Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Việt Nam tích cực, chủ động thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

28/05/2021

    Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái (HST) tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. ĐDSH ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm… Ngoài ra, ĐDSH còn là nguồn cảm hứng văn hoá nghệ thuật và gắn liền với đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ hàng nghìn đời nay. Do đó, ĐDSH vẫn là giải pháp quan trọng, một lựa chọn cho phát triển bền vững.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới

Chúng ta là một phần của giải pháp # Vì thiên nhiên

     HST đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, ôxy, nguồn nước, thức ăn, thuốc men... Ngoài ra, các HST còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của loài người đã làm cho các HST trên toàn thế giới bị suy thoái. Theo Báo cáo đánh giá về ĐDSH và dịch vụ HST toàn cầu của Diễn đàn liên Chính phủ về ĐDSH và dịch vụ HST (Báo cáo IPBES) được xây dựng năm 2019, ĐDSH có tầm quan trọng với con người, cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Song, 14 trong 18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. HST rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015. 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao trong đó nhóm loài có tỷ lệ % số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá.

    Con người là một phần không tách rời của thiên nhiên, là đứa con vừa mạnh mẽ nhưng có lúc cũng thật nhỏ bé trước Mẹ Thiên nhiên. Do đó, con người phải dựa vào thiên nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên (thuận thiên), sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên và cùng chung tay (với các mảnh ghép khác của thiên nhiên) bảo vệ thiên nhiên, môi trường, cũng là bảo vệ chính chúng ta. Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm nay có chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp # Vì thiên nhiên”, tiếp nối chủ đề của năm 2020 “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” trong chuỗi nhận thức và hành động để bảo vệ thiên nhiên, môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Thông điệp này cũng nhằm hưởng ứng tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi HST” cho các nỗ lực trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn, đảo ngược tình trạng suy thoái của các hệ sinh thái và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của HST với cuộc sống của con người.

   Để hưởng ứng sự kiện này, ngày 14/5/2021, Bộ TN&MT đã có Công văn số 2298/BTNMT-TTTMT gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ đề, thông điệp hưởng ứng Ngày Quốc tế ĐDSH và Ngày Môi trường thế giới năm 2021.

     Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp về: Nghiên cứu và áp dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận HST trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận HST trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 8/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; Phục hồi các HST bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen. Đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các HST; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi HST như: trồng cây xanh; thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản…

    Hiện nay, do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, vì thế Bộ TN&MT yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng. Có thể, tổ chức hội thảo, tọa đàm theo hình thức trực tuyến với các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi HST, bảo tồn ĐDSH…); Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế (Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần…); Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; Khuyến khích treo băng rôn, panô, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc; Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT, bảo tồn ĐDSH…

Một số giải pháp, định hướng nhằm chủ động bước vào “Thập kỷ phục hồi HST”

     Cùng với thế giới nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu và ĐDSH, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước, Việt Nam đã tích cực tham gia cam kết toàn cầu hành động vì thiên nhiên “Đoàn kết để đảo ngược mất ĐDSH đến năm 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững” do Nguyên thủ và Lãnh đạo Chính phủ các nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về ĐDSH năm 2020 cũng như tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ về phục hồi HST 2021 - 2030. Việt Nam cũng đã và đang chủ động thực hiện lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như Công ước ĐDSH trong việc phục hồi hệ sinh thái ở nhiều cấp độ khác nhau.

    Thứ nhất, ở cấp toàn cầu, Việt Nam đang tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Khung Chiến lược ĐDSH toàn cầu sau 2020 (GBF) mà Ban thư ký Công ước ĐDSH đang dự thảo và dự kiến thông qua tại Hội nghị các bên liên quan tham gia Công ước ĐDSH vào cuối năm 2021. Trong đó, chú trọng đến các mục tiêu, hoạt động ưu tiên nhằm phục hồi các HST.

    Là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước (Ramsar) từ năm 1989, đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng hiệu quả vùng đất ngập nước (ĐNN) để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên. Cụ thể, đã đề cử thành công 9 khu ĐNN với tổng diện tích 120.549 ha; quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn ĐNN. Trong hai năm 2019 - 2020, Việt Nam đã thành lập 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên ĐNN theo quy định của Luật ĐDSH. Việc công nhận, bảo tồn các vùng ĐNN góp phần thu hút sự chú ý của quốc tế và quốc gia trong công tác bảo tồn, đồng thời tăng cường nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước nói chung và các khu Ramsar nói riêng, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong, ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

    Thứ hai, ở cấp khu vực, Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình vào dự thảo tuyên bố chung của ASEAN đóng góp cho dự thảo GBF cũng như tham gia vào các chương trình, dự án về phục hồi HST, giảm thiểu các áp lực lên ĐDSH tại các khu bảo tồn, các khu vườn di sản (AHP) của khu vực ASEAN.

  Thứ ba, ở trong nước, nhiều sáng kiến, chương trình, đề án đang được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm đóng góp vào việc phục hồi HST. Tiêu biểu là Đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm góp phần BVMT sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

    Trong giai đoạn vừa qua, Bộ TN&MT được Chính phủ giao chủ trì triển khai Dự án “Hành lang bảo tồn ĐDSH Tiểu vùng Mê Công mở rộng”. Thông qua Dự án, hành lang ĐDSH tại các địa điểm triển khai đã được kết nối sinh cảnh, bảo đảm duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu; tăng cường chất lượng các HST, góp phần duy trì độ che phủ rừng, phát huy trách nhiệm của các chủ rừng, đặc biệt là cộng đồng; thí điểm việc lồng ghép các nội dung quản lý hành lang ĐDSH vào các chính sách hiện có, đề xuất cơ chế chính sách mới về hành lang ĐDSH; cải thiện sinh kế cộng đồng để tăng thu nhập người dân.

     Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021, đề ra các mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp chiến lược nhằm cải thiện và phục hồi các HST, bảo vệ các loài và nguồn gen quý hiếm, phát huy hiệu quả lợi ích của các dịch vụ HST phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Trong đó, vấn đề phục hồi các HST đang được xem là một trong những nội dung trọng tâm của giai đoạn tới. Các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện của Dự thảo Chiến lược này bao gồm: Điều tra, đánh giá xác định các HST đang bị suy thoái; Triển khai các biện pháp phục hồi ĐDSH và dịch vụ HST của các khu vực bị suy thoái, đặc biệt là các di sản thiên nhiên; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong phục hồi và phát triển các HST tự nhiên, đảm bảo duy trì các dịch vụ HST tự nhiên phục vụ bền vững lợi ích của con người.

     Với những định hướng, giải pháp nêu trên, Việt Nam đã thực sự tích cực, chủ động trong việc thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về Thập kỷ phục hồi HST 2021 - 2030.

Đỗ Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2021)

Ý kiến của bạn