Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tổng cục Môi trường: Tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

15/01/2022

    Ngày 14/1/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2022 theo hình thực trực tiếp và trực tuyến tại 20 điểm cầu. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Tổng cục.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, song với những chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc sát sao của tập thể Lãnh đạo Tổng cục Môi trường và nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động Tổng cục, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về BVMT đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào thành công chung của toàn ngành TN&MT.

    Cụ thể, công tác xây dựng văn bản pháp luật, chính sách pháp luật về môi trường đã được Tổng cục Môi trường tập trung hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được phê duyệt. Trong đó, Tổng cục Môi trường đã tập trung cao độ mọi nguồn lực để nỗ lực xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020 bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức do Luật BVMT năm 2020 có nhiều cơ chế, chính sách mới có tính chất đột phá, lĩnh vực môi trường có tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, được người dân và dư luận hết sức quan tâm, Tổng cục Môi trường đã chú trọng việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động là người dân và doanh nghiệp. Tham mưu lãnh đạo Bộ, mời đại diện các Hiệp hội lớn tham gia trực tiếp vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định và Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật. Đặc biệt, đã tổ chức các Hội thảo trực tuyến, lắng nghe đầy đủ ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì; phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp để tham vấn thêm ý kiến đối với các nội dung đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tham mưu để Bộ trưởng Bộ TN&MT trực tiếp làm việc với các Hiệp hội, Bộ, ngành nhằm thống nhất Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đến nay, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022. Cùng với đó, Tổng cục Môi trường cũng đã hoàn thiện trình Bộ trưởng ký Thông tư số 02/2022/TTBTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020. Ngoài ra, Tổng cục Môi trường đã trình ban hành được 3 Nghị định, 2 Thông tư, 2 Đề án, 1 Kế hoạch, 1 Chỉ thị; đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành 1 Đề án và 2 Chỉ thị, cũng như tập trung xây dựng các Quy hoạch BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Về giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường, Tổng cục đã hoàn thành và đưa vào triển khai 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, trong đó có 1 dịch vụ công mức độ 3; 29 dịch vụ công mức độ 4; 2 dịch vụ công mức độ 2. Trong năm 2021, Tổng cục đã giải quyết, trả kết quả 802/1.760 hồ sơ được giao (chiếm 45,6%); các hồ sơ còn lại được chuyển giải quyết trong năm 2022 theo đúng trình tự, thủ tục quy định, phần lớn đã hoàn thành việc rà soát, thẩm định, thông báo để đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ; Trình phê duyệt 274 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 78 Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, 3 Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, 23 hồ sơ đề nghị chấp thuận về môi trường, 1 phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, 1 báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường. Đồng thời, cấp 137 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc nhóm chất thải nguy hại (27 hồ sơ đề nghị cấp lại, 04 hồ sơ cấp mới, 44 hồ sơ cấp điều chỉnh; 25 hồ sơ đề nghị chấp thuận liên kết; 30 hồ sơ bổ sung phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại; 7 hồ sơ xác nhận hợp đồng chuyển giao); 48 Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; 23 Giấy phép tiếp cận nguồn gen; 84 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; 7 Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường; 4 Quyết định chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; 1 văn bản chấp thuận miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; 6 văn bản chấp thuận vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại. Nhìn chung, công tác giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, góp phần phòng ngừa, kiểm soát tác động xấu đến môi trường, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

    Đối với công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển, Tổng cục đã chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra theo hướng tạm dừng triển khai các cuộc thanh tra chưa cần thiết, chỉ tập trung thanh tra đối với một số nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT theo phản ánh của dư luận, báo chí. Theo đó, trong năm 2021 Tổng cục Môi trường hoàn thành việc thanh tra, kiểm tra tại 24 cơ sở. Qua kết quả thanh tra, Tổng cục đã ban hành 18 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 3,584 tỷ đồng, trong đó có 4 cơ sở được phát hiện vi phạm thông qua hoạt động thanh tra theo kế hoạch năm 2021 (số tiền xử phạt là 235 triệu đồng), 12 cơ sở được phát hiện vi phạm thông qua công tác tham mưu xử lý các hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và 2 cơ sở thanh tra, kiểm tra cuối năm 2020 được ban hành quyết định xử phạt trong năm 2021.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc Hội nghị

    Tiếp tục triển khai có hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường, kể từ khi được đi vào vận hành chính thức (ngày 1/1/2018) đến hết năm 2021, Tổng cục Môi trường tiếp nhận 2.214 thông tin phản ánh; trong đó năm 2021 đã tiếp nhận 450 vụ việc phản ánh qua đường dây nóng. Kết quả, 100% thông tin, 93% số vụ việc đã được các cơ quan xác minh, xử lý, 7% số vụ việc còn lại đang được các địa phương xử lý theo thẩm quyền.

