Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài giai đoạn 2010 - 2020

05/05/2021

     Ngày 28/4/2021, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp Hội đồng xét chọn Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài giai đoạn 2010 – 2020. Cuộc họp đã đánh giá hồ sơ và tiến hành chọn ra những hồ sơ xuất sắc nhất để đề xuất vinh danh trong sự kiện Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay (22/5/2021).

     Tham dự Cuộc họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; đại điện của các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn loài như GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng Đa dạng sinh học của ASEAN.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp

     Với mong muốn vinh danh các tổ chức, cá nhân; nhân rộng các điển hình có nhiều thành tích cho công tác bảo tồn, đồng thời hướng đến kỷ niệm thập niên về đa dạng sinh học, vào tháng 10/2020, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ giới thiệu Chương trình Vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020. Sau khi phát động, Chương trình đã nhận được nhiều hồ sơ từ các cá nhân, tổ chức làm việc trong lĩnh vực bảo tồn loài. Nhiều loài động vật, thực vật được nghiên cứu, phát hiện lần đầu cho khoa học và công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI. Điều này đã góp phần tạo nên một thập kỷ đa dạng sinh học rực rỡ với những nghiên cứu, phát hiện loài mới và sáng kiến, giải pháp bảo tồn hiệu quả.

Bọ cạp Vietbocap quinquemilia được phát hiện năm 2018

     Trong hàng nghìn loài động vật, thực vật được phát hiện và được quốc tế công nhận, có nhiều loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư… được xếp loại cực kỳ nguy cấp, cần được ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã tìm ra các loài đặc hữu chỉ có tại Việt Nam. Có thể kể đến một số loài như bọ cạp Euscorpiopsis cavernicola (Động Hua Mạ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và Vietbocap thienduongensis (Động Thiên đường, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Ngoài ra, những loài cây quý như Mộc Hương (Aristolochia), chi Arachniodes... cũng được nghiên cứu về mối quan hệ phát sinh loài và tiến hóa nhằm phục vụ ứng dụng thực tiễn. Thông qua các nghiên cứu, nhiều loài thực vật có giá trị trong y học, sản xuất được định danh và có phương án bảo tồn hợp lý.

Loài Arachniodes daklakensis, phát hiện năm 2018

     Song hành với nghiên cứu phát hiện loài, Chương trình cũng ghi nhận nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài. Đầu tiên phải kể đến nỗ lực sinh sản, nhân nuôi bảo tồn thành công loài gà Lôi Lam mào trắng - một loài chim đặc hữu quí hiếm của Việt Nam. Ngoài ra, việc ghép đôi sinh sản chim Cao cát bụng trắng cũng đã thành công, phục vụ công tác giáo dục môi trường và bảo tồn loài này trong tương lai.

     Tại cuộc họp, Hội đồng xét chọn cho rằng, hầu hết các hồ sơ gửi đến đều tuân thủ đúng thể lệ và có sự chuẩn bị công phu. Các hồ sơ đều được đánh giá trên cơ sở tiêu chí xét chọn tại thể lệ đã ban hành, đồng thời được lấy ý kiến tất cả chuyên gia trong Hội đồng, đảm bảo sự minh bạch, công bằng. Theo đó, kết quả làm việc của Hội đồng xét chọn sẽ được trình Bộ trưởng Bộ TN&MT cho ý kiến và quyết định. Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc nhất sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Hy vọng rằng, với tinh thần đam mê nghiên cứu và cống hiến hết mình cho công tác bảo tồn loài, các cá nhân, tổ chức sẽ tiếp tục có những đóng góp hiệu quả cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam.

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn