01/07/2025
Tóm tắt:
Xã đảo Việt Hải, nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà, là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch cùng với hạn chế về hạ tầng xử lý chất thải đã tạo ra những áp lực nhất định lên môi trường địa phương. Nghiên cứu sử dụng mô hình DPSIR để phân tích các mối quan hệ giữa tác nhân, áp lực, hiện trạng, tác động và phản hồi tại xã đảo Việt Hải để đánh giá tác động của du lịch đến môi trường. Kết quả cho thấy, các vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến chất thải rắn, ô nhiễm cục bộ nguồn nước và sự quá tải trong mùa cao điểm du lịch. Mặc dù chất lượng không khí và đất vẫn được duy trì ở mức tốt, môi trường biển và yếu tố cảnh quan bị ảnh hưởng tiêu cực nếu không có các biện pháp kiểm soát phù hợp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, tăng cường năng lực xử lý chất thải và nâng cao nhận thức nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững tại Việt Hải.
Từ khóa: Mô hình DPSIR, vấn đề môi trường, du lịch, Việt Hải, Hải Phòng.
Ngày nhận bài: 2/4/2025; Ngày sửa chữa: 5/5/2025; Ngày duyệt đăng: 2/6/2025.
ASSESSING THE TOURISM DEVELOPMENT IMPACT ON ENVIRONMENTAL ISSUES IN VIET HAI ISLAND COMMUNE, CAT HAI DISTRICT, HAI PHONG CITY
ABSTRACT:
Viet Hai Island Commune, situated within the core zone of Cat Ba National Park, possesses significant potential for developing ecotourism and community-based tourism intertwined with natural resource conservation. However, the rapid increase in tourist numbers, coupled with limitations in waste treatment infrastructure, has imposed considerable pressure on the local environment. This study employed the DPSIR model (Drivers – Pressures – State – Impacts - Responses) to analyze the interrelationships among drivers, pressures, state, impacts, and responses in Viet Hai Island Commune. The aim was to assess the influence of environmental issues on tourism development. The findings indicate that the primary environmental concerns are related to solid waste, localized water pollution, and overcrowding during peak tourist seasons. While air and soil quality remain good, the marine environment and landscape elements will be negatively impacted if appropriate control measures are not implemented. Based on these results, the study proposes community-based environmental management solutions, enhanced waste treatment capacity, and increased public awareness. These measures are crucial for fostering sustainable tourism development in Viet Hai.
Keywords: DPSIR model, environmental issues, tourism, Viet Hai, Hai Phong.
JEL Classifications: O13, P48, Q53, Q56.
1. MỞ ĐẦU
Xã đảo Việt Hải, thuộc huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng, là một cộng đồng đặc biệt nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà. Việt Hải hiện có diện tích đất liền khoảng 141 ha và dân số khoảng 270 người, tập trung trong hơn 88 hộ, mật độ dân cư rất thấp so với nhiều xã đảo khác thuộc huyện đảo Cát Hải (Lê Xuân Sinh và cs., 2021). Sự biệt lập về vị trí địa lý gây khó khăn trong tiếp cận thị trường, giao thương và phát triển kinh tế, dẫn đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tại đây có quy mô nhỏ, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp. Tuy nhiên, chính đặc điểm này lại tạo nên lợi thế lớn cho việc bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái tự nhiên và nét văn hóa lâu đời của vùng quê Bắc bộ điển hình. Đó cũng là lý do Việt Hải thu hút được sự quan tâm của khách du lịch ưa trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ, văn hóa đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Du khách có thể đến làng Việt Hải bằng tàu qua vịnh Lan Hạ kết hợp đi bộ hoặc xe điện, hoặc trekking (đi bộ khám phá) xuyên rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Cát Bà. Du khách đến Việt Hải có thể trải nghiệm các hoạt động du lịch hấp dẫn như đạp xe tham quan làng, leo núi, thăm nhà cổ, ngâm chân thư giãn với cá massage và thưởng thức các món đặc sản địa phương đậm đà hương vị bản địa.
