Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thông qua Tuyên bố Côn Minh về bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu

14/10/2021

    Từ ngày 11 - 15/10/2021, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, tại TP. Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP 15) được tổ chức nhằm tìm kiếm thỏa thuận bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái hiện đang bị hủy hoại nặng nề vì những hoạt động của con người. Hội nghị được xem như báo hiệu khởi đầu, mở ra một "chương mới” về quản trị đa dạng sinh học toàn cầu.  Hội nghị có sự tham dự của đại diện 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT Nguyễn Văn Tài là Trưởng đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

    Báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm 2019 đã xác định 5 nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất đa dạng sinh học là: Thay đổi cách sử dụng biển và đất liền, khai thác trực tiếp sinh vật, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và các loài ngoại lai xâm hại. Báo cáo cho thấy, có khoảng 1 triệu loài , thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Tại Hội nghị COP10 diễn ra ở Aichi, Nhật Bản năm 2010, các quốc gia tham dự đã đặt ra mục tiêu từ cắt giảm ô nhiễm đến giảm tỷ lệ tuyệt chủng các loài động, thực vật và bảo tồn rừng. Trong số 20 mục tiêu đặt ra tại Hội nghị COP10, có nhiều mục tiêu đã không thực hiện được. Trong bối cảnh đa dạng sinh học toàn cầu đang suy giảm và dự báo tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn, Hội nghị COP 15 có nhiệm vụ xây dựng khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 và xác định các mục tiêu bảo vệ mới đến năm 2030. Qua đó, thống nhất các mục tiêu mới về thiên nhiên trong thập kỷ tới thông qua quá trình khung Đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020. Khung này đề ra một kế hoạch tham vọng với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, bao gồm 21 mục tiêu và 10 "cột mốc" cho kế hoạch năm 2030. Các mục tiêu mới gồm: Bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và đại dương trên thế giới; giảm ít nhất 2/3 lượng thuốc bảo vệ thực vật và loại bỏ chất thải nhựa… đảm bảo đến năm 2050, tầm nhìn chung về sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ được thực hiện. 

Hội nghị COP15 đang diễn ra tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

    Ngày 13/10, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Côn Minh về bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020. Tuyên bố đề cập đến các yếu tố cần thiết để kiến tạo một khuôn khổ thành công sau năm 2020: Lồng ghép đa dạng sinh học vào quá trình ra quyết định; loại bỏ dần và chuyển hướng các trợ cấp nguy có hại; tăng cường pháp quyền; công nhận sự tham gia đầy đủ, hiệu quả của người dân bản địa, cộng đồng địa phương và đảm bảo cơ chế hiệu quả để giám sát, đánh giá tiến độ... Đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ, là nền tảng quan trọng cho sự tồn tại, phát triển của con người, vì vậy, khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 là cơ hội để cộng đồng quốc tế xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống trên Trái đất.

    Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị COP15, Trung Quốc đề xuất và thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ, phục hồi đa dạng sinh học. Nước này đã phát triển một hệ thống khu bảo tồn với trọng tâm là các công viên quốc gia và thiết lập nhiều ranh giới đỏ về bảo tồn sinh thái. Các nỗ lực đã được thực hiện để cải thiện pháp luật và thực thi về bảo tồn đa dạng sinh học. Bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng sinh học đã nêu bật những thành tựu và đóng góp của Trung Quốc với các chương trình nghị sự về đa dạng sinh học toàn cầu. Bà cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã thể hiện mô hình chuyển đổi khá rõ nét, từ hành động giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục những vùng đất bị suy thoái, bảo tồn các loài và hệ sinh thái, đến việc giải quyết tình trạng nghèo đói, theo đuổi các mục tiêu phát triển con người rộng lớn hơn”. Tại Hội nghị lần này, Trung Quốc đã cam kết ủng hộ 230 triệu USD để thành lập Quỹ bảo vệ đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển.Là một trong những quốc gia tích cực tham gia các công ước quốc tế về đa dạng sinh học, Việt Nam nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó đóng góp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Cam kết của các nhà Lãnh đạo về thiên nhiên nhân Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khoá 75, Đại hội đồng Liên hợp quốc và đã đóng góp vào việc thực hiện Kế hoạch chiến lược đa dạng sinh học 2011 - 2020; Các Mục tiêu Aichi và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

    COP15 diễn ra trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài động, thực vật, khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sắp diễn ra vào tháng 11/2021 tại TP. Glasgow (Scotland). Cuộc họp lần này cũng sẽ làm cơ sở cho Hội nghị trực tiếp vào tháng 4/2022. Theo đó, các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học sẽ soạn thảo chi tiết một văn kiện mới, trong đó đề ra mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái vào năm 2030, thảo luận kế hoạch bảo vệ đất và đại dương cũng như mục tiêu ngăn chặn rác thải nhựa. 

Bảo Bình

 

Ý kiến của bạn