    Cùng với đó, Tổng cục Môi trường đã tích cực, chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ Kết quả triển khai Kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ 19. Đến nay, đã có 370/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85% (tăng 03% so với cuối năm 2020); các cơ sở còn lại (15%) được đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra; 35/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (trong đó có 24/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100%, chiếm tỷ lệ 48%). Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường, với 263/290 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 90,69%), 239/263 KCN có hệ thống quan trắc nước thải tự động (chiếm tỷ lệ 90,9%), 234/263 KCN đã được xác nhận hoàn thành hoặc đang vận hành thử nghiệm các công trình BVMT (chiếm tỷ lệ 88,97%), 74/263 KCN đã có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hồ sự cố theo quy định (chiếm tỷ lệ 28,1%). Cả nước hiện có 120/698 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 17,2%); 39/120 CCN có hệ thống quan trắc tự động nước thải (chiếm tỷ lệ 32,5%). Đối với các KCN còn lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN quốc gia về môi trường trước khi xả ra môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

    Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng được Tổng cục chú trọng. Năm 2021, UNESCO đã công nhận mới 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới là Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam. Đã đề cử Danh hiệu khu Ramsar cho vùng đất ngập nước Bắc Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), đề cử danh hiệu Vườn Di sản ASEAN cho VQG Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Tổng cục đã chủ động xây dựng Đề án “Phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường” trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, lồng ghép vào Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” nhằm bảo vệ và phát triển bền vững hạ tầng cây xanh, phục hồi cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái tự nhiên, góp phần BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu…

    Nhìn chung, trong năm 2021, Tổng cục đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục. Qua đó, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong Chương trình công tác năm 2021 của Tổng cục đều đạt và vượt mức đã đề ra như: Hoàn thiện và trình đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020; Đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do bối cảnh dịch bệnh Covid 19, song vẫn bảo đảm kiểm soát các vấn đề về môi trường; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt 85%, đạt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%). Chỉ tiêu phát triển của công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3% so với năm 2020, đóng góp 0,1 điểm phần trăm cho tăng trưởng. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%... Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước nói chung và của Tổng cục trong năm qua chưa đạt được kết quả như mong muốn, việc xây dựng đề án, văn bản vẫn còn chậm tiến độ; tỷ lệ giải ngân chậm so với chương trình công tác đầu năm đề ra; tiến độ xử lý các điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường còn chậm…

Toàn cảnh Hội nghị

    Nhằm đảm bảo hiệu quả các mục tiêu BVMT hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm 2022, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung thực hiện một số hoạt động chính như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật BVMT năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm triển khai thi hành Luật; Kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về môi trường; tăng cường công tác hậu kiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc, sự cố liên quan đến môi trường phát sinh; Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Rà soát, đánh giá, bảo đảm điều kiện về nguồn lực và nhân lực cần thiết để triển khai thi hành Luật…

    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Môi trường trong năm 2021. Đồng thời cho rằng, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Luật BVMT năm 2020 với rất nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo nền tảng thúc đẩy tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới. Vì vậy, ngay sau Hội nghị này, đề nghị Tổng cục cần xây dựng một Kế hoạch công tác của lĩnh vực môi trường cụ thể, chi tiết, trên cơ sở xác định rõ những thời cơ và thách thức, khắc phục ngay những tồn tại và hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra. Theo đó, cần tập trung một số vấn đề trọng tâm như:

    Một là, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những nội dung, chính sách mới của Luật BVMT năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện xuyên suốt trong năm 2022 và cả những năm tiếp theo. Rà soát, đánh giá, bảo đảm điều kiện về nguồn lực và nhân lực để triển khai thi hành Luật.

    Hai là, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo thời gian trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Ba là, kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về môi trường, đảm bảo không để chậm xử lý hồ sơ nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp. Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT có trọng tậm, trọng điểm, tập trung vào cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

    Bốn là, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc, sự cố liên quan đến môi trường phát sinh; Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…)   

    Năm là, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN&MT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trao Cờ thi đua năm 2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho Tổng cục Môi trường

    Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trao Cờ thi đua năm 2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho Tổng cục Môi trường. Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế đã trao Bằng khen của Bộ Công an cho tập thể cán bộ, nhân viên Tổng cục Môi trưởng và Giấy khen cho 2 cán bộ Tổng cục vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

                                                       Mai Hương

 

Ý kiến của bạn