Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Xã hội hóa đầu tư nước sạch - Cơ hội và thách thức

22/04/2021

     Ngày 22/4/2021, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Xã hội hóa đầu tư nước sạch - Cơ hội và thách thức, với sự tham dự của Lãnh đạo các cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp… Đây là dịp để các cơ quan chức năng lắng nghe ý kiến và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khi đầu tư vào ngành nước.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Tọa đàm

     Hiện nay, nước sạch là vấn đề then chốt của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư thêm nhiều nhà máy nước sạch để phục vụ nhu cầu người dân, tuy nhiên, theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư được sử dụng nguồn nước sạch, nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung. Gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đang tích cực tham gia đầu tư xây dựng, vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện có nhiều nhà máy nước sạch do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Song, thực tế cho thấy, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức về công nghệ, năng lực, quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước còn thiếu và yếu; chi phí đầu tư lớn; việc đấu thầu các dự án xây dựng nhà máy nước sạch ở một số địa phương còn nặng tính xin - cho; cơ chế quan liêu, độc quyền… khiến doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực, muốn đầu tư nhưng không thể tiếp cận dự án về nước sạch.

     Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nước sạch được coi là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Đã từng có thời gian, các công ty cấp nước sản xuất và kinh doanh một sản phẩm độc quyền mặc nhiên, lại ít có sự cạnh tranh và đào thải, dẫn đến ngành nước chậm thay đổi và thường bị xếp vào nhóm những ngành nghề kém áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, cùng với xu thế mở cửa và chính sách cổ phần hóa,  thời gian qua, ngành nước cũng đã có nhiều thay đổi. Nhiều công ty nước sạch của Nhà nước được cổ phẩn hóa như Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)… Hơn nữa, hệ thống pháp luật được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước, vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng cho rằng, để giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước cũng như nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho cộng đồng, thời gian tới, Việt Nam cần triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách về nước sách; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện dịch vụ về nước; phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt… 

Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT phát biểu

     Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung thảo luận một số nội dung: Thực trạng ngành nước và vệ sinh môi trường ở Việt Nam, đánh giá lợi ích các dự án công nghệ nước sạch hiện nay; giải pháp về cơ chế, đầu tư, hợp tác công - tư, liên ngành, quy hoạch; nhu cầu tháo gỡ độc quyền và thu hút đầu tư xã hội từ đòi hỏi thực tế cũng như kinh nghiệm quốc tế. Các đại biểu kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát độc lập, thường xuyên để bảo đảm tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân, xã hội, đồng thời nêu cao tinh thần đạo đức trong kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được an toàn trong sử dụng.

     Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, để bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, phát triển, trước hết cần công bố thông tin về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương. Cùng với đó, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở để nhà đầu tư và người dân đều có thể truy cập. Hơn nữa, cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải; có cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng, minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có cả năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng, tăng lãng phí xã hội.

Toàn cảnh Tọa đàm

     Về cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực xã hôi trong đầu tư công trình cấp nước và kinh doanh nước sạch, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Việt Nam đã có nhiều quy định liên quan đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong việc kinh doanh nước sạch. Cụ thể, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP quy định về việc sản xuất, kinh doanh nước sạch. Bên cạnh đó, Luật đầu tư theo phương pháp đối tác công tư (PPP) có nói đến lĩnh vực nước sạch là lĩnh vực được ưu tiên. Đặc biệt, mới đây, Chính phủ  đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh nước sạch, trong đó giao Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Quản lý sản xuất, kinh doanh nước sạch và dự kiến sẽ trinh Quốc hội vào năm 2022.

     Trong lĩnh vực TN&MT, Luật Quản lý tài nguyên nước quy định, nước phục vụ mục đích sinh hoạt được ưu tiên hàng đầu, được ưu đãi về vốn để đầu tư những công trình cấp nước sinh hoạt và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả. Năm 2017, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định quy định cụ thể các trường hợp được ưu đãi về nguồn vốn vay đầu tư, sử dụng đất với các hoạt động xây dựng công trình trữ nước quy mô từ 500 m khối trở lên, hoặc với quy mô hộ gia đình từ 10 m khối trở lên, sẽ được ưu đãi về nguồn vốn đầu tư và sử dụng đất. Hiện tại, thực hiện nhiệm vụ do Bộ TN&MT giao, Cục Quản lý tài nguyên nước đang nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý tài nguyên nước. Theo đó, nội dung về xã hội hóa trong cấp nước nói riêng và các nội dung về điều tra cơ bản tài nguyên nước để có số liệu minh bạch phục vụ công tác quản lý cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất nước sạch sẽ được quy định được quy định đầy đủ, rõ ràng.

Bùi Hằng

 

Ý kiến của bạn