Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022

22/03/2022

    Việt Nam là quốc gia luôn tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện quốc tế về tài nguyên và môi trường, nhằm khẳng định sự nỗ lực thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến sự phát triển bền vững.

    Năm nay, Bộ TN&MT sẽ chủ trì tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến vào ngày 23/3/2022 tại TP. Hà Nội, dự kiến với hơn 400 điểm cầu tham dự trực tuyến của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, Đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng. Đặc biệt, tại Lễ phát động sẽ công bố thông điệp của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc với những chỉ đạo quan trọng và mang tầm chiến lược đối với công tác khí tượng thủy văn, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, biến đổi khí hậu... Đây là sự quan tâm to lớn của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện quyết tâm hành động, sáng tạo, hiệu quả của toàn cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, BVMT, an ninh nguồn nước, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

1. Ngày Nước thế giới:

    Ngày Nước thế giới 22/3/2022 được Liên hợp quốc (UN) phát động với chủ đề là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” (Groundwater - Making the invisible visible), nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm; thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

    Nguồn nước ngầm có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người và các sinh vật trên Trái đất. Hiện nay, tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, nước ngầm là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên dễ sử dụng nhất, phục vụ nhu cầu cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất của con người. Chính vì vậy, không phải lúc nào con người cũng có thể biết và xác định, tiếp cận, đo lường hay nghiên cứu nước ngầm. Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với con người, nước ngầm góp phần ổn định dòng chảy của nhiều con sông, đồng thời giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở và sụt lún đất. Đây chính là nguồn nước đáng tin cậy dùng cho nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và có thể sử dụng một cách linh hoạt.

    Mặc dù, nguồn nước ngầm tương đối dồi dào nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường nước ngầm nói riêng ở nước ta đã và đang là thách thức. Trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng tăng cao, nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng. Như vậy, nếu như không có các chính sách và kế hoạch quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn thì nguồn tài nguyên hữu hạn, quý giá này sẽ không được bảo vệ.

    Thông qua thông điệp chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay, Bộ TN&MT mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận định nước ngầm quan trọng đối với con người và môi trường. Bằng các biện pháp bảo vệ cũng như tôn vinh những giá trị của nước đem lại, chúng ta có thể đánh giá một cách toàn vẹn, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý và bảo vệ nguồn nước.

2. Ngày Khí tượng thế giới:

    Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2022 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai”. Thông điệp này nhấn mạnh vai trò công tác thông tin, dự báo tác động, đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu tốt hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế bền vững cho người dân.

    Dưới tác động của thời tiết ngày càng khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng lương thực, di dời và di cư cũng như mất an ninh kinh tế xã hội. Ngày nay, những dự báo về thời tiết không còn là đủ, dự báo dựa trên các tác động thông tin cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra là rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

    Đại dịch Covid-19 đã và đang làm phức tạp hóa những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế ứng phó. Đại dịch cũng chỉ ra, trong một thế giới kết nối, cần áp dụng cách tiếp cận đa hiểm họa, xuyên biên giới để tạo ra những bước tiến hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững. Chuẩn bị sẵn sàng và có thể hành động đúng lúc, đúng chỗ, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi, cả hiện tại và trong tương lai.

    Trong bối cảnh dân số toàn cầu gia tăng, đô thị hóa và suy thoái môi trường, nhu cầu về dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi chuyển đổi mạnh mẽ. Vì vậy, việc cảnh báo và hành động sớm trong công tác thông tin khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam đã được duy trì và thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần khôi phục, tái thiết, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau thiên tai.

    Đặc biệt, trong năm nay, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tăng cường công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt hướng tới nâng cao kiến thức, hiểu biết cơ bản về thời tiết, khí hậu, thiên tai cho học sinh, thanh thiếu niên là thế hệ trẻ và là chủ nhân tương lai của đất nước, để các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng ngừa giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra, góp phần phục vụ thiết thực đời sống hằng ngày và tham gia vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ TN&MT tổ chức trao giải Cuộc thi “Khí tượng Thủy văn trong em” và đã nhận được rất nhiều bài thi tham dự.

3. Chiến dịch Giờ Trái đất

    Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ”, mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về vai trò quan trọng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải mê-tan toàn cầu đến năm 2030, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia nhiều sáng kiến khác. Cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 để khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm cao của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

    Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn chúng ta cùng chung tay để giảm bớt gánh nặng cho môi trường và thiên nhiên. Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu thông qua các hành động đơn giản, đặc biệt tăng cường sử dụng hợp lý năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, tái tạo vì một Trái đất xanh. Đồng thời, vận động các tổ chức, cơ quan và người dân thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết thời gian diễn ra sự kiện, triển khai phổ biến các nội dung về tiết kiệm điện và BVMT.

    Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nền tảng công nghệ số trong công tác tuyên truyền, truyền thông về các hoạt động hướng lợi cho môi trường, thiên nhiên đang trở nên vô cùng quan trọng. Tổ chức triển lãm trực tuyến thực tế ảo (VR360) hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất là một xu hướng được ứng dụng mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, với ngày càng nhiều tính năng đa dạng, sinh động nhằm truyền thông tới mọi lứa tuổi.

    Nhằm lan toả hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động: “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 26/3/2022 (Thứ Bảy). Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nói không với việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, hướng tới tiêu chí “thực phẩm bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm”. Các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Tổng kết và ghi lại hình ảnh, videoclips các hoạt động hưởng ứng; đăng tải trên các phương tiện mạng xã hội kèm hashtag: #GioTraidat #BoTNMT.

Hồng Nhung

 

Ý kiến của bạn