Trong những năm gần đây, làn sóng phát triển du lịch mạnh mẽ tại Việt Hải đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên, song hành với các lợi ích kinh tế, Việt Hải hiện cũng đối mặt với nhiều tác động tiêu cực, điển hình là vấn đề phát sinh chất thải rắn, ô nhiễm nguồn nước và khai thác tài nguyên vượt mức cho phép. Những vấn đề này đang đặt ra những thách thức mới đối với mục tiêu phát triển du lịch bền vững của xã đảo (Lê Xuân Sinh và cs., 2023). Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng dân cư địa phương mà còn đe dọa các giá trị sinh thái tự nhiên – vốn là nền tảng để phát triển du lịch sinh thái tại địa phương (Lê Xuân Sinh và cs., 2021). Do đó, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý môi trường hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc thù của đảo là yêu cầu bức thiết. Trong nghiên cứu này, với mục tiêu là cung cấp cơ sở khoa học nhằm hỗ trợ quản lý môi trường và xây dựng chính sách phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.
2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành tại xã đảo Việt Hải, thuộc huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng. Khu vực này nằm ở phía Đông của đảo Cát Bà, với diện tích quản lý khoảng 141 ha. Địa hình chủ yếu là thung lũng, xung quanh là các dãy núi đá vôi, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng và tương đối biệt lập so với các khu vực lân cận. Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà, xã Việt Hải hội tụ các yếu tố thuận lợi cho công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển bền vững, trong đó tập trung vào thế mạnh du lịch.
- Đối tượng nghiên cứu: Ngành nghề du lịch, các yếu tố môi trường xã đảo bị tác động bởi các hoạt động du lịch tại xã.
Hình 1. Xã đảo Việt Hải, huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng
Nguồn: KC.08.09/16-20
2.2. Tài liệu nghiên cứu
Tài liệu sử dụng trong nghiên cứu này kế thừa một phần kết quả từ đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16-20.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thu thập, kế thừa các tài liệu, số liệu: Phương pháp này tập trung vào việc kế thừa các công trình nghiên cứu đã công bố về quản lý môi trường tại khu vực nghiên cứu và thu thập dữ liệu thứ cấp từ các cơ quan quản lý địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và hiện trạng môi trường của xã Việt Hải.
- Phương pháp điều tra khảo sát thực địa và tham vấn chuyên gia, người dân điah phương tại xã đảo Việt Hải: Được áp dụng nhằm thu thập và phân tích thông tin về thực trạng quản lý môi trường tại xã đảo Việt Hải, từ đó đánh giá hiệu quả của các giải pháp hiện hành đối với mục tiêu phát triển du lịch bền vững của địa phương; trong đó, chuyên gia bao gồm 30 chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, du lịch và các nhà quản lý tại xã Việt Hải, với đóng góp trực tiếp tập trung; phỏng vấn 15 hộ dân du lịch địa phương về cảnh quan, điều kiện sống tại xã đảo Việt Hải.
- Mô hình DPSIR: Mô hình DPSIR (Driving forces - Pressures - State - Impacts - Responses, tức là Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Phản hồi) được áp dụng nhằm phân tích một cách hệ thống mối quan hệ giữa các vấn đề môi trường và sự phát triển hoạt động du lịch tại xã đảo Việt Hải. Việc sử dụng mô hình này cho phép nhận diện rõ các nguyên nhân, tác động và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại xã đảo Việt Hải (EEA, 1999). Mô hình DPSIR đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và thực tiễn, đặc biệt là trong đánh giá các vấn đề môi trường vùng ven biển, quản lý vùng bờ tích hợp và đánh giá tác động đến chất lượng sống của con người (Semeoshenkova và cs., 2017; Đỗ Thị Thu Hương, Trần Đình Lân, 2019; Do Thi Thu Huong và cs., 2022).
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Tác nhân
Việc ứng dụng mô hình DPSIR tại xã đảo Việt Hải cho thấy các vấn đề môi trường chủ yếu xuất phát từ động lực tăng dân số tạm thời do khách du lịch tăng mạnh vào mùa cao điểm. Sự gia tăng khách du lịch kéo theo nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hóa thạch và tiêu dùng các dịch vụ, sản phẩm địa phương tăng cao. Đồng thời, mức sống của con người gia tăng kéo theo nhu cầu tiện ích phục vụ cuộc sống cá nhân cũng tăng, từ đó đẩy nhanh quá trình phát sinh thêm lượng lớn chất thải rắn, nước thải, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xử lý môi trường vốn còn hạn chế tại địa phương. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường mà còn đe dọa tính bền vững của phát triển du lịch tại Việt Hải nếu không có các giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch tại Việt Hải còn mang tính mùa vụ rõ rệt, tập trung vào các tháng cao điểm mùa hè (tháng 6, 7, 8) với lượng khách Việt Nam tăng đột biến so với các tháng còn lại. Vào thời gian này, hệ thống hạ tầng như cấp điện, nước sinh hoạt, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn thường đối mặt với nguy cơ quá tải. Điều này không chỉ gây áp lực lớn lên tài nguyên thiên nhiên địa phương, mà còn khiến môi trường dễ bị ô nhiễm, rác thải tồn ứ, mất mỹ quan và tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe cộng đồng người dân địa phương và du khách.
Ngoài ra, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân địa phương và du khách (phần lớn là khách trong nước) vẫn còn hạn chế; nhiều người vẫn có hành vi xả rác bừa bãi, không phân loại rác thải, hoặc không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Những hành vi này góp phần gia tăng tình trạng ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và hình ảnh du lịch của địa phương. Các vấn đề trên, nếu không được kiểm soát hiệu quả, sẽ tác động tiêu cực trở lại hoạt động du lịch, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến và cản trở mục tiêu phát triển bền vững tại xã đảo Việt Hải.
3.2. Áp lực và hiện trạng
Trong những năm gần đây, sự gia tăng đột biến và mang tính thời điểm của lưu lượng du khách đã tạo ra áp lực rất lớn đối với tài nguyên môi trường ở xã Việt Hải. Lượng rác thải rắn, nước thải sinh hoạt phát sinh trong mùa du lịch gấp nhiều lần ngày thường, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý tại địa phương còn nhiều bất cập. Khảo sát cho thấy, so với dân số thường trú, lượng khách du lịch có thể tăng nhiều lần vào mùa cao điểm (mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8), kéo theo lượng phát sinh chất thải rắn và nước thải sinh hoạt tăng mạnh (Lê Xuân Sinh và cs, 2021). Tình trạng tồn đọng rác thải nhựa dùng một lần, rác hữu cơ chưa được xử lý kịp thời, đã xuất hiện trên các tuyến đường, bãi biển và khu dân cư của xã đảo.
* Chất lượng môi trường không khí của xã đảo
Kết quả phân tích các thông số môi trường không khí tại xã Việt Hải cho thấy đều nằm dưới ngưỡng của Quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT, phản ánh chất lượng không khí được duy trì ở mức tốt (Lê Xuân Sinh và cs, 2021). Điều này chủ yếu nhờ vị trí biệt lập, số lượng phương tiện giao thông ít và quy mô xây dựng nhỏ, giúp giữ được không khí trong lành. Khảo sát nhanh với 15 hộ dân làm du lịch cho thấy đa số đều đánh giá cao không khí sạch, trong lành và dễ chịu tại đây. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khu vực xuất hiện mùi khó chịu do chăn nuôi gia súc (bò, dê) và hoạt động đốt rác thủ công gần khu dân cư, tạo cảm giác không thoải mái cho khách và người dân. Như vậy, mặc dù chất lượng môi trường không khí nhìn chung đảm bảo cho phát triển du lịch, vẫn cần giải quyết triệt để các nguồn gây mùi để nâng cao trải nghiệm cho du khách.
