Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đà Nẵng: Phát động và lan tỏa Phong trào “Cùng nhau ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã”

01/10/2021

     Ngày 30/9/2021, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Chương trình Tọa đàm và Triển lãm ảnh trực tuyến kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã kéo dài từ 30/9 - 8/10/2021 nằm trong chuỗi hoạt động do Sở TNMT Đà Nẵng, Nhóm nghiên cứu giảng dạy Tài nguyên sinh vật & Môi trường - Đại học Đà Nẵng (DN-EBR), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp tổ chức thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).

     Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD) tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn, buôn bán ĐVHD trái pháp luật và đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến dài trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm ĐVHD, trong đó phải kể đến việc ban hành Bộ Luật Hình sự mới với các quy định tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán các loài ĐVHD và các sản phẩm của chúng.

Bảo vệ ĐVHD chính là bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của muôn loài

     Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục được coi là điểm nóng về trung chuyển, cung cấp và tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp trên thế giới. Trước thực trạng này, chuỗi sự kiện được thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống trên hành tinh xanh. Từ đó góp phần phát động và lan toả phong trào "Cùng nhau ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã!" trong toàn xã hội.

     Chương trình Tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cơ quan ban ngành TP. Đà Nẵng; cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, diễn giả; các tổ chức trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn. Tọa đàm đã tập trung làm rõ thực trạng săn bắn, tiêu thụ, buôn bán ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. Ngoài ra, các nội dung liên quan đến tình hình quản lý, thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD trên địa bàn thành phố, công tác truyền thông bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại TP. Đà Nẵng cũng được quan tâm thảo luận trong Tọa đàm nhằm góp phần triển khai hiệu quả các chính sách ngăn chặn nạn buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật.

     Triển lãm ảnh trực tuyến “Cùng lên tiếng bảo vệ động vật hoang dã" diễn ra từ 30/9 -8/10 sẽ công bố khoảng 100 hình ảnh và video ấn tượng về ĐVHD. Công chúng có thể trực tiếp truy cập vào địa chỉ http://baovedongvathoangda.org để xem triển lãm và tham gia trả lời các câu hỏi về ĐVHD cũng như để lại những chia sẻ, cảm xúc sau khi tham gia triển lãm. Không chỉ khai thác tư liệu từ các tổ chức bảo tồn ĐVHD, triển lãm đã sử dụng các hình ảnh, video do các nhà báo, phóng viên điều tra cung cấp, từ đó mang lại góc nhìn đa chiều về thực trạng nạn buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật tới công chúng.

Những nỗ lực bảo vệ ĐVHD

     Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là triển lãm ảnh trực tuyến đầu tiên về môi trường được tổ chức tại Đà Nẵng. Để đảm bảo tuân thủ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, chúng tôi tham mưu triển khai thực hiện chương trình trên nền tảng trực tuyến, kêu gọi sự tương tác, phản hồi của cộng đồng trong việc trả lại sự sống vốn có cho ĐVHD.”

     Theo báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của WWF, trong vòng 50 năm qua quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm 68%. Tại Việt Nam, rất nhiều loài ĐVHD đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức...

     Ông Nguyễn Hoài Khương, Quản lý Dự án Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người, WWF-Việt Nam nhấn mạnh: “WWF-Việt Nam hợp tác với nhiều đối tác khác nhau nhằm tìm kiếm các giải pháp mới cho công tác bảo tồn tại Việt Nam. Trong cuộc chiến ngăn chặn và đi đến chấm dứt nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật, chúng tôi luôn ưu tiên hỗ trợ và thúc đẩy tham gia tích cực từ các cơ quan, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và đặc biệt là chung tay của cộng đồng người dân tại địa phương. Từ chuỗi hoạt động ý nghĩa này, WWF-Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi sáng tạo hơn để tiếp tục giảm thiểu nhu cầu sử dụng ĐVHD tại Việt Nam”.

Hoạt động giáo dục và truyền thông về bảo vệ ĐVHD hiện nay là rất cần thiết

     Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet - đơn vị trực tiếp thực hiện chuỗi hoạt động cho hay: “Chưa bao giờ chúng ta có thể nhìn rõ hoạt động tiêu thụ ĐVHD lại gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội như lúc này. Dù triển khai thực hiện chuỗi hoạt động trong bối cảnh vô cùng khó khăn, chúng tôi hy vọng có thể gióng lên một hồi chuông cảnh báo, thức tỉnh mọi người trước thực trạng nguy cấp như hiện nay. Tiếng nói chung của những người ủng hộ sẽ góp phần lên án, tẩy chay nhằm thay đổi hành vi ăn thịt và sử dụng ĐVHD”.

     Bảo vệ ĐVHD ngày nay đã trở thành thông điệp bảo vệ sự sống nhằm phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động giáo dục và truyền thông về bảo vệ ĐVHD nói riêng cũng như bảo vệ môi trường sống nói chung với sự tham gia của nhiều bên liên quan là rất cần thiết; nhằm góp phần cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và lan toả giá trị sống tử tế, để cùng nhau chung sống có trách nhiệm với môi trường. Bảo vệ ĐVHD chính là bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của muôn loài. Vì vậy, cần sự tham gia và chung tay của cộng đồng, chia sẻ và lan tỏa thông điệp kêu gọi bảo vệ ĐVHD đến nhiều người khác để góp phần bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học. Chung tay bảo vệ ĐVHD, bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn