Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường

21/10/2022

    Ngày 21/10/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức chủ trì Hội thảo.

    Căn cứ theo Luật BVMT năm 2020, Luật Giá năm 2012, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Thông tư số 16/2021/TT-BTNMT, Quyết định số 2602/QĐ-BTNMT… và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành có liên quan đến hoạt động quan trắc môi trường; đặc biệt do hiện nay, các công nghệ, phương pháp quan trắc môi trường liên tục phát triển, hiện địa hóa; nhiều văn bản, quy định mới được ban hành như Luật, Nghị định, Thông tư, QCVN… được cập nhật, bổ sung; nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển của ngành TN&MT trong từng giai đoạn, việc xây dựng Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc môi trường là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho việc lập, triển khai thực hiện, thẩm định và quyết toán các công việc có liên quan tới công tác quan trắc môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo

    Dự kiến, định mức kinh tế- kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường áp dụng cho những công việc sau: Đối với hoạt động quan trắc môi trường định kỳ các thành phần môi trường: không khí xung quanh, tiếng ồn và độ rung; nước mặt lục địa; đất; nước dưới đất; nước mưa; nước biển; phóng xạ; khí thải công nghiệp; nước thải; trầm tích; chất thải; bùn thải; quan trắc các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị; Đối với hoạt động quan trắc môi trường tự động, liên tục gồm: Trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (bao gồm trạm cơ bản và trạm cảm biến hóa); trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục và trạm quan trắc nước biển tự động, liên tục.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất về khung cấu trúc chung của định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt dộng quan trắc môi trường. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề về định mức: Lao động; dụng cụ; vật liệu; thiết bị. Một số đại biểu cho rằng, cần có thuyết minh thêm về định mức, đơn giá dự tính để dễ theo dõi; đặc biệt, Tổ Soạn thảo cần rà soát lại các thông số, định mức về công lao động…

    Đồng thuận với các ý kiến góp ý, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, việc xây dựng Thông tư cần bám sát các Luật, Quyết định, quy chuẩn đã được ban hành. Liên quan đến thành phần môi trường, Tổ soạn thảo cần có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân để thống nhất các định mức cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị Tổ Soạn thảo rà soát và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, đặc biệt đề nghị các đơn vị gửi ý kiến góp ý cụ thể bằng văn bản về Tổng cục Môi trường nhằm hoàn thiện Dự thảo Thông tư.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn