Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lựa chọn phương án sử dụng giấy phép môi trường

26/10/2020

    Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ năm theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. 

 

Phiên họp kỳ thứ 10 Quốc hội khoá XIV (Ảnh theo quochoi.vn)


    Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

    Báo cáo tại phiên họp, UBTVQH xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về lựa chọn phương án sử dụng giấy phép môi trường.

    Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình): Chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật BVMT năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước. Về việc dùng một loại giấy phép: Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều có nội dung cơ bản giống nhau cho 1 đối tượng xả nước thải. Do đó, theo giấy phép mới sẽ giải quyết được tình trạng một đối tượng là nước thải xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ thủ tục hành chính do các cơ quan về quản lý khác nhau thực hiện; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm đầu mối trong quản lý. Tuy nhiên thực hiện phương án 1 phải sửa đổi, bổ sung 2 khoản của Điều 44 (điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 44) và bãi bỏ Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 như tại Điều 173; đồng thời có quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như tại Điều 174 của Dự thảo Luật và phải phân định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (thuộc ngành tài nguyên và môi trường) và cơ quan quản lý vận hành và chịu trách nhiệm về chất lượng nước của công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt (thuộc ngành NN&PTNT).

    Phương án 2: Vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” theo quy định của Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Theo phương án 2 thì việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi sẽ phân định rõ trách nhiệm của ngành NN&PTNT đảm bảo chất lượng nguồn nước thủy lợi. Cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Một số ý kiến cho rằng nếu theo phương án 1 thì phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi và có làm quản lý thủy lợi tốt hơn không thì vẫn là vấn đề ở phía trước.

    Căn cứ 2 phương án nêu trên, Dự thảo Luật đã thể hiện quy định của các điều liên quan cho từng phương án tại Mục 4 - Giấy phép môi trường. Theo đó, phương án 1 gồm các điều từ Điều 40a đến Điều 49a; phương án 2 gồm các điều từ 40b đến Điều 45b. Đồng thời có quy định theo 02 phương án ở Điều 173 và Điều 174.

    Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đồng tình với phương án 1, tức là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, đại biểu cho rằng cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, các đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Lê Công Nhường (Bình Định), Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đều cho rằng việc đưa ra giải pháp ở phương án 1 là thay đổi có tính đột phá theo hướng quy định thì đơn giản, nhưng quản lý được và có tính động viên trong công tác BVMT.

    Theo đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) thì cần thực hiện phương án 2, là vẫn thực hiện cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như đã được quy định trong Luật Thủy lợi vì Luật Thủy lợi do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm và bảo vệ số lượng và chất lượng về nước trong công trình thủy lợi để đáp ứng việc chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là hợp đồng dân sự. Nếu giao ngành tài nguyên môi trường thực hiện cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi sẽ dẫn đến việc quản lý nhà nước về công trình thủy lợi do 2 ngành quản lý, tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm về chất lượng nước mà ngành nông nghiệp phát và triển nông thôn chịu trách nhiệm về số lượng nước trong các công trình thủy lợi. Nếu chia tách 2 vấn đề này về số lượng và chất lượng như vậy sẽ không bảo đảm tính khoa học, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và sẽ dẫn đến việc vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

    Sau khi nghe thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ý kiến, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.

    Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng quan tâm tới các vấn đề khác như: Chính sách của Nhà nước về bảoBVMT; nguyên tắc BVMT; vai trò của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong BVMT; những hành vi bị nghiêm cấm; về quỹ BVMT; vấn đề rà soát, hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch BVMT; về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp; về kiểm toán môi trường và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; về cải cách thủ tục hành chính, rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào lĩnh vực BVMT…

    Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trường hợp còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn