Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

23/12/2020

    Ngày 23/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Lễ khởi động Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) đại dương tại Việt Nam. Tham dự Lễ khởi động có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam; Tổ chức trong nước và quốc tế, doanh nghiệp…

    Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam do Bộ TN&MT đại diện, với Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về nhựa, nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ khởi động

    Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, RTN hiện được xem là “báo động đỏ”, vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Đã đến lúc, chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

    Ngay từ năm 2018, hưởng ứng chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” do Liên hợp quốc phát động, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về  RTN. Đồng thời, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm RTN, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực. Trong thời gian tới, hy vọng, sáng kiến Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả RTN.

    Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng. Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát RTN không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030 - trừ khi có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.

    Theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra một loạt các mục tiêu với thời hạn cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, bao gồm cắt giảm một nửa lượng RTN trong môi trường biển vào năm 2025; giảm thiểu 75% lượng RTN trên biển vào năm 2030; và loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

    Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật BVMT năm 2020 với nhiều nội dung đột phá về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý RTN; phòng, chống ô nhiễm RTN đại dương, trong đó quy định trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

    Kỳ vọng sự đóng góp từ NPAP để hỗ trợ các chiến lược, kế hoạch và cơ chế quản lý RTN tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đây là một trong những nội dung hợp tác giữa Bộ TN&MT với Diễn đàn Kinh tế thế giới và Việt Nam là một trong 3 quốc gia tiên phong trên toàn cầu thực hiện Sáng kiến Chương trình Đối tác Hành động toàn cầu về nhựa. Đồng thời, đây cũng là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa hiệu quả, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.

    Cam kết thực hiện mục tiêu giảm thiểu RTN, ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc quốc gia WWF Việt Nam cho biết, sẽ tích cực hợp tác với Bộ TN&MT và các bên liên quan để thúc đẩy việc hình thành, vận hành cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu gom, xử lý bao bì nhựa sau sử dụng. Ngoài ra, WWF tiếp tục xây dựng những mô hình và đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải hài hòa với hệ sinh thái tại các địa phương, trợ giúp các địa phương thiết lập các kế hoạch quản lý ngăn chặn thất thoát nhựa ra môi trường thông qua sáng kiến đô thị giảm nhựa, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố trên toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Lễ khởi động

    NPAP sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cộng đồng năng động hiện hữu về các sáng kiến hành động về nhựa, thúc đẩy nhanh tiến độ nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên. NPAP sẽ đóng vai trò tập hợp và kết nối để quy tụ các chủ thể thuộc nhà nước, tư nhân và xã hội cùng gắn kết theo một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa, đồng thời chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.

Châu Loan

Ý kiến của bạn