* Chất lượng môi trường nước mặt của xã đảo
Nhu cầu sử dụng nước mặt tại xã Việt Hải hiện chủ yếu phục vụ sinh hoạt của người dân, hoạt động du lịch và sản xuất nông nghiệp, với quy mô vẫn còn thấp do dân số ít và phần lớn khách du lịch không lưu trú lâu dài. Theo Lê Xuân Sinh và cs, 2021, phân tích các đợt mẫu nước mặt cho thấy các chỉ tiêu hóa lý như pH, độ muối, ôxy hòa tan và các muối dinh dưỡng đều nằm trong giới hạn cho phép, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, nước mặt tại một số điểm lấy mẫu có độ đục cao và độ cứng lớn, chủ yếu do đặc điểm đặc trưng tại địa phương với địa hình karst đá vôi và nguồn nước chủ yếu là nước mưa chảy qua các suối tự nhiên rồi chảy về hồ nước ngọt trung tâm của xã đảo. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu vi sinh như Coliform đều trong giới hạn an toàn, không phát hiện dấu hiệu ô nhiễm. Nhìn chung, chất lượng nước mặt cơ bản đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch, nhưng vẫn cần các giải pháp xử lý độ đục, độ cứng để bảo đảm nguồn nước ổn định, nâng cao trải nghiệm cho người dân và du khách.
* Chất lượng môi trường đất của xã đảo
Cũng theo Lê Xuân Sinh và cs, 2021, Kết quả phân tích mẫu đất tại xã Việt Hải cho thấy đất nông nghiệp chủ yếu thuộc loại cát dính và cát pha, rất thuận lợi cho các loại cây trồng như khoai, lạc và các cây họ đậu. Hàm lượng một số kim loại nặng (Cu, Pb, Cd, Zn, Hg, As) đều thấp hơn quy chuẩn cho phép đối với đất nông nghiệp nhiều lần, chỉ ra nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng trong đất tại đây được đánh giá là thấp Đặc tính đất cát này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng phù hợp với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.
* Chất lượng môi trường biển của xã đảo
Chất lượng môi trường biển tại vịnh Lan Hạ (tại khu vực của xã Việt Hải) nhìn chung đáp ứng tiêu chuẩn về các chỉ tiêu hóa lý (Lê Xuân Sinh và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, mật độ Coliform tại một số điểm dao động từ 0 – 240 CFU/100ml, có nơi vượt giới hạn cho phép, cho thấy nguy cơ ô nhiễm cục bộ đối với yếu tố vi sinh trên (Lê Xuân Sinh và cộng sự, 2021). Nguyên nhân có thể do nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản và tàu du lịch xả thải, nhất là vào mùa cao điểm. Vì vậy, cần kiểm soát nghiêm ngặt nguồn xả thải và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển trong cộng đồng và các đơn vị khai thác du lịch, nhằm đảm bảo môi trường biển sạch, an toàn, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại xã Việt Hải.
* Hiện trạng quản lý và xử lý chất thải
Hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn: Tại xã đảo Việt Hải, chất thải rắn chủ yếu phát sinh từ sinh hoạt của 88 hộ dân (270 người) cùng một lượng khách du lịch nhỏ (trung bình khoảng 20 người/ngày). Số liệu cập nhật đến năm 2024, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại xã đảo trung bình ước đạt 89 kg/ngày với nhiều thành phần khác nhau (xem thêm ở Bảng 1), trong đó 50% được thu gom để đưa ra bãi chôn lấp (bãi rác tạm), phần còn lại được phân loại tái chế, làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ phân hữu cơ. Nhờ đó, lượng chất thải đưa ra bãi chôn lấp khoảng 45 kg/ngày. Qua khảo sát thực địa kết hợp với đánh giá, hoạt động phân loại rác tại nguồn ở xã đảo Việt Hải được thực hiện tương đối hiệu quả, với gần 98% vỏ lon, chai nhựa được thu gom để bán hoặc tái chế. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phân loại rác triệt để hơn đồng thời triển khai mô hình xử lý chất thải rắn hữu cơ tại hộ gia đình, lượng rác thải phải đem đi chôn lấp sẽ giảm đáng kể, từ đó góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh du lịch xanh, bền vững cho xã Việt Hải.
