Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam

09/06/2021

    Ngày 8/6, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Tổng kết Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam" (Dự án ABS). Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án ABS Nguyễn Văn Tài chủ trì Hội thảo.

    Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 31 tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Đây là cơ hội để Việt Nam hội nhập với quốc tế trong lĩnh vực quản lý tiếp cận nguồn gen, đặc biệt thúc đẩy bảo vệ quyền lợi của quốc gia đối với nguồn gen trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam, thông qua cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Nhằm xây dựng năng lực thực hiện Nghị định thư, Bộ TN&MT đã đề xuất huy động nguồn tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) để thực hiện Dự án ABS.

    Dự án ABS được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2021, do Tổng cục Môi trường chủ trì, với mục tiêu nhằm góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam thông qua việc tăng cường năng lực quốc gia trong việc thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen. Dự án gồm 4 hợp phần: Xây dựng và củng cố hệ thống chính sách, văn bản về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Hỗ trợ thiết lập và củng cố hệ thống hành chính trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Tăng cường năng lực quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Sau 4 năm thực hiện, nhiều hoạt động đã được triển khai và đạt kết quả đáng ghi nhận trên các phương diện.

    Cụ thể, Dự án đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu được đề ra trong văn kiện Dự án. Nhằm giúp xây dựng, củng cố hệ thống chính sách, văn bản về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Dự án đã hỗ trợ ban hành 1 Nghị định và 3 Thông tư (Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT ngày 11/9/2019 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại của Bộ TN&MT; Thông tư số 10/2020/TT-BTNMT ngày 29/9/2020 hướng dẫn về biểu mẫu báo cáo về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích của Bộ TN&MT; Thông tư số: 07/2020/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2020 về quy định về tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ NN&PTNT). Các văn bản pháp luật này là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc xác định cơ quan có thẩm quyền quốc gia, cơ quan đầu mối quốc gia; thiết lập cơ chế cho việc đăng ký tiếp cận nguồn gen việc chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, đặc biệt có việc tái đầu tư nguồn thu từ các hoạt động ABS vào bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam; thiết lập trang thông tin điện tử chia sẻ thông tin về ABS tại Việt Nam với địa chỉ www.vietnamabs.gov.vn.

    Cùng với đó, Dự án ABS cũng đã hỗ trợ tăng cường năng lực về quản lý ABS cho các cơ quan có thẩm quyền quốc gia (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT) và các bên liên quan khác (Bộ KHCN); hỗ trợ hoàn thiện quy định pháp luật về cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, giấy phép tiếp cận nguồn gen không vì mục đích thương mại, cho phép mang nguồn gen ra nước ngoài; triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thông qua việc thiết lập 1 Hương ước cộng đồng bảo vệ nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen, 1 Vườn ươm với diện tích 0,1 ha, 1 khu vực trồng xen cây dược liệu với diện tích 3 ha...

    Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cũng được Dự án ABS chú trọng triển khai. Dự án đã tập huấn thực hiện quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho hơn 300 lượt đại biểu trong số đó 155 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý cấp trung ương, địa phương và hơn 200 lượt đại biểu đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 5/6 bằng những hoạt động cụ thể như đạp xe diễu hành, ký cam kết.

    Với các hoạt động triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, 100 bài thuốc nam của các nghệ nhân và cộng đồng trên địa bàn xã Tả Phìn được tư liệu hóa; 1 sản phẩm thuốc xoa b​óp giảm đau được nghiên cứu, phát triển; 1 cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của tỉnh Lào Cai đã được xây dựng và duy trì vận hành…

    Những kết quả của Dự án đã góp phần tích cực trong thực hiện Nghị định thư Nagoya về ABS ở Việt Nam và được chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. ​

An Bình

Ý kiến của bạn