Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Xây dựng Báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch

10/11/2017

     Ngày 9/11/2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo Xây dựng Báo cáo công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch. Báo cáo được thực hiện theo nội dung Thông tư số 19/2016 ngày 24/8/2016 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về báo cáo công tác BVMT.

     Trong những năm qua, hoạt động du lịch đã đem lại nhiều kết quả to lớn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, đặc biệt là các giá trị di sản thế giới ở Việt Nam. Theo thống kê, trong 5 năm 2011 - 2016, lượng khách du lịch luôn duy trì được mức tăng trưởng cao, du khách quốc tế tăng 1,7 lần từ 6 triệu lượt năm 2011 lên 10 triệu lượt năm 2016, khách du lịch nội địa tăng hơn 2 lần, từ 30 triệu lượt năm 2011 lên 62 triệu lượt năm 2016. Nếu như năm 2011, cả nước có 13.000 cơ sở lưu trú với 265.000 buồng thì đến năm 2016, số lượng cơ sở lưu trú đã đạt đến 21.000 cơ sở với 420 nghìn buồng, trong đó có 106 khách sạn 5 sao, 231 khách sạn 4 sao, 447 khách sạn 3 sao…

 

Hội thảo Xây dựng Báo cáo công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch

 

     Tuy nhiên, việc phát triển du lịch với tốc độ cao trong những năm gần đây đã tạo sức ép lớn đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Cùng với sự gia tăng về lượng khách thì các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở các trọng điểm phát triển du lịch. Tổng lượng chất thải rắn từ hoạt động du lịch trên cả nước ước tính gần 50.000 tấn từ năm 2010 - 2012 và đến năm 2016 tăng lên khoảng 160.000 tấn. Bên cạnh đó là sự gia tăng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và làm suy giảm đa dạng sinh học. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị không có giấy phép xả nước thải vào nguồn, một số đơn vị xả nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước sử dụng làm nước sinh hoạt; nhiều cơ sở không chú ý, hoặc cố tình lảng tránh việc thực hiện quan trắc môi trường định kỳ…

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung trong Dự thảo Báo cáo công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch, đồng thời đóng góp các ý kiến  để hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới. Theo đó, du lịch là một ngành kinh tế mà sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với khả năng khai thác tài nguyên, khai thác đặc tính của môi trường xung quanh. Các hoạt động du lịch và môi trường có tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau và nếu khai thác, phát triển hoạt động du lịch không hợp lý có thể sẽ là nguyên nhân làm suy giảm giá trị của các nguồn tài nguyên, chất lượng môi trường và cũng làm suy giảm hiệu quả của chính hoạt động du lịch. Báo cáo công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch là yếu tố rất quan trọng để theo dõi, đánh giá và đề xuất chính sách, pháp luật quản lý môi trường, cũng như nghiên cứu khoa học về BVMT trong hoạt động du lịch. Vì thế, Báo cáo cần phải được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu một cách toàn diện về tình trạng ô nhiễm môi trường (ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn, các nguồn gây ô nhiễm…); suy thoái tài nguyên, đa dạng sinh học và văn hóa; các tác động trực tiếp, gián tiếp từ hoạt động du lịch đối với môi trường sinh thái. Du lịch là một ngành đặc thù, do đó, cần phải nhìn nhận và đánh giá cả các khía cạnh tích cực, lẫn tiêu cực, văn hóa tâm linh, văn hóa bản địa, phải lồng ghép giáo dục về BVMT trong các chương trình tour du lịch, trường học; khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tái đầu tư cho môi trường và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương chung tay BVMT khu du lịch, tôn tạo các công trình, thắng cảnh thiên nhiên.

 

Phương Linh

 

     Cũng liên quan đến công tác BVTM trong lĩnh vực du lịch, cùng ngày, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã tổ chức Hội thảo xây dựng Dự thảo Báo cáo xây dựng mô hình BVMT và Quy chế thực hiện mô hình BVMT đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ (CSDL&DV) tại các khu, điểm du lịch. Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về BVMT đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã đề xuất các tiêu chí về BVMT đối với 3 loại CSDL&DV (cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm), mỗi loại bao gồm các tiêu chí bắt buộc, các tiêu chí khuyến khích thực hiện. Để có thể ứng dụng rộng rãi Bộ tiêu chí trên cho các CSDL&DV thuộc các khu, điểm du lịch ở Việt Nam, cần phải xây dựng mô hình BVMT đối với các cơ sở tại các khu, điểm du lịch. Mô hình được xây dựng dựa trên việc ứng dụng thử nghiệm Bộ tiêu chí tại một số CSDL&DV cụ thể, qua đó điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời đề xuất khung quy chế BVMT tại các CSDL&DV tại các khu điểm du lịch trên cơ sở ứng dụng Bộ tiêu chí đã hoàn chỉnh. Mô hình BVMT đối với các CSDL&DV tại các khu, điểm du lịch quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan để đảm bảo các tiêu chí được thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để thực hiện và nhân rộng mô hình đến các CSDL&DV trên cả nước. Ba mô hình đã được đề xuất là: Mô hình BVMT cho cơ sở vui chơi giải trí tại Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh); mô hình BVMT cho cơ sở ăn uống tại Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình); mô hình BVMT cho cơ sở bán hàng lưu niệm tại Điểm du lịch làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội).

 

 

          

 

 

Ý kiến của bạn