Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển

30/11/2020

    Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Thi đua yêu nước ngành TN&MT lần thứ IV, nhằm tổng kết, đánh giá phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020; Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; Đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Tham dự Đại hội có Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; nguyên Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Minh Quang; các Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Phong trào thi đua được tiến hành toàn diện, trọng tâm, trọng điểm

   Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành TN&MT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp. Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Hạn hán hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây nguyên, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung... Trong bối cảnh đó, thầm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn, càng phải thi đua”, phong trào thi đua yêu nước của ngành TN&MT đã được tiến hành bài bản, từ đặt ra các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể đến hành động thực hiện thiết thực, trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của Bộ, từ trung ương tới địa phương. Với ý thức thực hiện công việc một cách kỷ luật, kỷ cương, sáng tạo và đổi mới, toàn ngành đã tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra của Chính phủ; phấn đấu hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về pháp luật cho đến triển khai nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường, điều kiện đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính.

B trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

    Bên cạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua theo giai đoạn, hàng năm, các phong trào chuyên đề như: "Kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hành động trong quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT để phát triển nhanh, bền vững đất nước”, "Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông", "Hiến kế, đề xuất giải pháp, ý tưởng sáng tạo"... Thông qua phong trào thi đua, ngành TN&MT đạt được các kết quả quan trọng:

    Kiến tạo thể chế, chính sách, pháp luật nhằm xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, BVMT cho phát triển bền vững. Đã rà soát, đánh giá thực tiễn, trình ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ ngay những vướng mắc về quản lý tài nguyên, phục vụ hiệu quả cho phát triển; thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp TN&MT. Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi, vi phạm pháp luật về BVMT. Hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 nghị quyết quan trọng của Đảng về đất đai, biển đảo và ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

    Triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Trong 3 năm 2016 - 2019, toàn Ngành đã tiến hành hơn 7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra qua đó kiến nghị thu hồi gần 17 nghìn ha đất, truy thu hơn 368 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng (riêng năm 2018, xử phạt vi phạm hanh chính 116 tỷ đồng, thu hồi 695 ha đất). Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; qua đó, số lượng đơn thư giảm trung bình 9,0%/năm. Các vụ việc khiếu kiện bức xúc, điểm nóng phức tạp được kiểm tra, xác minh giải quyết đúng quy định của pháp luật.

    Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong quản lý và chỉ đạo điều hành. Bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Nỗ lực cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, cấp Giấy Công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là ở các địa phương đã nâng chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản lên mức xếp hạng 60 trong 190 nước được đánh giá. Thưc hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính chính của Bộ, cho người dân, doanh nghiệp, trong đó, có nhiều dịch vụ công mức độ 4 hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 và hoàn thành trước 06 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019 - 2020. Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Bộ tăng 9 bậc so với năm 2016.

    Đặc biêt, công tác quản lý, BVMT đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng trung bình 6%/năm; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 89%; số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%, đã triển khai các mô hình tái chế rác thải sinh hoạt thay cho chôn lấp. Đã thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với Bộ...

Phong trào thi đua yêu nước Ngành TN&MT: Cần coi nhiệm vụ quản lý tài nguyên, BVMT là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển

    Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành TN&MT đã đạt được trong thời gian qua. Để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục là động lực trong xây dựng, phát triển ngành TN&MT, Phó Chủ tịch đề nghị, giai đoạn 2020 - 2025, ngành TN&MT cần thống nhất trong nhận thức và hành động, coi nhiệm vụ quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển bền vững đất nước; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ về TN&MT theo nguyên tắc thị trường; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, BVMT; Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Giảm thiểu rác thải nhựa và BVMT biển; Chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…

    Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Công tác thi đua gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác

    Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 1 tập thể, 1 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho cho 3 cá nhân. Đại hội cũng vinh danh 28 tập thể và 57 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành TN&MT 5 năm qua.

Quang cảnh Hội nghị

 

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn