Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật của các quốc gia và cam kết đạt trung hòa các bon tại Hội nghị COP 26

30/11/2021

    Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 12/11/2021 tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh theo hình thức trực tiếp, với sự tham dự của hơn 120 nguyên thủ quốc gia. Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trên thế giới nên Hội nghị COP 26 phải lùi lại một năm so với dự kiến.

    Ngày 4/11/2021 Ban thư ký UNFCCC đã đưa ra bản báo cáo phân tích về các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật so với bản báo cáo phân tích Ban thư ký đã đưa ra ngày 25/10/2021 và ngày 26/2/2021 bổ sung thêm 14 NDC cập nhật của các quốc gia (UNFCCC, 2021).

    Bảng sau tóm tắt việc thực hiện 166 NDC hiện nay của 193 Bên tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH, bao gồm 124 NDC mới và cập nhật của 151 Bên tham gia:

 

Ước tính Gigaton CO2 tương đương

(Gt CO2 tđ)

Thay đổi so với năm 2010, trung bình (%)

Tổng phát thải KNK toàn cầu (không bao gồm LULUCF) vào năm 2030

53.8 (50.8–56.9)

+13.7

 

Tổng phát thải KNK năm 2030 của 151 quốc gia nêu trong NDC mới hay NDC cập nhật

40.4 (38.5–42.2)

+5.9

Tổng phát thải KNK năm 2030 cho 74 quốc gia với chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn dài hạn

29.7 (29.0 to 30.4)

-5.2

    Đối với 74 Bên cung cấp thông tin về tầm nhìn, chiến lược và mục tiêu giảm phát thải dài hạn và mục tiêu tới và sau năm 2050, ước tính tổng lượng phát thải KNK sẽ thấp hơn 70 - 79% vào năm 2050 so với năm 2019.

    Hình dưới đây so sánh cập nhật về lượng khí thải toàn cầu theo các kịch bản được đánh giá trong Báo cáo đặc biệt của Ban Liên chính phủ về BĐKH về sự nóng lên toàn cầu là 1,5°C và tổng phát thải toàn cầu theo các NDC các nước cập nhật:

    Bản cập nhật của 193 NDC hiện hiện nay cho thấy, mức phát thải KNK toàn cầu vào năm 2030 được dự đoán là sẽ tăng lên đáng kể, khoảng 13,7% năm 2030 so với năm 2010.

    Ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) ước tính, việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ C đòi hỏi phải giảm lượng khí thải CO2 45% vào năm 2030 hoặc giảm 25% vào năm 2030 để hạn chế nhiệt độ tăng lên 2 độ C. Nếu lượng khí thải không được giảm vào năm 2030, cần phải giảm đáng kể sau đó để bù đắp cho việc giảm chậm trong giai đoạn đầu nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giai đoạn sau, nhưng có thể phải chi trả cao hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị COP 26 (Ảnh: Chu Thị Thanh Hương)

    Năm 2017 sau khi tham dự Hội nghị lần thứ 22 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP22), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Sau gần 3 năm xây dựng và cập nhật, ngày 11/9, Việt Nam đã chính thức gửi Ban thư ký UNFCCC NDC cập nhật và trở thành một trong 20 quốc gia đầu tiên gửi NDC cập nhật đến Ban thư ký Công ước. Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris. Về thích ứng với BĐKH, NDC cập nhật đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với BĐKH, bao gồm: nâng cao hiệu quả thích ứng thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng, các thành phần kinh tế và các hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH. Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực và cho từng khu vực. Một điểm mới, NDC cập nhật của Việt Nam đã bổ sung nội dung về “hài hòa và đồng lợi ích”. Qua đó, phân tích tính hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ khí nhà kính, thích ứng BĐKH, phát triển KT-XH gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là cơ sở xác định các hành động nhằm tối ưu hóa chi phí và lợi ích đối với BĐKH tại các ngành, địa phương (Bộ TN&MT, 2020).

    Về các cam kết mới liên quan tới các-bon trung tính năm 2050:

    Hơn 130 quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050. Trung Quốc - hiện là nhà sản xuất CO2 lớn nhất trên thế giới - cho biết họ đang hướng tới mục tiêu "trung hòa các-bon" vào năm 2060. Đồng thời, chưa đặt ra chính xác điều này có nghĩa là gì hoặc làm thế nào để đạt được điều đó. Nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới, nước Nga cũng đã cam kết đạt mức 0 ròng vào năm 2060, mặc dù cam kết dự thảo của nước này chưa được phê chuẩn về mặt pháp lý. Ấn Độ - quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và EU - đã hứa sẽ cắt giảm lượng khí thải của mình xuống mức 0 vào năm 2070. Trong khí đó một số quốc gia đông dân nhất thế giới - bao gồm cả Indonesia - đã không đưa ra bất kỳ cam kết đạt trung hòa các-bon nào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo thế giới công bố Cam kết giảm phát thải Methan toàn cầu,

do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đồng chủ trì (Ảnh: Chu Thị Thanh Hương)

    Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,50C, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể. Nội dung chính của Tuyên bố tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải KNK do con người gây ra và hấp thụ KNK tự nhiên, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững (Vương quốc Anh, 2021). Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đưa ra. Hơn 100 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Canađa, đã cam kết cắt giảm 30% mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 (Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, 2021). Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu được các nhà Lãnh đạo cam kết tại Hội nghị COP26 hỗ trợ các quốc gia đạt được các-bon trung tính vào năm cam kết.

    Tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải KNK trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của từng quốc gia. Nhân đây tôi cũng kêu gọi phải có công bằng, công lý về BĐKH. Đây là đòi hỏi tất yếu để cùng nhau kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất. Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải KNK mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ, 2021).

    Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên để thực hiện các cam kết này, Việt Nam cần phải xây dựng Chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện các cam kết nêu trên. Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050. Bản Chiến lược này cần phản ánh đầy đủ cũng như đưa ra các đề xuất về phương thức để thực hiện các cam kết, các tuyên bố mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Chu Thị Thanh Hương

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

    Tài liệu tham khảo

  • Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, 2021, Báo cáo phân tích NDC cập nhật (https://unfccc.int/news/cop26-update-to-the-ndc-synthesis-report);
  • BBC news, 2021, What is net zero and how are the UK and other countries doing, https://www.bbc.co.uk/news/science-environment-58874518;
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020, Báo cáo kỹ thuật Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật;
  • Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, 2021, Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu;
  • Thủ tướng Chính phủ, 2021, Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26;
  • Vương quốc Anh, 2021, Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn