Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Rác nhựa và kinh tế tuần hoàn

16/09/2021

     Nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong quản lý rác thải nhựa đại dương và nỗ lực xây dựng kinh tế tuần hoàn của nhựa, ngày 10/9/2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu Nước Nauy (NAVI) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Rác nhựa và kinh tế tuần hoàn”.

     Việt Nam là thành viên tích cực trong ASEAN và cộng đồng thế giới, có nhiều hoạt động cụ thể triển khai ở nhiều cấp toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương và thậm chí tại các cấp xã phường để có thể quản lý rác nhựa từ nguồn đến biển, trong sự tăng cường hợp tác với chuyên gia quốc tế, các nhà chuyên môn… thông qua các dự án, chương trình với ASEAN, các nước phát triển, tổ chức quốc tế… Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và làm chậm nỗ lực giảm thiểu rác nhựa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần xem xét vấn đề này trong kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả, đặc biệt kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác nhựa.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

     Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Luật BVMT đã chỉ rõ, kinh tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đối với lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhưa, cần xây dựng các mục tiêu, kết quả mong muốn và các bước chính hay các giai đoạn cần đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, việc thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa. Từ đó, mới có thể cùng giảm rác nhựa vào môi trường và tạo kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa. Lộ trình cũng cần xác định các cơ hội thông qua chuỗi cung cấp làm sao có thể giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa được tái sử dụng, tái chế. Ngoài ra, cần phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ cở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn.

     Nhận thức được mức độ nghiêm trọng và hậu quả của ô nhiễm rác nhựa, nhiều chương trình tại các nước trong khu vực đã được triển khai để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả như: Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác nhựa (NPAP) đã phát động phong trào chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp với VASI xây dựng và triển khai dự án “Thúc đẩy hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển tại châu Á - Thái Bình Dương” được thực hiện tại các cấp khu vực, quốc gia và địa phương tại phường, xã; Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai EPPIC tìm kiếm các sáng kiến trong cộng đồng các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã xây dựng được một trình kinh tế tuần hoàn khả thi từ năm 2020 - 2024 theo các năm từ phân tích tiềm năng kinh tế, môi trường, xã hội của kinh tế tuần hoàn, xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện thí điểm, thiết lập mạng lưới đối tác và thực hiện toàn diện.

     Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của nhựa đối với Việt Nam nên tập trung vào một số ưu tiên: Xác định danh mục bao bì nhựa không cần thiết và có nguy cơ cao cùng với việc xây dựng kế hoạch tiêu hủy các thành phần này; Thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế; Cải tiến, khuyến khích việc thay đổi sử dụng từ khó thực hiện đến tuần hoàn rác nhựa…

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn