Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

07/09/2021

    Ngày 30/8/2021, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật BVMT năm 2020. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

     Theo Tổng cục Môi trường, đến nay, Tổng cục đã nhận được văn bản góp ý của 32 tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp cho Dự thảo Nghị định. Đa số các ý kiến đóng góp đều thể hiện mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp đối với công tác BVMT và nhiều nội dung đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu, có giải trình rõ ràng. Trong đó, Quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là vấn đề được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, góp ý, bởi chính sách này có tác động trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các nội dung được góp ý bao gồm: đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng, quy định đóng góp tài chính, Văn phòng EPR Việt Nam, Hội đồng EPR Quốc gia; thời hạn, lộ trình thực hiện trách nhiệm…

    Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Liên minh không rác Việt Nam đề nghị, không lùi thời gian thực hiện EPR, bởi những doanh nghiệp khó khăn sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và đây cũng là cơ hội để khuyến khích doanh nghiệp chuyển từ bao bì khó phân hủy sang dễ phân hủy, tạo động cơ để các nhà sản xuất thay đổi công nghệ thân thiện với môi trường.

     Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý, đổng thời tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trong Dự thảo Nghị định như: chỉnh lý cho phép nhà sản xuất được lựa chọn đồng thời nhiều hình thức tái chế; làm rõ hơn các hệ số trong công thức xác định tỷ lệ tái chế, xác định mức đóng góp tài chính; sửa đổi quy cách tái chế theo hướng cho phép nhà tái chế có nhiều lựa chọn quy cách tái chế; quy định rõ mức sàn để xác định nhà sản xuất, nhập khẩu có nghĩa vụ đóng góp tài chính; chỉnh lý quy định về xử lý vi phạm cho phù hợp. Đặc biệt, đã bỏ quy định về hải quan không thông quan hàng hoá khi nhà sản xuất, nhập khẩu chậm, trốn nộp; tăng thời hạn đăng ký kế hoạch tái chế và thời hạn đóng góp tài chính. Quy định rõ việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT; sửa đổi quy định về cung cấp thông tin sản phẩm, bao bì bằng các hình thức thay thế khác như QR code; làm rõ hơn vị trí, vai trò của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Việt Nam;…

    Bên cạnh Quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh tế tuần hoàn cũng là nội dung mới được đưa vào Luật BVMT 2020, cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm. Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam góp ý, để có được hệ thống tái chế ô tô/xe máy lý tưởng và bền vững, điểm mấu chốt là tất cả các bên liên quan như Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối, người dùng và cơ sở tái chế phải có vai trò và trách nhiệm cụ thể trong bức tranh tổng thể về hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững.

    Về vấn đề này, theo Tổ Biên tập, đến nay, Dự thảo Nghị định quy định 4 nhóm tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn mang tính bao quát nhất, phù hợp với khái niệm của Luật BVMT (khoản 1, Điều 142) và kinh nghiệm quốc tế. Các tiêu chí cụ thể (chỉ tiêu, chỉ số) sẽ được xác định trong kế hoạch hành động quốc gia; kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực; các hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, khu đô thị, khu dân cư tập trung; dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, Dự thảo Nghị định đã có sự tiếp thu, chỉnh sửa lộ trình theo các giai đoạn cụ thể gắn với nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến

    Ghi nhận các ý kiến góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu, các nhóm soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu Ban soạn thảo để chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Nghị định; đảm bảo Nghị định khi ban hành sẽ được thực thi thuận lợi và đầy đủ.

Nam Việt

Ý kiến của bạn