Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 32: Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên giải quyết các vấn đề môi trường

02/11/2021

    Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 32 (Hội nghị ASOEN 32) và các Hội nghị khác có liên quan đã được tổ chức từ ngày 15 - 17/9/2021, thông qua hình thức trực tuyến. Hội nghị ASOEN 32 là dịp để các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau rà soát các chương trình hoạt động của ASOEN, cũng như thảo luận để đưa ra các khuyến nghị, qua đó các hoạt động của ASOEN trở nên ngày một hiệu quả hơn, góp phần đạt được những mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN và sự bền vững về môi trường trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

    Hội nghị cũng diễn ra đồng thời với các Hội nghị có liên quan khác, bao gồm: Hội nghị Đối thoại ASEAN-Nhật Bản về môi trường lần thứ 15 (Hội nghị AJDEC); ASEAN-Hàn Quốc về môi trường và BĐKH lần thứ nhất; Đối thoại cấp cao ASEAN-EU về môi trường và BĐKH lần thứ 3 (ASEAN-EU HLD); Hội nghị trù bị cho Đối thoại các Quan chức cao cấp ASEAN-Hoa Kỳ về môi trường và BĐKH; Quan chức cao cấp về môi trường ASEAN cộng ba lần thứ 18 (ASEAN+3 SOME).

TS. Nguyễn Văn Tài (thứ năm bên phải), Chủ tịch ASOEN Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Kết quả hoạt động của 7 Nhóm công tác ASOEN thuộc 8 lĩnh vực hợp tác môi trường

    Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN đã cùng nhau rà soát lại kết quả hoạt động của 7 Nhóm công tác về môi trường biển và đới bờ, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, thành phố môi trường bền vững, quản lý tài nguyên nước. Hội nghị ASOEN 32 đã ghi nhận các kết quả, gồm: tiến độ và kế hoạch hoàn thiện và trình thông qua các các Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BDDKJ lần thứ 26 (COP 26 UNFCCC); bảo tồn đa dang sinh học (ĐDSH) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước ĐDSH lần thứ 15 (COP 15 CBD; hóa chất và chất thải tại tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm lần thứ 21; Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển xanh và bền vững; Báo cáo hiện trạng BĐKH của ASEAN.

    Cùng với đó, Hội nghị cũng thông qua danh sách Đề cử Giải thưởng các thành phố (TP) ASEAN bền vững môi trường (ESC) lần thứ 5 và các TP được nhận Chứng chỉ TP bền vững về môi trường lần thứ 4. Trong đó, có 10 TP được nhận Giải thưởng ESC và 13 TP được nhận Chứng chỉ TP bền vững môi trường ASEAN. Việt Nam có TP. Cần Thơ được đề cử nhận Giải thưởng ESC và TP. Ninh Bình được đề cử Chứng chỉ TP bền vững về môi trường ASEAN, ở hạng mục Đất sạch. Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16 tại Inđônêxia (dự kiến tháng 10/2021). Đồng thời, Hội nghị ghi nhận tiến trình đề cử các Vườn Di sản ASEAN mới, bao gồm: Khu bảo tồn quốc gia Nam Poui (Lào); Vườn Quốc gia (VQG) Endau Rompin Johor (Malaixia); VQG Pasonanca (Philippines); VQG Côn Đảo (Việt Nam).

    Ngoài ra, một số đề xuất dự án cũng được Hội nghị xem xét sẽ triển khai trong thời gian tới, cụ thể là Dự án ASEAN - Đức về tăng cường quản lý rác thải sinh hoạt tại các TP ASEAN; Dự án không khí sạch cho ASEAN bền vững: Chương trình ô nhiễm không khí ASEAN - Hàn Quốc; Chương trình hành động khí hậu ASEAN - Đức và Chương trình Đông Á về rác thải nhựa biển.

    Một số hoạt động khác trong khuôn khổ ASOEN cũng được Hội nghị ghi nhận như: Tiến độ xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 6 (SOER6). Theo đó, các nước thành viên đã cử đại diện tham gia vào Nhóm công tác kỹ thuật để xây dựng SOER6. Theo kế hoạch, Báo cáo SOER6 sẽ được hoàn thành và công bố vào năm 2022; triển khai đề xuất thành lập Viện Kinh tế xanh ASEAN do Myanmar đề xuất; Hợp tác ASEAN về công nghệ thân thiện môi trường; Xây dựng Khung hợp tác ASEAN về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP)…

Việt Nam cam kết tích cực thúc đẩy hợp tác về môi trường

    Về phía Việt Nam, tham gia Hội nghị ASOEN 32 và các Hội nghị khác có liên quan, Đoàn Việt Nam đã tích cực đưa ra những ý kiến đóng góp cho các vấn đề quan trọng của các Hội nghị, đảm nhiệm tốt vai trò là Quốc gia Điều phối hợp tác ASEAN-Hàn Quốc từ năm 2021; đóng góp nhiều đề xuất cho hoạt động của các lĩnh vực hợp tác như ĐDSH, môi trường biển và đới bờ, TP bền vững môi trường, hóa chất và chất thải, giáo dục môi trường…

    Tại Hội nghị, Việt Nam cũng thông báo về việc đăng cai tổ chức Hội nghị về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH dự kiến vào tháng 12/2021 và kêu gọi các nước tham gia và tích cực ủng hộ. Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về tài nguyên nước lần thứ 22 vào năm 2022.

    Hội nghị ASOEN 32 cũng thảo luận một nội dung quan trọng của hợp tác ASEAN về môi trường trong năm 2021, với việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 16 (AMME) và các Hội nghị khác có liên quan. Bên cạnh đó, Hội nghị Uỷ ban dưới Hiệp định ASEAN về khói mù xuyên biên giới (AATHP) lần thứ 16 và Hội nghị các bên tham gia AATHP lần thứ 16 (COP 16 AATHP) cũng được tổ chức liền kề với Hội nghị AMME 16. Các Hội nghị này sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham dự.

TP. Ninh Bình được nhận Chứng chỉ thành phố ASEAN tiềm năng bền vững môi trường lần thứ 4

    Năm 2021 là năm có nhiều thách thức đối với thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng do đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN để giảm thiểu các tác động do dịch bệnh mang lại, đồng thời vẫn nỗ lực quyết tâm để chung tay giải quyết các vấn đề môi trường ưu tiên trong khu vực về biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, rác thải nhựa biển, hoá chất và chất thải và những vẫn đề liên ngành, liên lĩnh vực.

    ASEAN đặc biệt coi trọng và tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác liên ngành qua việc xây dựng Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển xanh và bền vững; Chương trình hành động 2.0 về khí hậu ASEAN-Nhật Bản; Tổ chức Đối thoại Cấp cao ASEAN-EU về Môi trường và BĐKH (2021); Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc về Môi trường và BĐKH (giai đoạn 2021-2024 Việt Nam là nước điều phối hợp tác ASEAN-Hàn Quốc); Ủng hộ ý tưởng tổ chức sự kiện cấp cao ASEAN-Vương quốc Anh bên lề COP-26 Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH; Tổ chức hội nghị trù bị cho Đối thoại cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ về Môi trường và BĐKH.

    Để đáp ứng yêu cầu và trách nhiệm của quốc gia đối với hợp tác ASEAN về môi trường, Việt Nam sẽ ưu tiên và tăng cường nhân lực và tài chính trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục tích cực và chủ động để đề xuất các sáng kiến thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hợp tác môi trường giữa các nước thành viên, các nước đối tác, đặc biệt là các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay về BĐKH, rác thải nhựa biển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nguyễn Minh Cường

Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

Ý kiến của bạn