Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đa dạng các hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường gắn với phòng, chống dịch Covid-19

30/06/2021

     Từ tháng 5/2021, Bộ TN&MT đã phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2021, với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”. Đây là năm thứ sáu Bộ phát động “Tháng hành động vì môi trường”, tạo sự lan tỏa trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức về BVMT trong toàn xã hội.

     Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chia sẻ thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng đoàn kết, chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và Trái đất. Theo Bộ trưởng, năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Liên hợp quốc về Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái (HST) (2021 - 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được lựa chọn là “Phục hồi HST” nhằm tập hợp, đoàn kết để hồi sinh các HST trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2021, ngày 29/6, Trung tâm truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT

phối hợp với UBND huyện Thanh Trì và Công ty ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Chương trình trồng cây

tại Công viên Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội

     Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên Bộ TN&MT đã xây dựng, gửi văn bản hướng dẫn đến các Bộ/ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh/thành phố trên cả nước căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng kêu gọi các cấp/ngành, tổ chức, cá nhân đưa ra sáng kiến để phục hồi HST như Chương trình "1 tỷ cây xanh" do Chính phủ phát động; Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp, ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hồi các HST; Tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai…

     Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường”, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các sở giáo dục và đào tạo tổ chức chuỗi các hoạt động như: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm (theo hình thức trực tuyến) với sự tham gia của cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 8/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; đồng thời tổ chức dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các cơ sở giáo dục…

Thành đoàn Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quân BVMT với mô hình “Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa - Tuổi trẻ Cam Ranh

chung tay BVMT”

     Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường với các nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020; Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản…; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi HST, bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, Bộ còn tăng cường đăng các tin, bài viết trên các trang web, cơ quan báo chí, kêu gọi BVMT trong ngành Nông nghiệp.

     Cũng trong dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phát động Cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục hồi HST”, thu hút sự tham gia đông đảo của Hội LHPN các cấp và đơn vị trực thuộc. Trong đó, nổi bật là các bài dự thi “Kiến thức xanh - Hành động xanh” (Hội LHPN phường 1, quận 4, TP. Hồ Chí Minh); “Nhận rác thải nhựa, trao gửi yêu thương” (Hội LHPN xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp); “Chung tay phục hồi HST - Việc không của riêng ai” (Hội LHPN phường Hưng Dũng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An); “Hành động vì thiên nhiên - Trách nhiệm của chúng ta” (Hội LHPN phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định… nhằm tạo ra các hoạt động thi đua sôi nổi trong các cấp Hội.

     Ở cấp địa phương, tại TP. Huế, đông đảo cán bộ và nhân dân đã ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, lập lại trật tự hè phố, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các nội dung: Thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng theo đúng quy định và khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế; đẩy mạnh việc thu gom xử lý chất thải y tế, chất thải rắn sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn; nói không với túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần…

     Tại Hậu Giang, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh năm 2021. Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tuyên truyền và đẩy mạnh các hoạt động BVMT, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, bảo vệ cảnh quan, HST tự nhiên, hướng tới xây dựng môi trường sống trong lành. Sau Lễ phát động, lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể và người dân địa phương đã tiến hành trồng 2.000 cây xanh dọc các tuyến đường thuộc ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A; thu gom rác thải, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại địa phương.

     Nhân dịp này, Thành đoàn Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đồng loạt ra quân hưởng ứng các hoạt động BVMT với mô hình “Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa - Tuổi trẻ Cam Ranh chung tay BVMT”. Trong chiến dịch, đoàn viên thanh niên của TP. Cam Ranh đã thực hiện diễu hành cổ động tuyên truyền và tặng giỏ đi chợ cho nhân dân một số khu vực trên địa bàn.

     Với hy vọng ngăn chặn, phòng ngừa và đảo ngược sự suy thoái của HST, ngày 16/6/2021, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phục hồi HST sông, hồ tại Việt Nam”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” (CAWACON) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế hoa Kỳ (USAID) và triển khai bởi CECR, nhằm truyền tải thông điệp chung tay tham gia bảo vệ, hồi sinh các HST tại các nguồn nước vì lợi ích của con người, các loài sinh vật và thiên nhiên. Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung chia sẻ, thảo luận về hiện trạng HST sông, hồ và giải pháp để phục hồi HST sông, hồ tại Việt Nam; Tính đa dạng sinh học và sự phong phú về HST thủy vực trên lưu vực sông Mekong; Tiêu chí đánh giá sức khỏe của sông, hồ và HST sông, hồ ở Việt Nam…

     Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” năm 2021 đã được các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức triển khai tích cực, huy động sự tham gia của cả cộng đồng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp quy định hiện hành về phòng, chống dịch. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mai Hương

 

Ý kiến của bạn