Bảng 1. Khối lượng và thành phần CTRSH tại xã Việt Hải năm 2024
TT |
Thành phần CTRSH |
Tỷ lệ (%) |
---|---|---|
1 |
Thực phẩm thừa (cơm, thức ăn, rau củ, trái cây…) |
65,10 |
2 |
Chất thải vô cơ khó tái chế: thủy tinh, gốm sứ, mảnh sành, vỏ ốc, đá vụn và gạch vỡ… |
15,50 |
3 |
Chất thải vô cơ tái chế (giấy, bìa carton, chai nhựa, ống nhựa, kim loại…) |
8,30 |
4 |
Nilon, bao bì sản phẩm (xốp, nilon) |
7,90 |
5 |
Rác thải vườn (cỏ, lá rụng, cành cây, hoa héo, quả rụng, thân cây mục, rễ cây nhỏ, vỏ cây …) |
3,20 |
|
Tổng cộng |
100 |
Nguồn: KC.08.09/16-20
Hiện trạng quản lý và xử lý nước thải: nước thải tại xã đảo Việt Hải chủ yếu phát sinh từ 88 hộ dân với hai dòng chính: nước đen (nhà vệ sinh) và nước xám (từ bếp, tắm giặt) (Lê Xuân Sinh và cs, 2021). Số liệu thống kê cho thấy có 45/88 hộ đã kết nối vào tuyến rãnh chung dài khoảng 1 km, song hệ thống này gom cả nước mưa lẫn nước thải. Nước đen trước khi vào rãnh được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại 2–3 ngăn; ngược lại, nước xám và nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý, được xả thẳng vào cống chung hoặc chảy tự do ra ruộng, mương và đất trống - tình trạng này đang xảy ra ở hơn 30 hộ. Việc chưa tách riêng đường ống nước mưa và nước thải cùng tỷ lệ hộ chưa thu gom cao làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và ngầm. Để nâng cao hiệu quả, cần mở rộng mạng lưới thu gom, phân tách nước mưa - nước thải, cải tạo bể tự hoại và triển khai xử lý nước xám ngay tại hộ gia đình.
3.3. Các tác động của phát triển du lịch đến môi trường xã đảo Việt Hải
* Tác động tiêu cực
Sự gia tăng đột biến lượng khách du lịch vào mùa cao điểm tại xã đảo Việt Hải đã và đang gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có. Năng lực cấp nước, cung ứng điện, thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định, khó đáp ứng được nhu cầu tăng cao đột ngột và tập trung trong thời gian ngắn. Hệ quả là tình trạng quá tải hạ tầng dễ dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, mất điện cục bộ, rác thải tồn đọng và nước thải không được xử lý triệt để, làm suy giảm chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách. Những ảnh hưởng này không chỉ làm giảm mức độ hài lòng mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh điểm đến du lịch thân thiện, bền vững mà xã đảo đang hướng tới.
Ngoài ra, các vấn đề môi trường còn trực tiếp đe dọa đến chất lượng các thành phần môi trường tự nhiên – nền tảng quan trọng của phát triển du lịch sinh thái. Tình trạng rác thải nhựa tồn lưu trên địa bàn xã đảo, hoạt động đốt rác thủ công và mùi hôi từ chăn nuôi gia súc đang ảnh hưởng đến mỹ quan và cảm nhận của du khách. Nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại một số điểm (đặc biệt là thông số vi sinh vật), nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến suy giảm chất lượng các bãi tắm, khu vực tham quan và vùng nuôi trồng thủy sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút du khách trong dài hạn.
Về phương diện kinh tế - xã hội, sự suy giảm chất lượng môi trường sẽ kéo theo rủi ro mất dần các lợi thế du lịch đặc thù như trải nghiệm thiên nhiên, không khí trong hành, hình ảnh đậm đà văn hóa Bắc Bộ – những yếu tố vốn được xem là điểm mạnh của Việt Hải. Khi du lịch giảm sức hút, nguồn thu nhập của người dân địa phương bị ảnh hưởng, cơ hội việc làm giảm sút và nguy cơ lệ thuộc vào các ngành truyền thống (đi rừng, khai thác thủy sản) kém bền vững gia tăng. Đồng thời, chi phí phục hồi môi trường, cải tạo cảnh quan sẽ ngày càng lớn, đe dọa đến hiệu quả đầu tư và làm giảm giá trị tổng thể của tài nguyên – môi trường cũng như bản sắc cộng đồng tại xã đảo.
