Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương

12/12/2018

     Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canađa (1973 - 2018), ngày 10/12/2018, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Đại sứ quán Canađa tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế đầu tiên nhằm tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương.

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, BVMT biển, phục hồi hệ sinh thái biển đã được xác định là một trong những mục tiêu, chủ trương lớn trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,  tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương được tổ chức nhằm hiện thực hóa sáng kiến thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canađa vào tháng 6/2018.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

 

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ giải pháp cụ thể đối với những cơ hội, thách thức trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương trên phạm vi toàn cầu, khu vực cũng như ở Việt Nam, như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa; cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa; các giải pháp về thông tin dữ liệu quản lý rác thải nhựa trên biển, giải pháp khoa học công nghệ...; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp thay đổi hành vi; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa...

     Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất sáng kiến Việt Nam có thể đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN không rác thải nhựa” vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

     Tại Hội thảo, Đại sứ Canađa tại Việt Nam Deborah Paul cho biết, Canađa tự hào có lịch sử hợp tác lâu dài với Việt Nam trong việc giải quyết các ưu tiên chung, liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo Đại sứ, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đổ ra các đại dương trên toàn thế giới, tức là tương đương với một xe tải chứa đầy rác đổ ra biển mỗi phút.

     Trên toàn thế giới, con người và các công ty thải ra khoảng 100 - 150 tỉ USD trị giá bao bì đóng gói bằng nhựa/ni lông mỗi năm. Chất thải nhựa và rác nhựa đại dương, gồm cả vi nhựa, là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của các đại dương, sông ngòi và sức khỏe con người. Việc tái chế 1 tấn nhựa giúp giảm 2 tấn các bon thải vào không khí, vì thế, giảm sử dụng và tái chế nhựa sẽ giúp cắt giảm đáng kể phát thải khí nhà kính.

     Tháng 4/2018, Đại sứ quán Canađa tại Việt Nam đã khởi xướng một sáng kiến vận động chính sách với nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Đến nay, đã có tổng số 58 tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tham gia ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa và cam kết giảm thiểu sử dụng các đồ nhựa dùng một lần tại công sở.

     Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Canađa, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phương pháp tiếp cận như: Loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và cơ chế tài chính bền vững để phát triển hệ thống xử lý rác thải tiên tiến; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia phù hợp với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn