Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”

30/08/2021

    Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch gia tăng đáng kể, nhất là rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly... gây áp lực lên hệ thống xử lý rác thải của các địa phương. Trước tình hình này, để đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, Bộ TN&MT đã kịp thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế cho phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 tại từng địa phương. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

PV: Thưa Phó Tổng cục trưởng, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã có tham mưu, chỉ đạo như thế nào để xử lý kịp thời lượng chất thải phát sinh tại các địa phương, nhất là ở các vùng dịch?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia ban hành các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, cụ thể về công tác quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực: nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang.

    Ngay từ năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Đồng thời, Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung.

    Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Delta, Bộ đã tiếp tục có một số văn bản hướng dẫn, đề nghị các địa phương tăng cường thu gom, xử lý chất thải phát sinh, đặc biệt là chất thải y tế. Theo đó, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tại các văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT về việc xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh cần ưu tiên xử lý tại chỗ tại các cơ sở y tế, cụm cơ sở y tế tập trung ở địa phương có công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế theo quy định hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm, đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý. Trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh cần chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ.

PV: Với lượng rác thải tăng đột biến như hiện nay, xin Phó Tổng cục trưởng cho biết về các quy định hiện hành nhằm bảo đảm an toàn trong việc xử lý rác thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền: Hiện nay, chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 từ các cơ sở y tế, điều trị bệnh nhân COVID-19, khu vực cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”. Đồng thời, chất thải từ nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang phải được thu gom đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế theo các văn bản nêu trên. Trong đó, chất thải y tế phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải y tế; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại và theo các quy định của pháp luật có liên quan.

    Tại các văn bản của Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; chỉ đạo các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định; hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý chất thải để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Thu gom chất thải tại khu cách ly tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ảnh TTXVN

PV: Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới của Bộ TN&MT để tăng cường quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền: Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục quán triệt tới từng cán bộ, công chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan và địa phương để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, bao gồm:

   Thứ nhất, phối hợp với địa phương trong việc xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại địa phương để đảm bảo toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

    Thứ hai, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải phát sinh do dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly theo đúng quy định.

    Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế  để tăng cường xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19; tiếp tục hỗ trợ việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp các địa phương các địa phương khác không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý chất thải.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)

Ý kiến của bạn