng triển khai nắm tình hình, phát hiện, giải quyết các hàng hóa tồn đọng tại Cảng Hải Phòng; phối hợp kiểm tra các hàng hóa vận chuyển trái phép, thống nhất phương án xử lý vi phạm.

    Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, trong 10 năm qua, đã phát hiện 945 vụ vi phạm pháp luật và tội phạm về BVMT biển. Trong đó, Công an TP. Hải Phòng đã xử lý hành chính 181 vụ việc, thu về ngân sách nhà nước trên 8,5 tỷ đồng; lập hồ sơ đề nghị truy tố 14 vụ việc vi phạm pháp luật là tội phạm hình sự; chuyển 750 vụ việc cho cơ quan chức năng khác giải quyết theo thẩm quyền luật định.

    Trong công tác vận động quần chúng, phổ biến giáo dục pháp luật, đã tổ chức 1.300 lượt tuyên truyền, phổ  biến pháp luật về môi trường tại cơ sở, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh; Tuyên truyền, vận động 22 cụm tàu an toàn, bè an toàn, 310 cụm dân cư an toàn, 130 tổ an ninh nhân dân, tổ an ninh liên kết, mô hình tự quản, mô hình "Tổ tàu thuyền tự quản đoàn kết". Qua đó, quần chúng nhân dân đã tích cực ủng hộ các cấp chính quyền và tham gia bảo đảm ANMT biển trong phát triển kinh tế biển. Nhiều vụ việc phức tạp về  tồn đọng, kéo dài nhiều năm như việc kiến nghị thắc mắc của 17 hộ dân thôn Duyên Hải, xã Tiên Hưng; tranh chấp khu vực khai thác thủy sản, đào đắp bờ trong rừng ngập mặn xã Vinh Quang... đã được giải quyết, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong quần chúng nhân dân.

    Bên cạnh những thành công, việc phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tồn tại: việc nhận diện các XĐMT biển chưa kịp thời; chưa coi trọng công tác hòa giải, vận động quần chúng trong giải quyết; một số thời điểm cấp lãnh đạo, nhất là cấp huyện, cấp doanh nghiệp chưa coi trọng đối thoại với nhân dân dẫn đến mâu thuẫn càng phức tạp hơn; việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan chức năng chưa kịp thời, nặng về sử dụng các biện pháp dân sự vì vậy các đối tượng cầm đầu không sợ pháp luật và chính quyền, dẫn tới mâu thuẫn, “điểm nóng môi trường” kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm...

4. Khuyến nghị, giải pháp

    Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế giải quyết XĐMT biển vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ vừa mang tính cơ bản, lâu dài vừa cấp thiết trước mắt, kết hợp các giải pháp về giáo dục tư tưởng với các giải pháp về kinh tế, hành chính, nhóm nghiên cứu khuyến nghị một số giải pháp sau:

    Một là, xây dựng ban hành cơ chế, chính sách chia sẻ nguồn lợi chung về tài nguyên, môi trường biển; xây dựng các chính sách về tài nguyên, môi trường biển trong đó xác định rõ hơn về quyền sở hữu với quyền sử dụng các nguồn tài nguyên, môi trường biển; xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính về tài nguyên, môi trường biển, bảo đảm phát triển bền vững.

    Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xã hội hóa công tác quản lý, giải quyết XĐMT biển bằng hòa giải. Công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển cần được tăng cường đồng bộ hơn nữa, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cần lồng ghép các nội dung về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trong các phong trào như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tại cộng đồng, công sở, trong việc xét, phong tặng danh hiệu thi đua của cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước.

    Ba là, áp dụng đồng bộ các biện pháp để xử lý các XĐMT biển trên địa bàn, theo 4 bước: Nắm tình hình, nhận dạng mâu thuẫn, XĐMT biển; Giải quyết XĐMT biển; Khắc phục hậu quả khi XĐMT biển bị dập tắt; Rút kinh nghiệm, dự báo tình hình và áp dụng những giải pháp phòng ngừa để XĐMT biển không tái phát.