* Tác động tích cực
Chất lượng môi trường không khí tại xã đảo Việt Hải hiện được đánh giá ở mức tốt, với các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép theo quy chuẩn quốc gia. Môi trường không khí trong lành, ít ô nhiễm đã trở thành một lợi thế đáng kể trong việc thu hút du khách, nhất là trong bối cảnh nhu cầu “du lịch nghỉ dưỡng”, “du lịch chữa lành” và tránh xa đô thị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Cảm nhận thực tế từ du khách cho thấy không khí dễ chịu, mát mẻ và không gian yên bình là những yếu tố được đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm và mức độ hài lòng đối với điểm đến. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng không khí tốt còn giúp định vị thương hiệu du lịch sinh thái của Việt Hải theo hướng “không gian sống lành mạnh”, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh so với các khu du lịch đại trà khác.
|
|
a) |
b) |
Hình 2. Cảnh quan thiên nhiên và không khí trong lành là thế mạnh để phát triển du lịch tại xã đảo Việt Hải
Nguồn: KC.08.09/16-20
Ngoài không khí trong lành, chất lượng đất nông nghiệp tại xã đảo Việt Hải cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ. Với đặc điểm là đất cát pha và cát dính, khu vực này rất phù hợp trồng rau màu, cây họ đậu và đặc biệt là khoai sọ Mùn Ốc – giống khoai bản địa có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, củ to, dẻo, thơm ngon và được du khách ưa chuộng. Lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng cùng với nguồn nông sản an toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp như tham quan vườn rau hữu cơ, homestay gắn với sản xuất và chế biến món ăn từ nông sản tại chỗ. Những hoạt động này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm địa phương mà còn mang đến trải nghiệm chân thực, hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là nhóm khách quốc tế và gia đình có trẻ nhỏ.
Tổng thể, chất lượng môi trường không khí và đất nông nghiệp tốt hiện nay đang đóng vai trò là nền tảng vững chắc để phát triển du lịch sinh thái bền vững tại xã đảo Việt Hải. Việc khai thác hợp lý các lợi thế này sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong ngành du lịch, đồng thời hỗ trợ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn sinh kế cho cộng đồng địa phương. Trong bối cảnh xu hướng du lịch toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng “xanh”, “chậm” và “bền vững”, xã đảo Việt Hải hoàn toàn có tiềm năng trở thành hình mẫu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường.
3.4. Các đề xuất giải pháp quản lý môi trường hướng đến phát triển du lịch bền vững tại xã đảo Việt Hải
* Tăng cường quản lý môi trường và điều chỉnh hành vi cộng đồng
Trên cơ sở áp dụng mô hình DPSIR, các phản hồi từ chính quyền địa phương, cộng đồng và các chủ thể kinh doanh du lịch tại xã đảo Việt Hải đang tập trung mạnh mẽ vào việc kiểm soát các nguồn phát thải và điều chỉnh hành vi cộng đồng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể như tổ chức phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại nguồn; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong các cơ sở lưu trú, nhà hàng; đồng thời phát động các chiến dịch làm sạch môi trường tại các tuyến du lịch trọng điểm do Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã đảm nhiệm. Ngoài ra, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều được lồng ghép với các mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường.
* Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng
Công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường tiếp tục là giải pháp trọng tâm, với các hình thức phong phú như truyền thông trên loa phát thanh địa phương, mạng xã hội, tổ chức tập huấn, sự kiện cộng đồng, nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến người dân, chủ cơ sở du lịch và du khách. Đồng thời, địa phương đã mở rộng hợp tác với các tổ chức trong nước nhằm tiếp nhận, chuyển giao các mô hình quản lý môi trường tiên tiến, từ đó từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp đa ngành. Đặc biệt, các nội dung này đã và đang được cụ thể hóa qua việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 24-NQ/HU ngày 26/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Chương trình hành động số 1878/CTr-UBND ngày 29/7/2022 của UBND huyện Cát Hải về phát triển du lịch Cát Bà đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, huyện Cát Hải đã phân công rõ trách nhiệm giữa các phòng ban chuyên môn, chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch. Đây là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để xã đảo Việt Hải đẩy mạnh các mô hình kinh tế xanh (tập trung vào thế mạnh du lịch), góp phần cùng các địa phương khác chung tay xây dựng thương hiệu “Cát Bà xanh”.
