Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường quản lý và duy trì tính toàn vẹn hệ sinh thái tại cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam

15/01/2021

    Ngày 14/1/2021, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC) và Dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam (Dự án BCC - GEF). Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Giám đốc Dự án BBC và BCC- GEF Nguyễn Hưng Thịnh và đại diện Lãnh đạo các Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…

             Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận những nỗ lực của nhân dân 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã vượt qua thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020 để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ chính trị của ngành TN&MT nói chung và hoàn thành các nhiệm vụ của hai Dự án nói riêng. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, khu vực Trung Trường Sơn Việt Nam có tầm quan trọng về đa dạng sinh học vào bậc nhất của cả nước, nhưng lại là địa bàn rất khó khăn về điều kiện tự nhiên, đồng thời là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc ít người, giáp biên giới với các nước láng giềng, nên việc triển khai Dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên sau 9 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được các kết quả quan trọng, đó là thiết lập được hệ thống hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết, toàn vẹn của hệ sinh thái và đảm bảo dịch vụ hệ sinh thái bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng địa phương nhằm tăng trưởng kinh tế khu vực.

    Dự án BCC đã đạt được những kết quả rõ nét tại 35 xã thuộc huyện Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị; huyện Tây Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam; huyện A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một số kết quả nổi bật của Dự án BCC là thí điểm thành lập và quản lý 3 hành lang bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh với tổng diện tích là 298.145,65 ha (97.566,54 ha tại Quảng Trị, 77.640,81 ha tại Thừa Thiên Huế và 122.938,3 ha tại Quảng Nam) và kết nối với diện tích 7 Khu Bảo tồn (KBT) được thiết lập thuộc Dự án BCC-GEF là 223.733 ha, tạo thành cảnh quan hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh với tổng diện tích là 521.878,28 ha; 37 Ban quản lý rừng cộng đồng được thành lập (Quảng Trị - 10, Quảng Nam - 14, Thừa Thiên - Huế - 13), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 13.684,89 ha rừng cộng đồng (CFM); Phục hồi 4.624,95 ha rừng, trong đó trồng mới bằng cây bản địa là 2.464,3 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên là 1.442,05 ha; trồng làm giàu rừng là 718,6ha. Hoạt động trồng rừng sinh kế dựa vào rừng được thiết lập đạt 1.344 ha…

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tặng hoa và cảm ơn đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á và UBND 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế

    Đối với Dự án BCC-GEF đã mở rộng phạm vi Dự án ban đầu để tăng cường quản lý và duy trì tính toàn vẹn sinh thái của hệ thống khu bảo tồn và vùng xung quanh tại cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam. Các kết quả nổi bật của Dự án BCC-GEF đó chính là UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-UBND phê duyệt thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh với diện tích 14.883 ha (đạt 87,5% diện tích mục tiêu); 7 Kế hoạch quản lý hoạt động của 7 Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Đakrông, Phong Điền, Sao La - Thừa Thiên - Huế, Ngọc Linh - Quảng Nam, Sao La - Quảng Nam và VQG Sông Thanh đã được cấp có thẩm quyền tại địa phương thông qua và tổ chức triển khai các hoạt động ưu tiên với sự phê duyệt của các Ban Quản lý Dự án tỉnh, bao gồm các hoạt động như: tăng cường tuần  tra bảo vệ rừng, các chương trình truyền thông, tăng cường năng lực cán bộ, điều tra động thực vật, xây dựng quy ước quy chế; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng cần thiết, đóng mốc ranh giới khu bảo tồn, in ấn các sản phẩm truyền thông….

    Đặc biệt, tại 3 tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt Kế hoạch bảo tồn loài mục tiêu của từng tỉnh đã xác định trong Mục tiêu của việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học (tỉnh Quảng Trị là loài voọc chà vá chân nâu; Thừa Thiên - Huế là loài trĩ sao và Quảng Nam là vượn má vàng Trung Bộ. Bên cạnh đó, các địa phương ưu tiên các hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; tuần tra tháo gỡ bẫy; hỗ trợ cây, con giống cho cộng đồng, mua sắm trang thiết bị tuần tra rừng, mua sắm vật tư phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng. Cụ thể, có 23 cộng đồng dân cư thuộc 5 lưu vực thủy điện mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế được hưởng lợi từ việc hỗ trợ xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; 11/37 thôn có rừng cộng đồng được thiết lập trong Dự án BCC chưa được hưởng PFES trước năm 2018 đã được chi trả vào năm 2020; 3 quy chế Quản lý bảo vệ rừng và 3 quy chế hoạt động của ban giám sát cộng đồng về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai xây dựng tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị…

Toàn cảnh Hội nghị

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận và đánh giá về các kết quả đạt được của Dự án, đồng thời đưa ra các giải pháp để duy trì tính bền vững các kết quả sau khi Dự án kết thúc. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh tới việc cải thiện sinh kế của người dân, lấy sinh kế người dân là trung tâm thì công bảo tồn đa dạng sinh học mới đạt hiệu quả và bền vững. Cũng tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo 3 tỉnh tham gia Dự án cũng đã cam kết sẽ lồng ghép và huy động nguồn lực của địa phương để duy trì tính bền vững của Dự án.

    Nhìn chung, hai Dự án đã có những hiệu quả và tác động tích cực đến công tác bảo vệ, phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các thành tựu của Dự án là những bước đi ban đầu, tạo tiền đề cho địa phương tiếp tục thực hiện các kế hoạch quản lý đã được phê duyệt từ hai dự án trong 5 năm, định hướng 10 năm tới; đồng thời là cơ sở để Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, đề xuất cụ thể hóa các nội dung về hành lang đa dạng sinh học trong Dự thảo Luật Đa dạng sinh học sửa đổi sắp tới.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn