Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Khởi động Dự án Hợp tác song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản về chính sách kỹ thuật môi trường theo hình thức đồng lợi ích năm 2022 - 2023

24/10/2022

    Ngày 24/10/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT Việt Nam phối hợp với Cục Môi trường nước và không khí, Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án Hợp tác song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản về chính sách kỹ thuật môi trường theo hình thức đồng lợi ích năm 2022 - 2023. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức tham dự Hội thảo.

    Dự án Hợp tác song phương đồng lợi ích giữa Việt Nam - Nhật Bản được khởi động từ năm 2021 về mở rộng hợp tác quốc tế liên quan tới công nghệ môi trường, được xây dựng trong khuôn khổ triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về môi trường giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản và ký kết ngày 25/8/2021, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng trong Kỳ họp Đối thoại Chính sách Môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6. Dự án được thực hiện nhằm tăng cường, tạo điều kiện và phát triển hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực môi trường, tái khẳng định tầm quan trọng của các hành động nhằm thực hiện nhanh chóng và thành công Thỏa thuận Pari và các Mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước vì sự phát triển bền vững; nâng cao tầm quan trọng của việc bảo tồn và cải thiện môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

    Sau khi Dự án được Khởi động trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động nhưng từ tháng 11/2021 đến nay, Bộ TN&MT Việt Nam cùng với Bộ Môi trường Nhật Bản đã khẩn trương thực hiện các hoạt động tập trung vào mục tiêu phòng chống ô nhiễm không khí, giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam và thu được các kết quả khả quan. Cụ thể như: Đã lựa chọn được 3/558 doanh nghiệp ứng viên tham gia thí điểm đồng lợi ích như mục tiêu ban đầu dự án đặt ra; ban hành Sổ tay đánh giá/thực hiện Đồng lợi ích dành cho doanh nghiệp Việt Nam phiên bản 1; thực hiện khảo sát khả năng hình thành Dự án cơ chế tín chỉ chung (JCM) và lựa chọn 3 cơ sở doanh nghiệp ứng viên cho Dự án JCM, đánh giá hiệu quả giảm khí nhà kính, hiệu quả kinh tế cũng như được hỗ trợ để làm việc với Trung tâm Môi trường Toàn cầu GEC, là đơn vị hỗ trợ đầu tư thiết bị JCM.

    Sau khi kết thúc các hoạt động của năm thứ nhất với các kết quả khả quan, hai bên tiếp tục thực hiện các hoạt động để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả của Dự án. Năm 2022, các hoạt động trọng tâm sẽ tiếp tục triển khai như Dự án thí điểm kiểm chứng đồng lợi ích; phát triển đào tạo nguồn nhân lực và cập nhập sổ tay đánh giá/thực hiện đồng lợi ích phiên bản 2; tìm kiếm các doanh nghiệp mong muốn xin hỗ trợ đầu tư thiết bị JCM và các cơ chế liên quan.

    Các kết quả ban đầu của Dự án sẽ góp phần hiện thực hóa các kết quả của Hội nghị lần thứ 26 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và chuẩn bị cho nội dung của Hội nghị COP27 là triển khai thực hiện các quyết định của COP26; xây dựng mục tiêu thích ứng toàn cầu; huy động nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được tổ chức từ ngày 6/11 đến ngày 18/11/2022 tại Cộng hòa Ai-cập.

Toàn cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động của Bộ Môi trường Nhật Bản trong vai trò hỗ trợ Bộ TN&MT Việt Nam trong công tác quản lý, BVMT, đem lại lợi ích cho cộng đồng và góp phần quan trọng tạo ra lợi ích môi trường toàn cầu bằng các giải pháp quản lý, kỹ thuật, công nghệ, hiệu quả trên cơ sở kinh nghiệm quốc gia và kỹ thuật mới, tiên tiến. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức hy vọng, Bộ Môi trường Nhật Bản, Cục Môi trường nước và không khí sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong và ngoài khuôn khổ các hợp tác song phương vì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và BVMT ở Việt Nam.

Đức Anh

Ý kiến của bạn