21/01/2025
Năm 2024 đã qua đi trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu (BĐKH), suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường tiếp diễn, ngày càng trở nên bức xúc trên toàn cầu. Các quốc gia trên thê giới ngày càng quan tâm thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp.
Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt 7,09%, là mức cao trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với BĐKH, thiên tai, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là cơn bão Yagi đã để lại thiệt hại hết sức nặng nề. Trong bối cảnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước, làm cơ sở, tiền đề cho năm 2025 và các năm 2026-2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ngành Tài nguyên và Môi trường
1. Những kết quả nổi bật của ngành trong năm 2024
Với chủ trương “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá”, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực TN&MT cho tương lai bền vững, trong năm 2024, ngành TN&MT đã đạt được nhiều kết kết quả nổi bật:
Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Kết luận tiếp tục nhấn mạnh coi thích ứng với BĐKH và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất. Đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết mới về BĐKH và BVMT trong nhiệm kỳ tới.
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được tập trung thực hiện, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất. Nổi bật nhất là Luật Đất đai, Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua, trong đó Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng, kể từ ngày 1/8/2024. Hệ thống văn bản hướng dẫn các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, BĐKH cũng đã và đang được xây dựng, ban hành. Các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành cũng đã được phê duyệt, trong đó bao gồm cả những quy hoạch mang tính chất nền tảng như Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia. Qua đó tạo lập hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT.
Chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp để đảm bảo tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế, thông tin, số liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước. Ngành đã trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025; phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030. Triển khai thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước; Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa. Tiếp tục triển khai các đề án điều tra, đánh giá cát, cuội, sỏi lòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm); phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Thúc đẩy Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; thực hiện giao khu vực biển theo quy định của pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; hướng dẫn thiết lập, xác định danh mục, xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.
Bộ TN&MT đã ban hành danh mục địa danh các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm trên vùng biển, là cơ sở khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, phát triển nông nghiệp, quản lý, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, giám sát về môi trường biến động diện tích đất rừng, biển, hải đảo, các khu vực có nguy cơ sạt lở, giám sát khai thác mỏ trái phép.
Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác BVMT ngày càng được nâng cao. Các văn bản hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã được sửa đổi; Quy hoạch BVMT quốc gia, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã được ban hành. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường được thực hiện mạnh mẽ. Tập trung chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Duy trì đường dây nóng về ô nhiễm môi trường phản ánh về ô nhiễm môi trường trên cả nước. Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải; ban hành quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy các biện pháp xử lý không chôn lấp; giảm thiểu rác thải nhựa. Công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên tiếp tục được triển khai; số lượng các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn có danh hiệu quốc tế, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở nước ta tiếp tục gia tăng.
Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các chiến lược, kế hoạch về ứng phó BĐKH, chuyển đổi năng lượng công bằng. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là cơn bão số 3, có cường độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn trong nhiều năm trở lại đây. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon; Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật). Ngành đã tích cực tham gia hoàn thiện Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải. Ngành đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn (KTTV), dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là Cơn bão số 3 (YAGI). Hạ tầng, công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đầu tư, hiện đại hóa; độ tin cậy trong dự báo, cảnh báo thiên tai (áp thấp nhiệt đới, bão, lũ...) ngày càng tăng lên; công nghệ dự báo KTTV nằm trong nhóm các nước dẫn đầu Đông Nam Á và dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở châu Á.
Nhìn chung, mặc dù vẫn còn những hạn chế về chính sách, pháp luật, về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất, về lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, bất cập trong ứng phó với BĐKH và thiên tai; tuy nhiên, năm 2024 có thể coi là năm thành công về thể chế, chính sách của ngành TN&MT với việc Luật Đất đai, Luật Địa chất và khoáng sản được ban hành. Cùng với Luật Tài nguyên nước 2023, Luật BVMT 2020 và hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, đã tạo lập hệ thống thể chế đồng bộ; làm cơ sở cho việc quản lý hiệu quả trong hời gian tới.
2. Định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, các cấp, các ngành nỗ lực triển khai hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Đảng ta chủ trương thực hiện cuộc cách mạnh sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu quả của tổ chức, bộ máy quản lý. Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời trong phản ứng chính sách để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh; đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế; tổ chức lập và triển khai thực hiện các quy hoạch; tiếp tục đề xuất các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ việc sáp nhập Bộ TN&MT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ mới và các cơ quan chuyên môn ở các địa phương bảo đảm tiến độ, mục tiêu theo yêu cầu.
Thứ hai, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế tạo đột phá thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, BVMT, ứng phó với BĐKH và thiên tai để thúc đẩy phát triển bền vững. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai đồng bộ, đầy đủ, toàn diện các quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, Luật BVMT năm 2020. Tổng kết thi hành và đề xuất sửa đổi Luật Khí tượng Thủy văn năm 2015; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Triển khai các nhiệm vụ thực hiện công tác giám sát tối cao của Quốc hội Khóa XV về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT kể từ khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu TN&MT với hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các địa phương, Bộ, ngành; phục vụ tích hợp, phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Ưu tiên xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu.
Thứ tư, tổ chức thực hiện tốt các đề án, nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giao chỉ tiêu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong kế hoạch hành động của ngành thực hiện các Nghị quyết: số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ để thống nhất triển khai, tạo được sự chuyển biến từ Trung ương tới cơ sở. Tăng cường kỷ luật ngân sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; định kỳ kiểm điểm đánh giá tiến độ thực hiện từng nhiệm vụ để có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Thứ năm, tăng cường thực thi chính sách, pháp luật. Xác định sớm nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc; đặc biệt là các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo lập hành lang pháp lý, cơ sở sở dữ liệu để thực hiện cung cấp dịch vụ công nhất là trong lĩnh vực đất đai cho người dân.
Thứ bảy, tăng cường chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế; tham gia tích cực vào các nỗ lực chung toàn cầu về BVMT, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết ô nhiễm nhựa. Đẩy mạnh tham gia các sáng kiến quốc tế và khu vực về TN&MT; nâng tầm ngoại giao môi trường, khí hậu nhằm thu hút nguồn lực, tri thức và kinh nghiệm phục vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN&MT, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Thứ tám, phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới; phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao; tăng cường hình thức đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề mới đặt ra; đảm bảo hiệu quả, ứng dụng của các nghiên cứu, vận hành, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với thực tiễn quản lý TN&MT.
Thứ chín, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thay đổi hành vi của từng người dân, tổ chức, tạo sự chuyển biến của toàn xã hội trong quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH.
TS. Nguyễn Trung Thắng
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2025)