Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường năng lực trong khối ASEAN để ngăn chặn sự tuyệt chủng loài và bảo vệ sức khỏe cộng đồng

20/11/2020

     Ngày 19/11/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn Động vật hoang dã và các dịch bệnh từ động vật: Ngăn chặn sự tuyệt chủng loài và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong khối ASEAN” thông qua hình thức trực tuyến. Hội thảo tạo cơ hội tốt để các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng thảo luận và nhìn nhận những nguy cơ từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã nguy cấp đối với sức khỏe cộng đồng, đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và xác định các vấn đề cần hợp tác trong khu vực.

     Tham dự Hội nghị có ông Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách các vấn đề về Cộng đồng, Văn hóa - Xã hội; TS. Theresa Mundita S. Lim, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN và đại diện các quốc gia thành viên ASEAN... Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch ASOEN Việt Nam; Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), Trưởng Nhóm công tác ASEAN Việt Nam về bảo tồn Đa dạng sinh học và đại diện các đơn vị trong Tổng cục Môi trường.

TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Hội thảo

     Trong 50 năm qua, dân số loài người đã tăng gấp đôi, nền kinh tế toàn cầu đã tăng gần 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng gấp 10 lần, nhu cầu về năng lượng và vật liệu ngày càng gia tăng. Những thay đổi này của loài người đã có tác động lớn đến đa dạng sinh học, ở các cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen, cụ thể 75% hệ sinh thái trên bề mặt Trái đất đã có sự thay đổi, 60% đại dương bị các tác động tích lũy đe dọa đến sự tồn tại của các loài sinh vật, 85% diện tích khu vực ĐNN bị mất đi, suy thoái đất làm giảm 23% năng suất các HST cạn… Sự suy giảm của đa dạng sinh học cũng tác động đến kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe của con người.

     Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, trong thời gian qua, nhiều dịch bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật hoang dã như H5N1, HIV, Ebola và gần đây nhất là dịch Covid-19 đang gây ra các tác động sâu, rộng đến đời sống con người và nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài hoang dã, cũng như ngăn ngừa sự lan truyền của các dịch bệnh từ động vật sang người vượt ra ngoài khuôn khổ một quốc gia. Do đó, các quốc gia trong khu vực ASEAN cần có sự chung tay với toàn thế giới để đảm bảo kiểm soát, quản lý hữu hiệu sự lan truyền của các dịch bệnh từ động vật sang người.

     Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ và tham gia tích cực vào các Công ước, sáng kiến về đa dạng sinh học như CBD, CITES đồng thời cũng chủ động xây dựng và thực hiện Chương trình Onehealth với các nội dung trọng tâm về ngăn ngừa sự lây lan của các dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người, chủ động xác định tác nhân gây bệnh có nguồn gốc động vật có nguy cơ gây đại dịch trước khi chúng bùng phát, tăng cường năng lực phát hiện sớm hiện tượng các tác nhân bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đại dịch lây lan sang người. Để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam hiện cũng đã và đang nỗ lực chủ động thực hiện các giải pháp từng bước kiểm soát sự lan rộng của Covid -19 tại Việt Nam.

                Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến

     Tại Hội thảo, khái niệm “Một sức khỏe” được các quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ và nhấn mạnh sự phụ thuộc, mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người và sức khỏe của các hệ sinh thái. Đây được coi là một cách tiếp cận tổng thể và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe con người khỏi các bệnh truyền từ động vật. Cách tiếp cận này đòi hỏi sự phát triển, thực hiện các chính sách phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia.

     Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên đã thảo luận, trao đổi về việc tăng cường năng lực trong khối ASEAN nhằm tối ưu hóa hoạt động, tăng cường khả năng ứng phó và an ninh y tế của khu vực để giải quyết các thách thức của đại dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm đang nổi, tái phát. Các quốc gia thành viên cũng mong muốn hợp tác xuyên trụ cột, xuyên ngành, đổi mới các cam kết hợp tác với các bên liên quan để đảm bảo một phản ứng chung và phối hợp trong khu vực nhằm hạn chế sự lây truyền thêm COVID-19 và giảm thiểu tác động nhiều mặt của đại dịch này.

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn