Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp phía Nam thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)

14/03/2022

    Ngày 11/3/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật BVMT với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các đơn vị tái chế, xử lý chất thải tại khu vực miền Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT chia sẻ thông tin về ERP đến các đại biểu tại Hội thảo

    Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ. Nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, hàng hóa bao gồm từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

    EPR là một công cụ kinh tế và một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời EPR thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế môi trường hay phí môi trường. EPR có mối quan hệ mật thiết với kinh tế tuần hoàn, là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của EPR sẽ giúp chúng ta đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình hoạt động sản xuất. EPR được kỳ vọng sẽ giải pháp quan trọng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa hiện nay. Theo ông Phan Tuấn Hùng, EPR là lời giải cho vấn đề rác thải nhựa hiện nay và nó khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường.

Hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các đơn vị tái chế, xử lý chất thải tại khu vực miền Nam tham dj Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

    Tại Hội thảo, đại diện Bộ TN&MT đã chia sẻ, giới thiệu các quy định chi tiết về EPR theo quy định của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trực tiếp trao đổi, giải đáp các câu hỏi từ các doanh nghiệp, hiệp hội. Bên cạnh đó, đại diện Bộ TN&MT cũng chia sẻ và tham vấn về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm,  bao bì và thu gom, xử lý chất thải.

    Theo chia sẻ của Bộ TN&MT, Luật BVMT quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).

    Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, Điều 54 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: Săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế);  điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).

    Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 4 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1 tháng 1 năm 2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 1 tháng 1 năm 2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1 tháng 1 năm 2027.

    Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, Điều 55 Luật BVMT quy định nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm; băng vệ sinh; khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá và  một số sản phẩm - hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…) nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.

    Tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch và đúng mục đích. Theo đó, tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hoạt động thu gom, xử lý chất thải (không sử dụng vào mục đích khác). Tiền hỗ trợ tái chế dự kiến sẽ tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế (tái chế nhiều sẽ được nhận tiền hỗ trợ nhiều). Tiền hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải dự kiến chỉ dành cho các dự án/hoạt động thu gom, xử lý chất thải không vì mục đích lợi nhuận và phục vụ lợi ích cộng đồng, trong đó ưu tiên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. 

Đại diện Bộ TN&MT chia sẻ, giới thiệu các quy định chi tiết về EPR theo quy định của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết

    Kết luận tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT hy vọng những thông tin, giải đáp tại Hội thảo có thể giúp doanh nghiệp hiểu và nắm bắt đầy đủ về các quy định pháp luật, từ đó thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của mình; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, góp ý cho dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải bảo đảm tính khả thi và bảo đảm công khai, minh bạch và đúng mục đích theo quy định của Luật BVMT .

Trường Sơn

Ý kiến của bạn