Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hội thảo phổ biến quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường

27/08/2021

     Ngày 25/8/2021, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo trực tuyến phổ biến nội dung quy định Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức chủ trì Hội thảo.​ Cùng tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành, Sở TN&MT các địa phương thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại Hội thảo​

Quan trắc môi trường là hoạt động đóng vai trò rất quan trọng trong công tác BVMT, cung cấp các số liệu về hiện trạng chất lượng môi trường, đánh giá hoạt động xả thải ra môi trường, từ đó giúp các cơ quan hữu quan thực hiện chức năng quản lý môi trường. Hiện nay, các quốc gia, khu vực trên thế giới đều quan tâm, chú trọng tới việc thiết lập các mạng lưới quan trắc môi trường nhằm đánh giá diễn biễn, đưa ra cảnh báo và xây dựng các phương án quản lý phù hợp. Tại Việt Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ 20, sau khi Luật BVMT đầu tiên ra đời năm 1993. Những năm vừa qua, hoạt động quan trắc môi trường luôn được Bộ TN&MT quan tâm chỉ đạo sát sao. Quy định pháp luật về kỹ thuật quan trắc môi trường đã được xây dựng, ban hành và dần hoàn thiện qua các văn bản như: Thông tư số 10/2007/TT-BTNMT ngày 22/10/2007 hướng dẫn đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường; các thông tư quy định về kỹ thuật quan trắc các thành phần môi trường đất, nước, không khí ban hành năm 2011; Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017 quy định kỹ thuật quan trắc môi trường…

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Tổng cục Môi trường

     Tuy nhiên, trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tế trong công tác quản lý đối với hoạt động quan trắc môi trường, một số nội dung quy định trong Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT cần được rà soát, điều chỉnh, cập nhật và bổ sung những quy định mới. Do đó, từ năm 2020, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan tham khảo, học tập các quy định quốc tế… để xây dựng Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Nội dung Thông tư được hoàn thiện trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp, hiệu quả, sửa đổi những quy định còn bất cập của Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT và bổ sung một số quy định mới để phù hợp với quy định liên quan của Luật BVMT năm 2020. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư, Tổng cục Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý của 8 Bộ liên quan, 47 ý kiến từ địa phương và rất nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện hoạt động quan trắc định kỳ và tự động. Những ý kiến này đều được Tổng cục Môi trường rà soát, tổng hợp, nghiêm túc tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện, thẩm định nội dung Thông tư mới.

Đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc và  Sở TN&MT các địa phương thuộc khu vực miền Bắc

    Sau khi hoàn thành quá trình thẩm định theo quy định pháp luật, ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2021, riêng Chương III có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, thay thế Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT và thay thế Chương III Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT.

     Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe đại diện Tổng cục Môi trường phổ biến về những nội dung chính của Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT, bao gồm: Quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường đối với chất lượng không khí xung quanh, tiếng ồn và độ rung, nước mặt, nước dưới đất, nước biển, nước mưa, đất, trầm tích; Quy định về kỹ thuật quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP; Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường đối với nước thải, khí thải công nghiệp, bùn thải từ hệ thống xử lý nước; Quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường; Quy định về các yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật của trạm quan trắc chất lượng nước mặt và chất lượng không khí xung quanh, nước thải và khí thải tự động, liên tục; Yêu cầu về việc nhận, truyền và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục; Quản lý, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. 

     Trên cơ sở đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc kiểm tra chất chuẩn tối thiểu; điều kiện hoạt động của trạm quan trắc tự động; truyền nhận thông số trạng thái; đề nghị giải thích, hướng dẫn rõ hơn về quan trắc nước dưới đất; hướng dẫn cách tính toán xác định mol phân tử khí khô hàm ẩm và nồng độ bụi; hướng dẫn cụ thể hơn về các biểu mẫu báo cáo… nhằm triển khai thực thi các quy định của Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT một cách hiệu quả trong thời gian tới.

     Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức đánh giá cao ý kiến góp ý cũng như phương án khả thi mà các đại biểu đã đưa ra để triển khai hiệu quả Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp với Tổng cục Môi trường nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư.

     Ngày 27/8, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo phổ biến nội dung quy định của Thông tư đến các đối tượng liên quan thuộc khu vực miền Nam.

An Bình

Ý kiến của bạn