Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lấy ý kiến góp ý về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường giai đoạn 2021 - 2025

24/12/2021

    Ngày 23/12/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý môi trường tại Tổng cục giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự Hội thảo trực tuyến có 160 đại biểu, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, các Sở TN&MT, Công ty về CNTT tại 118 điểm cầu. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu khai mạc Hội thảo

    Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, CNTT đã có bước phát triển ấn tượng với nhiều thành tựu trong ngành công nghiệp phần mềm, viễn thông và ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động quản lý. Tuy nhiên, nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số hiện nay gặp nhiều khó khăn, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chưa khai thác hết sức mạnh, khả năng của CNTT trong giải quyết các vấn đề của quản lý và phát triển, chưa thực sự chú trọng phát triển CNTT, chậm triển khai xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ... 

    Chính phủ coi ứng dụng CNTT, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Luật BVMT năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 cũng có nhiều điểm mới so với Luật BVMT năm 2014, trong đó thống nhất chủ trương xây dựng một hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Tại Khoản 2 Điều 115 của Luật đã quy định rõ, cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật, lưu trữ và quản lý đáp ứng yêu cầu truy nhập, cung cấp, sử dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT, cung cấp dịch vụ công về môi trường. Đồng thời quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các Bộ/ngành: Bộ TN&MT xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu về môi trường của mình; Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu môi trường của mình; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường Nguyễn Văn Thùy phát biểu tại Hội thảo

    Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, thời gian qua, Tổng cục Môi trường rất quan tâm và chú trọng đến việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành phục vụ tốt công tác quản lý môi trường. Từ năm 2003, Tổng cục Môi trường đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc môi trường cho các trạm quan trắc tự động, liên tục trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia. Đến năm 2018, trên cơ sở kế thừa và phát triển phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc, phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động (Envisoft) đã được xây dựng. Đặc biệt, song song với việc triển khai thực hiện chuyển giao phần mềm Envisoft cho Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố trên cả nước, Tổng cục Môi trường còn thực hiện xây dựng ứng dụng khai thác, sử dụng số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục trên nền tảng di động, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nhu cầu về thông tin chỉ số chất lượng môi trường không khí tới cộng đồng và là công cụ đắc lực cho các nhà quản lý khi thực hiện thanh kiểm tra, giám sát hoặc tra cứu dữ liệu quan trắc tự động liên tục. Hiện Tổng cục Môi trường đã giao Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường là đơn vị chủ trì, xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng CNTT tại Tổng cục. Trung tâm đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị trong Tổng cục nâng cấp, xây dựng các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý môi trường ngày một tốt hơn, kết nối giữa Trung ương và các địa phương nhằm cung cấp thông tin tốt nhất cho cộng đồng.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, ứng dụng CNTT đang là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong chuyển đổi số, đổi mới toàn diện ngành TN&MT, áp dụng khoa học công nghệ, sáng tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ sở quan trọng, phương thức mới giúp cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững ngành trong thời gian tới.

    Để việc ứng dụng CNTT trong quản lý môi trường tại Tổng cục giai đoạn 2021 - 2025 đạt được hiệu quả cao hơn, nhất là khi Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian cũng như chi phí thực hiện thủ tục hành chính theo các quy định của Chính phủ. Đặc biệt, ứng dựng CNTT trong việc cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường (nhất là chất lượng môi trường không khí); Giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, không để xảy ra sự cố môi trường; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường đồng bộ giữa các Bộ/ngành, địa phương… Từ đó, đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý môi trường.

Đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến tại các điểm cầu

    Tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường cùng các chuyên gia giới thiệu: Chương trình chuyển đổi số của Tổng cục Môi trường giai đoạn 2021 - 2025; Các quy định, hướng dẫn kỹ thuật trong xây dựng, quản lý, vận hành và kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu môi trường các cấp; Giới thiệu, triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…

    Cũng tại Hội thảo, đại diện các Sở TN&MT tỉnh/thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Lạng Sơn, Bến Tre… đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong lĩnh vực môi trường; vấn đề chuyển đổi số trên toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam; Sự thống nhất các nội dung, lộ trình chuyển đổi số…

    Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt Tổng cục Môi trường, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường Nguyễn Văn Thùy trân trọng cảm ơn và ghi nhận những đóng góp cụ thể, xác đáng của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT, Công ty về CNTT… chuyển đổi số. Từ chia sẻ của các đại biểu về những khó khăn, thách thức, cũng như nhu cầu thực tiễn của địa phương khi thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Tổng cục Môi trường sẽ có những điều chỉnh kịp thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trong thời gian tới một cách hiệu quả, thiết thực, phục vụ cho công tác điều hành, tác nghiệp về môi trường trên cả nước.

Mai Hương

Ý kiến của bạn