Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Phát động Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”

16/07/2021

     Ngày 16/7/2021, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) phối hợp với Công ty Nestlé Việt Nam và Nhãn hàng Milo tổ chức họp báo trực tuyến giới thiệu Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”.

     Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT cho biết, Chiến dịch được phát động nhằm triển khai các hoạt động trong Phong trào Chống rác thải nhựa (RTN), hướng đến một Việt Nam xanh. Đây là nỗ lực góp phần vào chiến lược giảm RTN dùng một lần của Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng. Chiến dịch sẽ diễn ra trong hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 7 - 8/2021, tập trung kêu gọi sự chung tay từ các đơn vị, doanh nghiệp, ngành hàng cung cấp dịch vụ sử dụng nhiều sản phẩm ống hút nhựa như: Đồ ăn nhanh, cafe, chiếu phim, chuỗi trà sữa… qua đó góp phần lan toả các thông điệp, truyền cảm hứng hành động tới người dân và cộng đồng trong việc nói không với ống hút nhựa. Giai đoạn 2 diễn ra từ tháng 8 - 12/2021 với các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, đồng thời lan tỏa, đẩy mạnh Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, mở rộng đối tượng tuyên truyền đến trẻ em, học sinh, trường học.

Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại buổi họp báo

     Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, một vấn đề đang thách thức với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam là phải đối mặt với vấn nạn “ô nhiễm trắng” - RTN. Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm tải ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Hưởng ứng thông điệp từ Liên hợp quốc, cùng chung nỗ lực giảm thiểu RTN, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực và đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm RTN tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canađa; Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiên phong triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Đến nay, nhận thức của người dân, xã hội về các tác hại và giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Nhiều sáng kiến, hành động chống RTN, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.

     Qua Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, Bộ TN&MT yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống RTN, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị. Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi ni lông sang các loại túi giấy, thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT phát biểu

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức rất nhiều chương trình tuyên truyền, đưa ra các giải pháp về chính sách hướng tới việc hạn chế sử dụng sử dụng RTN và túi ni lông sử dụng một lần, trong đó phải kể đến Phong trào chống RTN trên phạm vi toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động từ ngày 9/6/2019. Sau 2 năm thực hiện, Việt Nam đã tạo ra được một phong trào cộng đồng rộng rãi, có sự tham gia đồng loạt của rất nhiều doanh nghiệp (từ doanh nghiệp bán lẻ đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hàng không và các nhà sản xuất có phát thải nhựa. Đặc biệt, điểm sáng nhất trong quá trình triển khai Chiến dịch chống RTN là Việt Nam đã gây dựng được một nền tảng nhận thức rộng rãi, nhất là đối giới trẻ về tác hại của RTN cũng những hành vi đẹp, thân thiện với môi trường.

     Để phong trào chống RTN, đặc biệt là Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” hiệu quả hơn, đã đến lúc chúng ta cần phải có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn. “Chúng tôi mong muốn trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp và tất cả người dân, cộng đồng sẽ cùng nhau có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm RTN và túi nilon khó phân hủy như việc hôm nay chúng ta đang triển khai là: kêu gọi mọi người nói không với ống hút nhựa bằng ống hút giấy và vật liệu thân thiện hơn với môi trường” - Ông Dũng nhấn mạnh.

     Là đơn vị đồng tổ chức, đại diện Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, bắt đầu từ tháng 3/2020, Nestlé MiLo đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng ống hút giấy cho dòng sản phẩm MiLo bữa sáng, thay cho ống hút nhựa thông thường. Kể từ tháng 5/2021, Nestlé MiLo chính thức chuyển đổi sang ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền. Theo nhãn hàng này, việc thay đổi chất liệu ống hút không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như thói quen sử dụng của người dùng. Nestlé MiLo ước tính việc đưa vào sử dụng ống hút giấy sẽ giúp giảm đi khoảng hơn 676 tấn RTN mỗi năm. Thông qua việc thay đổi sử dụng ống hút giấy, Nestlé cũng đang góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% RTN trên biển và đại dương mà Việt Nam đề ra. Đến tháng 5/2022, 100% sản phẩm Milo cam kết sẽ chuyển sang ống hút giấy (giảm thiểu khoảng 700 tấn RTN mỗi năm) và đến năm 2025 các sản phẩm Nestlé sẽ áp dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng.

Á hậu Bùi Phương Nga - Đại sứ Chiến dịch

     Với vai trò là Đại sứ Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, á hậu Bùi Phương Nga dẫn lại con số thống kê của Bộ TN&MT: Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn RTN, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn RTN ra biển. Chỉ riêng tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông, đặc biệt, cứ 4.000 - 5.000 tấn rác thải ra mỗi ngày thì đã có 7 - 8% là RTN, ni lông. Qua đó, á hậu kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động vì môi trường bằng cách thay đổi thói quen dùng ống hút nhựa, thay vào đó là sử dụng các loại ống hút làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường.

Toàn cảnh buổi họp báo tại đầu cầu Hà Nội

     Cùng là Đại sứ của Chiến dịch, cầu thủ Đỗ Hồng Dũng chia sẻ, sau mỗi trận bóng, có thể các bạn chỉ thấy hình ảnh đội tuyển ăn mừng và khán giả hừng hực cổ vũ. Thế nhưng, mỗi lúc ra về, lướt nhìn qua khán đài cổ vũ, tôi đều hay thấy sót lại những chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa… Mỗi ngày không chỉ ở các sân vận động, mà mỗi nhà, mỗi thành phố đều có một lượng lớn RTN được thải ra, gây gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ việc lựa chọn đồ dùng với vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế dần đồ nhựa, đặc biệt là ống hút nhựa, từ đó góp phần giảm thiểu RTN ra môi trường. “Tôi rất vui khi được đồng hành cùng Bộ TN&MT nhằm thay đổi thói quen dùng ống hút nhựa để BVMT và vì một sân chơi Việt Nam xanh. Mọi người hãy cùng chung tay nói không với ống hút nhựa và lan tỏa thông điệp hành động này nhé!” Hùng Dũng kêu gọi.

Bùi Hằng

                       

 

Ý kiến của bạn