Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam

11/07/2022

    Ngày 5/7/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề "Mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ tại Tọa đàm

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

    Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong vòng 10 năm tới sẽ cần nguồn đầu tư rất lớn, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10 - 20 tỷ USD. Đồng thời, cũng cần tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ; đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn để ngày càng tốt hơn.

    Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam TS. Vũ Tiến Lộc mong muốn, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cũng là đại diện ký kết các hợp đồng đối tác công - tư tại các địa phương, cùng với nhà đầu tư trong và nước ngoài; các tổ chức độc lập có kinh nghiệm và nhiều năm có quan tâm, nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này cùng chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến để xây dựng các hướng dẫn chi tiết cho hoạt động đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công - tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn...

    Tại Tọa đàm, chia sẻ về chính sách của Nhà nước đối với hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ, để thực hiện chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và xử lý chất thải; nhất là việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, xã hội hóa các công trình, dự án đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế; giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để. Cùng với đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhập khẩu một số loại còn chưa phù hợp với thực tế chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam cũng chưa được phân loại tại nguồn. Trong khi đó, các địa phương hiện cũng đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau.

    Do vậy, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền, Nhà nước cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP; trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai,... để thu hút đầu tư của tư nhân; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị; xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thấu quốc tế; hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

    Ngoài ra, đối với nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu, Nhà nước và nhà đầu tư cần thương thảo các nội dung quan trọng, đặc biệt là phân chia trách nhiệm, cơ chế phối hợp. Bộ TN&MT hiện đã ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Nhà đầu tư có thể sử dụng làm căn cứ để xác định đầu tư loại hình công nghệ phù hợp với đặc thù chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

    Để tìm hướng đi cho phương thức PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn tại Việt Nam, xung quanh phiên thảo luận, các đại biểu, chuyên gia cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình và Long An… cũng đã có những tham luận chia sẻ, cung cấp thêm nhiều thông tin thực tế, những góc nhìn khác nhau liên quan đến nội dung tìm kiếm các mô hình hợp tác công - tư hiệu quả. Các thông tin được trao đổi tại Tọa đàm sẽ là cơ sở, nền tảng để xây dựng Báo cáo rà soát đánh giá các hướng dẫn của mẫu hợp đồng BLT và là nguồn thông tin tham khảo cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước, phía cơ quan nhà nước phụ trách tham gia ký kết hợp đồng BLT và phía nhà đầu tư tư nhân.

Phạm Đình

Ý kiến của bạn