Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Từ Hội nghị văn hóa toàn quốc, tản mạn về văn hóa môi trường

01/12/2021

    Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021 đúng vào ngày cách đây 75 năm 24/11/1946, khi mà từ đây, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ sau Hội nghị năm 1945, “văn hóa đã “hóa kháng chiến”, văn hóa đã “hóa kinh tế”, góp phần làm nên “một thiên sử vàng” lập lại hòa bình ở đất nước ta. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Đến nay, trên thế giới có tới gần 200 định nghĩa khác nhau về Văn hóa”. Theo “nghĩa hẹp: thì văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người,...). Như vậy, đạo đức cũng thuộc nội hàm của phạm trù văn hóa và cách ứng xử với môi trường thiên nhiên cũng cần có văn hóa.

    Người viết bài này có lần đọc được trong một tài liệu, có một học giả đã định nghĩa về văn hóa. Đó là: văn hóa là trình độ Người của một con người, là trình độ Người của một dân tộc (chữ Người được viết Hoa theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của nó). Điều này đồng nghĩa với quan điểm của Đảng ta đã nhất quán khẳng định: “Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững;...”.

    Trước, trong và sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, chưa thấy có ý kiến nào đề cập văn hóa môi trường hay vấn đề xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nước ta hiện nay chi phối, tác động như thế nào đối với công tác BVMT hiện nay và cho mai sau. Thế nhưng, văn hóa môi trường đã có và tồn tại một cách rất cụ thể, sinh động ở nước ta mấy chục năm qua. Dân tộc ta rất có may mắn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là lãnh tụ tiêu biểu, hội tụ những tinh hoa của nhân loại và của dân tộc ta về đạo đức môi trường: “Bác sống như trời đất của ta Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/Sữa để em thơ, lụa tặng già” (thơ Tố Hữu). Ngay từ năm 1923, nhà báo, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã tiên đoán rất tài tình rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. “Nền văn hóa của tương lai” phải chăng đó là văn hóa môi trường? Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước trong đó có nhiệm vụ diệt giặc dốt để nâng cao dân trí. Tháng 3/1947, khi đất nước ta vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, gian lao mà anh dũng, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”, trong đó có vấn đề nổi lên là vệ sinh, BVMT sống của mỗi người, mỗi gia đình. Trong suốt những năm sống ở núi rừng Việt Bắc hay sau khi hòa bình về sống trong ngôi nhà sàn giản dị ở Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ luôn luôn thể hiện là con người sống hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên, coi môi trường sống xung quanh là một phần cuộc sống của mình. Ngay sau khi hòa bình lập lại, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây và chủ trương “trồng cây”, “trồng người” xuyên suốt những năm Bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cho cả đến lúc trước khi Người “đi xa”. Ngày nay, việc cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là trong đó nhất thiết phải học cách ứng xử của Người đối với cỏ cây, hoa lá, với môi trường sống xung quanh. Đó chính là những biểu hiện rất cụ thể, sâu sắc về văn hóa môi trường. Bác Hồ đã từng nói rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Suốt đời, Bác Hồ là tấm gương sáng về văn hóa môi trường để đồng bào, đồng chí noi theo.  

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021

    Nếu như công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” thì từ lâu, Bác Hồ coi đạo đức là “gốc” của người cán bộ cách mạng. Người có đạo đức cách mạng thì có lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên sẽ rất khác đối với những người không được giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Phẩm chất đạo đức là tiêu chí chính để phân biệt giữa con người với các sinh vật khác cùng chung sống trong hành tinh xanh của chúng ta. Do vậy, nói đến văn hóa môi trường tức là cách ứng xử của những người có văn hóa (khác với học vấn) với môi trường thiên nhiên, với các sinh vật xung quanh. Điều này có thế chưa hình dung cụ thể rõ ràng, nhưng dứt khoát, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ là nền tảng, có tác động tích cực, hiệu quả đến công tác BVMT để đất nước phát triển bền vững. Vậy nội hàm của văn hóa môi trường là gì? Hiện nay, khái niệm văn hóa môi trường đang còn chưa phổ biến trong xã hội cũng như trong các văn bản pháp quy của Đảng, Nhà nước ta. Do vậy, phải chăng, nội dung cốt lõi của văn hóa môi trường chính là đạo đức cán bộ, trong đó có nội dung liên quan đến đạo đức môi trường.

    Vấn đề đạo đức của cán bộ cách mạng đã được đưa ra từ lâu, ngay cả khi Đảng ta còn chưa ra đời và quá quen thuộc và được nhắc đi nhắc lại trong nhiều văn bản. Vậy đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong những năm qua liên quan gì đến vấn đề BVMT và nó có ảnh hưởng thế nào đến công tác BVMT? Trong thực tế những năm quá, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên... có người trình độ học thức cao, người có trình độ học vấn thấp, tuy nhiên điều này không tỷ lệ thuận với ý thức xã hội nói chung và ý thức BVMT nói riêng. Thực tế là, trong những năm qua, chúng ta có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần tự giác, trách nhiệm quản lý, BVMT, vì vậy nhận thức của người dân về công tác này từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, giữa nhận thức và việc làm không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với nhau. Trong những năm qua và hiện nay, môi trường tự nhiên vẫn tiếp tục bị xuống cấp, rừng ở nhiều nơi tiếp tục bị triệt hạ không thương tiếc, nhiều khu công nghiệp, làng nghề và nhiều hộ gia đình vì lợi ích nhóm, chạy theo đồng tiền, nhiều khi chỉ vì “miếng cơm manh áo mà họ bất chấp những tổn thất vô cùng to lớn về môi trường cho hôm nay và các thể hệ mai sau mà có những hành động vô tình hay cố ý tàn phá, hủy hoại môi trường. Một trong những nguyên nhân cơ bản, mấu chốt liên quan đến trách nhiệm quản lý, đến nhận thức, thói quen văn hóa, đạo đức môi trường của một bộ phận cán bộ quản lý, đơn vị…

    Hiện nay, văn hóa môi trường và đạo đức môi trường vẫn là vấn đề mới, chưa được quan tâm rộng rãi hay thảo luận trên các diễn dàn, thậm chí khái niệm “văn hóa môi trường”, “đạo đức môi trường” còn chưa có trong từ điển hay các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, không phải chờ đến khi xã hội thừa nhận có đạo đức môi trường rồi mới đi tìm nội hàm. Trong khi đó, vấn đề môi trường vẫn đang nóng bỏng, bức xúc hằng ngày ở nhiều nơi trên đất nước ta. Do đó, cần thiết có những quy định của Đảng, Nhà nước về văn hóa, đạo đức môi trường của cán bộ, đảng viên, trong đó có những người đứng đầu, cần gương mẫu rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, góp phần mình vào công tác giữ gìn, BVMT. Quán triệt và thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, nên chăng, lĩnh vực BVMT trong thời gian tới tập trung vào một số vấn đề mấu chốt sau đây:

    - Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - một tấm gương sáng về đạo đức môi trường. Do vậy, việc học tập, làm theo lối sống giản dị, tiết kiệm, sống hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ sẽ chính là những yếu tố rất cơ bản, quan trọng, cụ thể về văn hóa, đạo đức môi trường. Cần có những chuyên đề nghiên cứu sâu về văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh.

    - Giữ gìn, phát huy những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, trong đó có bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là một biện pháp xây dựng, nâng cao đạo đức môi trường cho cán bộ, đảng viên, cộng đồng xã hội. Cũng cần lưu ý rằng, người có trình độ văn hóa sẽ có ý thức tốt hơn trong tác phong, lối sống giữ gìn, BVMT. Ở đây cần phân biệt trình độ học vấn với trình độ văn hóa. Người có trình độ học vấn cao không phải lúc nào, ở đâu cũng có ý thức tốt về giữ gìn, BVMT.

    - Gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương có rất nhiều quy định trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, gương mẫu trong giữ gìn phầm chất đạo đức, lối sống, quy định những điểu đảng viên không được làm, quy định miễn nhiệm, cho từ chức đối với những người đứng đầu để cấp dưới sai phạm, vi phạm kỷ luật, công tác kiểm tra, giám sát... Tuy nhiên, chưa có quy định rõ trong những sai phạm, khuyết điểm, tắc trách về công tác BVMT cũng như về thực hiện văn hóa BVMT. Do vậy, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, nhất là khi các cơ quan chức năng ban hành các quy định thực hiện Luật BVMT, cần quan tâm hơn nữa, ban hành các quy định về văn hóa, đạo đức, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác BVMT. Trước hết, trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, phải là những người gương mẫu trong rèn luyện tác phong, “lối sống xanh”, hòa hợp, thân thiện với thiên nhiên, BVMT nơi công tác, nơi cư trú và trong mỗi gia đình. Nên chăng, đã đến lúc đưa tiêu chí văn hóa, đạo đức môi trường vào các tiêu chuẩn, danh hiệu thi đua, trước khi đề bạt, cất nhắc, thuyên chuyển công tác. Bổ sung văn hóa, đạo đức môi trường trở thành một nội dung của đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên;

    - Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Một trong những khâu quan trọng trong quản lý, BVMT là “văn hóa hóa”, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tình trạng ô nhiễm, hủy hoại môi trường, quản lý, bảo vệ rừng đáp ứng nhu cầu thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

    - Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức về công tác BVMT, trong đó có văn hóa môi trường, đạo đức môi trường cho đông đảo cán bộ, công chức, đảng viên, người lao động. Trong quá trình triển khai Luật BVMT các cơ quan chức năng quan tâm quán triệt, vận dụng các quan điểm của Đảng ta, nội dung kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào công tác BVMT. Cần làm cho văn hóa môi trường hòa quyện, ngấm vào từng văn bản liên quan đến công tác BVMT hiện nay và trong tương lai.

Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

Ý kiến của bạn