Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022: Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

02/03/2022

    “Tết trồng cây” từ lâu đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong những ngày vui Tết, đón Xuân. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, chính trị sâu sắc và mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường thiết thực. Đến nay, lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Phấn đấu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh

    Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, ngày 6/2/2022 (tức mùng 6 Tết Nhâm Dần), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Tại nơi đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh, hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ: "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng, trồng cây phân tán, BVMT sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, trong đó yêu cầu tổ chức Tết trồng cây, tăng cường bảo vệ phát triển rừng để thực hiện "Chương trình trồng 1 tỷ cây vì một Việt Nam xanh". Đến ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Thực hiện Đề án, năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây xanh, nổi bật là Nghệ An (7,3 triệu cây), Thanh Hóa (5,3 triệu cây), Lâm Đồng (4 triệu cây), Quảng Nam (3 triệu cây), Cà Mau (3 triệu cây), Cao Bằng (3 triệu cây), Phú Thọ (1,5 triệu cây)… và đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay.

Chủ tịch nước cùng các đại biểu trồng cây tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ

    Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các thanh niên, thiếu nhi cả nước hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu năm 2022. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong tạo giống cây, trồng cây, trồng rừng; gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Chủ tịch nước cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền vì 1 Việt Nam xanh, cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để phát động phong trào thi đua mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây để xanh đường, xanh nhà, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư...

    Hòa chung vào phong trào Tết trồng cây trên cả nước, ngày 20/2/2022, Bộ TN&MT phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh đại diện Bộ phát biểu tại buổi Lễ. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, những năm vừa qua, Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, đưa hoạt động trồng cây thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trong từng thôn, xóm, khu dân cư với sự tham gia của đông đảo người dân. Theo Quyết định số 524/QĐ-TTg, từ năm 2022 - 2025, cả nước sẽ trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải rất quyết tâm mới có thể đạt được. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với việc trồng cây, trồng rừng, BVMT là rất quan trọng. Do đó, mỗi người dân, ngay từ bây giờ, hãy thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, coi đây như một món quà, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một xanh tươi, bền vững.

    Cũng tại buổi Lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh và Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã chứng kiến Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) và UBND huyện Cam Lộ ký kết Chương trình “Chiến dịch trồng cây xanh - Phục hồi hệ sinh thái" giai đoạn 5 năm 2022 - 2027, trong đó tập trung trồng 5,6 triệu cây quế, 4.100 cây bóng mát trên địa bàn huyện Cam Lộ và trao tượng trưng cây quế cho nhân dân xã Cam Thủy.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh (đứng thứ 3 từ trái sang) và Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao tượng trưng cây quế cho nhân dân xã Cam Thủy

Lan tỏa phong trào trồng cây, gây rừng trên cả nước

    Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu nâng độ che phủ lên 47,3%; thực hiện nếp sống "văn minh đô thị", hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước; quy hoạch và lựa chọn phát triển hệ thống cây xanh đô thị, tạo nét đặc trưng cho từng khu vực; cung cấp đủ số lượng cây giống với chất lượng cao, phục vụ phong trào trồng cây phân tán; thực hiện tốt các quy định về hệ thống cây xanh trong các công trình, dự án đầu tư xây dựng... Hưởng ứng Tết trồng cây, các địa phương của tỉnh đã đồng loạt ra quân tổ chức trồng cây, cụ thể: TP. Sơn La trồng 174 cây lộc vừng tại khu dân cư 6B, bản Cọ, phường Chiềng An; huyện Yên Châu trồng trên 350 cây sao đen dọc công trình kè chống sạt lở suối Vạt bảo vệ thị trấn Yên Châu; huyện Thuận Châu trồng 50 cây ban xung quanh khuôn viên trụ sở xã Noong Lay và 5.300 cây phân tán các loại tại hành lang giao thông, các nhà văn hóa xã, bản, trường học; huyện Mường La phấn đấu trồng khoảng 80.000 cây phân tán, góp phần nâng độ che phủ rừng lên trên 48%...

    Thiết thực thi đua chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 10/2/2022, Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quế Phong tổ chức trồng 10.000 cây lim xanh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, xã Tiền Phong. Theo đó, Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã phát động phong trào "Mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên trồng và chăm sóc ít nhất 1 cây xanh". Đây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò xung kích, giáo dục ý thức BVMT cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên.

    Trong dịp tổ chức ra quân Tết trồng cây năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm "Đường cây phụ nữ" tại các xã Ninh An (huyện Hoa Lư), Khánh Dương (huyện Yên Mô) và Khánh Thành (huyện Yên Khánh). Đến thời điểm hiện tại, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã trồng được 75,2 km "Đường cây phụ nữ" trên các trục đường, khuôn viên nhà văn hóa, trạm y tế, đài tưởng niệm liệt sỹ… ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 70.000 cây các loại như: thông, phi lao, nhãn, chuỗi ngọc, hoa ban, bàng Đài Loan…

    Có thể nói, phong trào trồng cây, gây rừng đã được các địa phương trên cả nước triển khai sâu rộng và hiệu quả. Ngay từ những ngày đầu năm, hàng nghìn cây xanh được bám sâu vào đất mẹ, như một biểu tượng đẹp đẽ và sống động nhất của sức sống mới, sự gắn kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Mai Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

Ý kiến của bạn