    Bốn là, thành phố cần xây dựng các kịch bản khung nhằm ứng phó với một số tình huống gây mất ANMT biển, trong đó cần tập trung xây dựng một số kịch bản, phương án cụ thể. Việc xây dựng kịch bản phải được tiến hành cụ thể, chi tiết và có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống phức tạp xảy ra. Theo đó, kịch bản cần phải đề cập các nội dung chủ yếu như: Thành lập ban chỉ đạo gồm các thành phần, bộ phận quan trọng; phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể trong xử lý tình huống; Xác định rõ nguyên nhân; Khắc phục nguyên nhân; Hạ nhiệt “điểm nóng”; Tổ chức vận động quần chúng; Phân hóa đối tượng; Xử lý đối tượng quá khích, phạm tội; Phối hợp với các cơ quan chức năng; Ổn định tình hình nhân dân địa phương.

    Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác dự báo nguy cơ xuất hiện XĐMT biển trên địa bàn thành phố để sớm giải quyết những mầm mống gây XĐMT biển dẫn tới tình trạng khẩn cấp, không để phát triển thành các khủng khoảng, “thảm họa môi trường” như các vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) năm 2015 và vụ Formosa năm 2016 - 2017 (Hà Tĩnh) hoặc các XĐMT liên quan đến các hộ nuôi ngao tại Hải An và Kiến Thụy năm 2021 - 2022 trên địa bàn TP. Hải Phòng.

    Kết quả phòng ngừa, ứng phó các XĐMT biển nói trên đã góp phần để TP. Hải Phòng phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa ANMT biển, bảo vệ an ninh quốc gia, phát triển bền vững, trở thành một trong những địa phương có tăng trưởng kinh tế - xã hội cao ở nước ta trong những năm gần đây.

    Nghiên cứu này vẫn còn hạn chế khi chưa đánh giá định lượng được tác hại của các XĐMT biển đối với an ninh quốc gia và phát triển bền vững TP. Hải Phòng và chưa nghiên cứu sâu vấn đề này trên từng quận, huyện, trên địa bàn TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng gợi mở các hướng nghiên cứu mới về ANMT, XĐXH gắn với bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển bền vững quốc gia, địa phương.

Lời cảm ơn: Bài báo được hoàn thành dựa trên kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp TP. Hải Phòng Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa ANMT biển trên địa bàn TP. Hải Phòng” do Viện An ninh phi truyền thống (Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Công an TP. Hải Phòng phối hợp thực hiện.

Nguyễn Xuân Yêm1, Lưu Văn Vinh2

1Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

                                                    2Nguyên Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an TP. Hải Phòng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

2. Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, Các báo cáo công tác năm từ 2010 - 2023.

3. Nguyễn Thị Thu Hà (2022), Một số vấn đề xung đột môi trường trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, https://tapchimoitruong.vn/dien-dan--trao-doi-21/mot-so-van-de-xung-dot-moi-truong-tren-the-gioi-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-27045, ngày 6/10/2022.

4. Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Sinh (2012), ANMT, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

5. Phạm Văn Khánh, Thực trạng và các giải pháp phòng ngừa, giải quyết XĐXH do mất ANMT biển và hải đảo, cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận, thực trạng biển và hải đảo, cảng biển và giải pháp, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng ANMT biển và hải đảo, cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng” do Viện An ninh phi truyền thống và Công an TP. Hải Phòng tổ chức, Hải Phòng ngày 16/10/2023.

6. Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm và các tác giả (2017), An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, NXB CAND.

7. Quốc hội (2004), Luật An ninh quốc gia.

8. Quốc hội (2014, 2020), Luật BVMT.

9. Quốc hội (2015), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

10. Quốc hội (2018), Luật Công an nhân dân.

11. Tạ Đình Thi, Phan Thị Kim Oanh, Tạ Văn Trung (2017), Đảm bảo ANMT ở Việt Nam: Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết, Tạp chí Biến đổi khí hậu, số 2/2017.

12. UNDP (1994), Human Development Report 1994, p.24-25.

13. Nguyễn Xuân Yêm, Vũ Thanh Chương, Lưu Văn Vinh và các tác giả (2024), Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa ANMT biển trên địa bàn TP. Hải Phòng, Đề tài khoa học cấp TP. Hải Phòng, 2023 - 2024.

14. Nguyễn Xuân Yêm, Vũ Xuân Viên, Lê Đức Viên, ANMT và phát triển bền vững TP.Đà Nẵng, NXB CAND, 2024, tr. 16.

15. Nguyễn Xuân Yêm, Vũ Thanh Chương, Trần Quang Tuấn, Nguyễn Xuân Toản, Lê Trung Sơn và các tác giả (2024), ANMT biển và phát triển bền vững TP. Hải Phòng, NXB CAND, tr. 12.

Ý kiến của bạn