* Phát triển mô hình kinh tế xanh và du lịch sinh thái cộng đồng
Việc phát triển các mô hình kinh tế xanh đang được địa phương chú trọng, tiêu biểu là mô hình “Du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế bền vững” được triển khai từ năm 2018 và duy trì tới nay. Người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch với vai trò là chủ thể, vừa tạo sinh kế bền vững vừa đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường tự nhiên. Mô hình này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn nâng cao ý thức cộng đồng, giúp mỗi hộ dân trở thành một “đại sứ môi trường” trong phát triển du lịch.
* Giải pháp cải thiện và định hướng tương lai
Để tạo đột phá trong quản lý phát triển du lịch hài hòa với bảo vệ môi trường, xã đảo Việt Hải cần tiếp tục: (i) Một là, ưu tiên đầu tư, xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt phù hợp với đặc thù địa phương. Mô hình phân loại rác tại nguồn, ủ phân hữu cơ và công nghệ xử lý nước thải quy mô nhỏ, thân thiện môi trường cần được nhân rộng. (ii) Hai là, tăng cường kiểm soát hoạt động du lịch theo hướng bền vững, bao gồm: quy hoạch không gian du lịch phù hợp sức chịu tải, phân vùng khai thác, kiểm soát lượng khách và phát triển mô hình “du lịch không rác thải nhựa”. (iii) Ba là, thực hiện đánh giá định kỳ kết quả thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 24-NQ/HU và Chương trình hành động 1878/CTr-UBND nhằm kịp thời điều chỉnh các giải pháp chưa phù hợp; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường tại địa phương. (iv) Bốn là, đổi mới công tác truyền thông – giáo dục bảo vệ môi trường, gắn với khen thưởng, công nhận các mô hình tốt, sáng kiến xanh trong cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp trong triển khai các chương trình, dự án bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình DPSIR để phân tích hệ thống các mối quan hệ giữa phát triển du lịch và môi trường tại xã đảo Việt Hải, qua đó xác định các hoạt động du lịch sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng chất thải rắn sinh hoạt, ô nhiễm nguồn nước, quá tải hạ tầng khi chưa có nhiều giải pháp quản lý hiệu quả. Điều này dẫn đến tác động tiêu cực đến cảnh quan, sức hấp dẫn du lịch và tiềm ẩn rủi ro cho hệ sinh thái cũng như sinh kế cộng đồng. Một số giải pháp tập trung vào quản lý chất thải và nâng cao nhận thức đã được triển khai. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển bền vững, nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp đồng bộ và đột phá hơn, bao gồm ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng môi trường, tăng cường quản lý hoạt động du lịch dựa trên tính toán số lượng khách du lịch tối đã, gắn các hoạt động liên ngành để nâng cao hoạt động bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu không chỉ cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển du lịch hài hòa với bảo vệ môi trường tại Việt Hải mà còn đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho các vùng đảo ven bờ khác của Việt Nam.
Lời cảm ơn: Nhóm tác giả xin bày tỏ lời cảm ơn tới đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16-20” và Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá vai trò, thực trạng của hệ sinh thái gò, đồi ngầm và đề xuất giải pháp duy trì, phục hồi hệ sinh thái vùng biển ven bờ Bắc Trung bộ” (mã số ĐTĐLCN.78/22) đã hỗ trợ thực hiện nghiên cứu này.
Trần Thanh Hùng1, Lê Xuân Sinh2,3, Nguyễn Văn Bách3, Bùi Thị Minh Hiền3,
Đào Thị Ánh Tuyết2,3, Nguyễn Văn Quân3, Đinh Văn Huy4, Lê Hải Anh4
1 Trung tâm Quan trắc môi trường, địa chất, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa
2Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm
khoa học và công nghệ Việt Nam
3Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam
4Viện nghiên cứu môi trường biển Xanh, Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO