Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hà Nội cần có phương án chiến lược để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch

26/10/2020

    Ngày 23/10/2020, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Nhuệ - Đáy do Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - Đáy làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện Đề án BVMT LVS Nhuệ - Đáy, giai đoạn 2008- 2020 (Đề án) và đề xuất định hướng trong giai đoạn mới của Thành phố.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại buổi làm việc

 

    Báo cáo kết quả thực hiện Đề án, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, LVS Nhuệ - Đáy có diện tích tự nhiên 7.388 km², nằm trên địa bàn 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong giai đoạn 2008 - 2020, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước LVS Nhuệ - Đáy, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã có liên quan tích cực triển khai nhiều giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường trên LVS, ưu tiên xử lý các con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có sông Tô Lịch, sông Nhuệ và sông Đáy (đoạn chảy qua địa phận Hà Nội và tỉnh Hà Nam lân cận).

    Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng đến việc xử lý môi trường nước sông Tô Lịch triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách về BVMT TP. Đồng thời, TP đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt, nước thải làng nghề quy mô lớn như Nhà máy XLNT Yên Xá, công suất 270.000m³/ngày đêm; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) 500m³/ngày, đêm; Nhà máy XLNT Vân Canh 4.000m³/ngày, đêm; Nhà máy XLNT Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) 8.000m³/ngày, đêm...; các dự án xử lý CTR đầu tư cải tạo, nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi thuộc LVS Nhuệ - Đáy; tích cực triển khai các dự án làm sạch, thu gom, nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước; tăng cường công tác kiểm tra vi phạm hành lang sông... Tuy nhiên, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nước sông Nhuệ, sông Đáy vẫn còn một số khó khăn, thách thức bởi BVMT LVS liên quan đến nhiều lĩnh vực, Bộ, ngành và địa phương; thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các dự án xử lý ô nhiễm môi trường; ý thức về BVMT của người dân sống trên LVS còn hạn chế.

    Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước LVS Nhuệ - Đáy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn với vấn đề BVMT, điều kiện an sinh - xã hội của người dân, do đó, TP đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án BVMT LVS như: Tăng cường chỉ đạo sản xuất, đẩy nhanh tiến độơ triển khai các chương trình, nhiệm vụ, đầu tư dự án BVMT, XLNT, đặc biệt tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nước của 4 con sông nội đô TP là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu; xây dựng công trình thoát nước đô thị; quản lý hành lang sông; quản lý sự phát triển KCN, CCN dọc sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song đây là một nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, cũng như các địa phương trên LVS; đồng thời, phải nghiên cứu, xem xét điều chỉnh lại hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - Đáy, cả về cơ chế, phương diện tổ chức, phương thức triển khai nhiệm vụ cho từng địa phương, từng vùng; huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư hệ thống XLNT để giải quyết những bức xúc trên LVS Nhuệ - Đáy.

    Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, việc thực hiện Đề án BVMT LVS Nhuệ - Đáy có một số khó khăn, trong đó có 3 tồn tại lớn nhất là về nguồn lực tài chính triển khai các hoạt động thực hiện Đề án còn hạn chế; con người, bộ máy nhân lực thiếu; chất lượng nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy vẫn đang ô nhiễm (vùng Nam Định - Ninh Bình ô nhiễm nhẹ, vùng Hà Nam ô nhiễm nặng). Thời gian tới, Hà Nội cần tập trung vào các giải pháp: Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các CCN, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung đang hoạt động; chỉ cho phép các KCN, CCN, khu đô thị mới đi vào hoạt động khi có đủ hồ sơ, hạ tầng kỹ thuật về BVMT; Tiếp tục đầu tư hệ thống thu gom XLNT sinh hoạt đô thị tập trung; Chú trọng kiểm soát nước thải làng nghề, CCN và nước thải chăn nuôi; Nghiên cứu đề xuất phương án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

    Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành của TP. Hà Nội trong 12 năm qua, cũng như sự phối hợp giữa các địa phương trên lưu vực nhằm triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - Đáy. Để giảm thiểu ô nhiễm LVS, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Hà Nội và các địa phương trên lưu vực cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án. Đặc biệt, Hà Nội cần có phương án chiến lược trong giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. Bộ TN&MT sẽ phối hợp với TP trong việc thực hiện các giải pháp BVMT, tuy nhiên, trên cơ sở quyết sách, chiến lược của TP. Ngoài ra, đề nghị Lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo giải quyết các vấn đề môi trường như quản lý chất thải rắn, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, XLNT sinh hoạt đô thị, khu dân cư, XLNT làng nghề, BVMT không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT; điều tra, thống kê nguồn thải xả thải vào LVS; chủ động, tích cực trong phối hợp liên ngành, liên tỉnh để giảm thiểu ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy…

    Tại buổi làm việc, Bộ TN&MT và UBND TP. Hà Nội thống nhất thời gian tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - Đáy giai đoạn 2008-2020. Kết thúc buổi làm việc, Đoàn công tác của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - Đáy đã đi kiểm tra Nhà máy XLNT Cầu Ngà và Công ty CP thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

 

Giáng Hương

Ý kiến của bạn